Khai thác tài nguyên khoáng sản còn nhiều bất cập

So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, Việt Nam có những lợi thế quan trọng về tài nguyên khoáng sản. Hiện cả nước có hơn 1.000 mỏ lớn nhỏ đang được khai thác, có thể kể đến như: Than, sắt, titan, đá vôi xi măng, đá xây dựng… Tuy vậy, khi đánh giá về tiềm năng, các nhà khoa học đều cho rằng nước ta có nhiều loại tài nguyên khoáng sản nhưng trữ lượng hầu hết không nhiều đều nằm trong danh mục hữu hạn, một phần còn lại rất nhỏ có thể tái tạo.

Trong khi đó, công tác quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản lại chưa chặt chẽ nên tình trạng khai thác thiếu quy hoạch thường xảy ra. Có thể nói, việc khai thác và chế biến tài nguyên khoáng sản chưa bao giờ được tiến hành rộng rãi ở các địa phương như hiện nay. Bên cạnh việc đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các hoạt động này làm lãng phí tài nguyên do không tận thu được hàm lượng khoáng sản hữu ích.

Các mỏ nhỏ nằm phân tán ở các địa phương không được quản lý thống nhất, đồng bộ nên tình trạng thất thoát tài nguyên và gây ô nhiễm môi trường càng trầm trọng. Bên cạnh đó, việc khai thác tài nguyên khoáng sản bằng công nghệ lạc hậu còn gây tình trạng mất rừng, xói lở đất, bồi lắng và ô nhiễm sông suối, ven biển, tác hại đến sức khỏe sự an toàn tính mạng của con người và sự phát triển bền vững của đất nước.

Đồng thời, phương thức chế biến và sử dụng tài nguyên thiên nhiên cũng như tiêu dùng còn nhiều bất cập, chưa thân thiện với môi trường nên đã và đang tác động xấu đến nhiều vùng trong cả nước, đe dọa đến sự phát triển bền vững, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống trong xã hội hiện tại và tương lai.

Đặc biệt, vấn đề minh bạch và trách nhiệm giải trình cần được nâng cao để quản lý hiệu quả hơn nguồn tài nguyên khoáng sản của đất nước.

Khai thác tài nguyên khoáng sản nói chung và đất nói riêng phải đáp ứng các quy định về điều kiện kinh doanh ngành nghề khai thác khoáng sản, cũng như giấy phép khai thác khoáng sản trong những trường hợp bắt buộc phải xin giấy phép khai thác. Tuy nhiên, tại một số địa phương, lợi dụng việc giao đất để phục vụ cho dự án thì doanh nghiệp lại khai thác tận thu, vận chuyển, mua bán khoáng sản trái quy định.

Từ thực tiễn trên, Tòa soạn Tạp chí điện tử Kinh doanh và Phát triển thực hiện chuyên đề: "Nhận diện hoạt động quản lý, khai thác tài nguyên - khoáng sản trong đời sống kinh tế - xã hội địa phương". Trong đó, nhóm phóng viên đã tiến hành nghiên cứu các quy định của pháp luật về lĩnh vực này, đồng thời khảo sát minh chứng thực tế tại một số địa phương, trong đó có huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ để làm rõ hơn các vấn đề cần quan tâm. Thông qua đó, có cái nhìn đa chiều về bản chất vấn đề, phân tích, đánh giá, tham vấn ý kiến và đưa ra một số kiến nghị tới các cơ quan chức năng để hoạt động quản lý, khai thác, kinh doanh tài nguyên, khoáng sản đúng pháp luật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Quản lý khoáng sản ở huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ: Tồn tại và giải pháp
Trụ sở UBND xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ trong giờ làm việc

Khảo sát thực tế tại Phú Thọ

Theo tìm hiểu, hiện nay Phú Thọ là tỉnh đang trên đà phát triển với mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư, xây dựng và hoàn thiện đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội. Do đó, nhu cầu sử dụng tài nguyên, khoáng sản của Phú Thọ là rất lớn. Để đảm bảo không lãng phí tài nguyên đất, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn, các địa phương trong tỉnh đã từng bước chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý đất đai theo hướng chặt chẽ, đồng bộ, đảm bảo cho nhu cầu phát triển bền vững. Mặc dù đã có những chuyển biến tích cực, song công tác quản lý, sử dụng tài nguyên đất đai là vấn đề khó, vẫn tồn tại nhiều lỗ hổng, chồng chéo bất cập ở một số địa phương…

