ISSN-2815-5823
Thứ hai, 10h50 01/07/2019

Nhiều giải pháp kiểm soát tình trạng gia tăng chi phí KCB BHYT bất hợp lý

(KDPT) – Sau gần 27 năm triển khai, chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) đã góp phần tạo nên nhiều thay đổi quan trọng trong lĩnh vực y tế. Hiện cả nước đã có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 89% dân số cả nước tham gia, quyền lợi khám chữa bệnh (KCB) BHYT của người tham gia ngày càng được đảm bảo tốt hơn. Tuy nhiên bên cạnh đó, tại phần lớn các cơ sở KCB BHYT tình trạng gia tăng bất hợp lý chi phí KCB BHYT vẫn đang diễn ra, gây ảnh hưởng lớn tới việc quản lý, sử dụng quỹ BHYT hiệu quả. Để hiểu thêm về vấn đề này, Phóng viên Kinh doanh và Phát triển có cuộc trao đổi với Bác sỹ – Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam.

Bác sỹ Nguyễn Tất Thao, Phó Trưởng ban, Ban Thực hiện chính sách BHYT – BHXH Việt Nam. Ảnh: Duy Khánh

Thưa ông, tình hình triển khai công tác KCB BHYT thời gian qua đã có những hiệu quả cụ thể như thế nào?

Tính đến tháng 6/2019, cả nước đã có 84,5 triệu người tham gia BHYT, đạt tỉ lệ 89% dân số cả nước tham gia, nhiều địa phương đã đạt tỉ lệ bao phủ trên 90%. Việc hoàn thiện mục tiêu BHYT toàn dân đang ngày một tới gần.

Thống kê của Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến khu vực phía Bắc (BHXH Việt Nam) 5 tháng đầu năm 2019 cho thấy, cả nước có 72,28 triệu lượt KCB BHYT (tăng 4% so cùng kỳ năm 2018), trong đó số lượt KCB ngoại trú là 65,72 triệu lượt (tăng 3,8%) và số lượt điều trị nội trú là 6,56 triệu lượt, tăng 6,3% so cùng kỳ năm 2018. Số chi KCB BHYT toàn quốc thời gian qua là hơn 40.400 tỉ đồng (tăng gần 5%).

Như vậy, qua gần 27 năm thực hiện chính sách pháp luật về BHYT, nhất là sau gần 04 năm thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, chất lượng KCB BHYT ngày càng cải thiện, người dân được tiếp cận dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc BHYT mới hiệu quả cao, giúp nhiều người vượt qua ốm đau và các căn bệnh hiểm nghèo,giúp họ và gia đình tránh được “bẫy nghèo” do đau ốm. Bên cạnh đó, quỹ BHYT đang trở thành nguồn tài chính cơ bản phục vụ cho hoạt động của các Bệnh viện..

Một thực trạng đang diễn ra là tình trạng bội chi quỹ BHYT vẫn tiếp tục xảy ra tại hầu hết các cơ sở KCB BHYT. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, thưa ông?

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bội chi quỹ BHYT thời gian qua cơ bản là do sự thay đổi chính sách (quyền lợi người có bệnh BHYT được mở rộng, thông tuyến KCB, điều chỉnh giá dịch vụ y tế,…). Bên cạnh đó, còn do tình trạng lạm dụng quỹ BHYT như: một số người có thẻ BHYT lợi dụng chính sách thông tuyến KCB để đi khám bệnh lấy thuốc nhiều lần tại nhiều cơ sở KCB khác nhau trong tuần hoặc trong tháng hoặc nhiều cơ sở KCB có tình trạng chỉ định nhiều người bệnh nhẹ vào điều trị nội trú hoặc kéo dài ngày điều trị nội trú không hợp lý để tăng thu tiền giường bệnh, chỉ định tăng số lượng xét nghiệm cận lâm sàng không cần thiết, không phù hợp tình trạng bệnh của người bệnh, …

Vậy những biện pháp mà BHXH Việt Nam đã triển khai để giảm tình trạng bội chi quỹ BHYT?

Nhằm giảm tình trạng bội chi quỹ BHYT, đảm bảo việc sử dụng và cân đối quỹ BHYT cho người tham gia, BHXH Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp hiệu quả như:

Thứ nhất, cùng tham gia với các cơ quan chức năng trong việc hoàn thiện và ban hành các văn bản quy định về chi trả chi phí KCB BHYT; tham gia xây dựng mức giá dịch vụ KCB phù hợp với điều kiện, khả năng cung ứng của các cơ sở KCB; tham gia xây dựng các phương thức thanh toán chi phí KCB BHYT; xây dựng chính sách cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và an toàn, đặc biệt là việc đấu thầu thuốc tập trung cấp quốc gia cũng đã giảm đáng kê giá thuốc, góp phần giảm bội chi quỹ KCB BHYT.

Thứ hai, chỉ đạo BHXH các tỉnh, thành phố tăng cường công tác giám định, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT, đồng thời đảm bảo việc thanh toán chi phí KCB BHYT theo đúng các quy định của pháp luật; phối hợp với các cấp, các ngành ở địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc KCB BHYT tại các cơ sở KCB, kịp thời phát hiện và ngăn chặn tình trạng lạm dụng quỹ BHYT.

Thứ ba, đặc biệt, một trong những giải pháp tối ưu mà BHXH Việt Nam đã triển khai có hiệu quả chính là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong mảng hoạt động nghiệp vụ này, với việc đưa vào vận hành Hệ thống Thông tin Giám định BHYT từ cuối năm 2016, đầu năm 2017. Hệ thống đã được kết nối tới 100% cơ sở KCB BHYT từ tuyến xã đến Trung ương trên phạm vi toàn quốc để thực hiện quản lý KCB, giám định và thanh toán BHYT, giúp công tác thống kê, tổng hợp, thanh toán kịp thời, chính xác, đặc biệt là việc kết nối với dữ liệu phát hành thẻ BHYT để kiểm tra, phát hiện thẻ không nằm trong dữ liệu thẻ do cơ quan BHXH phát hành hoặc kiểm tra lịch sử KCB của người bệnh có thẻ BHYT để phát hiện các trường hợp đi KCB trùng, KCB nhiều lần trong ngày/tuần/tháng/năm… Về cơ bản, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần hiệu quả trong việc quản lý quỹ BHYT, hạn chế phần nào tình trạng bội chi quỹ BHYT trong thời gian gần đây.

Duy Khánh (thực hiện)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024