Khảo sát thực tế tại thôn Hưng Long xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, nhóm Phóng viên đã ghi nhận trên thực tế tại đây có hiện tượng khai thác đất một cách ngang nhiên, gây tiếng ồn, khói bụi, ô nhiễm môi trường mà không hề có sự can thiệp nào từ các cơ quan chức năng.

Quản lý khoáng sản ở huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ: Tồn tại và giải pháp

Ông N.V.V thôn Hưng Long, xã Quảng Yên cho biết: “Đồi đất mà đơn vị đang khai thác là đất của Lâm Trường đã giao cho Công ty Bắc Ái để phục vụ dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang, còn đơn vị khai thác thì tôi không biết là ai nhưng đất họ lấy đi chở cho một số hộ dân quanh đây cũng như tập trung chính là đổ san lấp mặt bằng cho hộ gia đình ông Thức”.

Quản lý khoáng sản ở huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ: Tồn tại và giải pháp
Xe chở đất chạy ầm ầm gây bụi bẩn ô nhiễm môi trường có dấu hiệu "xẻ đồi" lấy đất trái phép

Liên quan đến việc khai thác gây ô nhiễm môi trường và làm rõ việc đơn vị khai thác khoáng sản trên có được cấp phép hay không? Phóng viên đã liên hệ với ông Nguyễn Thành Long – Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Yên, ông Long cho biết, địa điểm đang diễn ra việc khai thác đất này là đất Lâm Trường đã giải phóng mặt bằng và giao cho công ty Bắc Ái để phục vụ cho dự án dự án Cao tốc, đơn vị đang khai thác đất vẫn là người của công ty, còn họ tự thỏa thuận với người dân để cho họ để nhờ... Đồng thời, Phó Chủ tịch xã cũng thừa nhận có tình trạng họ đổ đất cho một số hộ dân để sử dụng không đúng mục đích, xã cũng đã cho lập biên bản. Và việc san lấp tại hộ gia đình ông Thức là có, nhưng đất đã được cấp chứng nhận đất trồng cây lâu năm.

Quản lý khoáng sản ở huyện Tam Nông tỉnh Phú Thọ: Tồn tại và giải pháp
Chỉ trong thời gian ngắn từ 10 đến 15 phút sau khi PV làm việc với UBND xã Quảng Yên thì hoạt động khai thác đất trên đã dừng lại, không còn bất cứ một dấu vết nào, chỉ còn hình ảnh cả một quả đồi bị máy múc nham nhở

Thế nhưng, khi phóng viên đề nghị được cung cấp một số tài liệu liên quan đến việc lập biên bản và cam kết bảo vệ môi trường của đơn vị thi công, thì đồng chí Phó Chủ tịch xã nêu lý do chuẩn bị đi có việc, và đồng chí Khánh cán bộ địa chính xã phụ trách giấy tờ liên quan đi vắng nên không cung cấp được.

Ngay sau khi làm việc xong với UBND xã Quảng Yên, để có đầy đủ nội dung, ghi nhận việc khai thác khoáng sản của đơn vị có đúng quy định hay không? Phóng viên đã quay trở lại vị trí khai thác để làm việc với đơn vị khai thác. Tuy nhiên không hiểu lý do gì tại hiện trường khai thác máy múc đất, xe tải chở đất đã được di chuyển ra khỏi khu vực, không còn "dấu vết" nào của hoạt động khai thác khoáng sản. Người dân đặt nghi vấn nếu có giấy phép khai thác khoáng sản thì sao phải dừng lại khi có phóng viên tiếp cận hiện trường?

Để đảm bảo việc khai thác và vận chuyển khoáng sản diễn ra đúng quy định, tránh thất thoát tài nguyên, thất thoát thuế của Nhà nước và đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, cần thiết có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng để làm rõ những vấn đề liên quan.