ISSN-2815-5823
Chủ nhật, 03h23 03/02/2019

Những bài học từ thành công của năm đã qua

(KDPT) – Con số lợi nhuận của năm 2018 khiến nhiều doanh nhân có thể mỉm cười tự thưởng cho mình những phút giây mãn nguyện. Nhìn lại một năm đã qua, các doanh nhân không khỏi thở phào trước nhiều lựa chọn sống còn cho những quyết định, những thái độ, những hành vi của mình trong công việc và cuộc sống. Đúc rút lại, có nhiều điều đáng ngẫm đễ sẵn sàng cho một năm mới phía trước.

Có lúc phải “mặt dày”!

Ngồi lên chiếc ghế lãnh đạo, bạn nghiễm nhiên sẽ trở thành hình ảnh đại diện, trở thành trung tâm của cả công ty của mình. Khi đó, các nhà đầu tư, các đối tác sẽ mong muốn lắng nghe và hiểu chiến lược kinh doanh từ bạn. Tiếp theo, họ sẽ đánh giá xem liệu nó có hợp lý, khả thi hay không và liệu bản thân bạn có đủ sức để triển khai nó hay không. Còn các cán bộ, nhân viên sẽ ngóng chờ việc triển khai hoạt động từ bạn có hiệu quả hay không.

Khi đó, trên cương vị lãnh đạo, bạn sẽ là trung tâm của mọi sự phán xét, chỉ trích từ nhân viên, cán bộ, đối tác và cả các cổ đông. Nếu bạn đúng, bạn thành công – họ cho đó là trách nhiệm bạn phải làm được. Nhưng nếu bạn sai, vì bất cứ lí do gì, những lời chỉ trích đôi khi hết sức vô căn cứ sẽ xuất hiện. Vì vậy, hãy chuẩn bị tinh thần với việc bản thân bị nghi ngờ thường trực và phải học cách vượt qua nó.

Hãy nhớ, khi đứng trên cương vị của một lãnh đạo, lời chỉ trích không phải là tất cả những gì mà chúng ta sẽ đón nhận. Vô số sự ghi nhận của những người trong ngành cũng như nhiều lời khen từ các chuyên gia tài chính sẽ đổ dồn về khi bạn triển khai tốt chiến lược và mang lại kết quả kinh doanh. Lúc đó, bạn sẽ thực sự biết chiến lược của mình có đúng đắn và bản thân có đang làm tốt hay không.

Tuy nhiên, cần luôn nhớ rằng mình là đại diện của doanh nghiệp. Bạn chỉ có thể “mặt dày” khi bạn chắc chắn phương án của mình. Đừng “lỡ lời” để người khác có cơ sở xác đáng cho rằng mình là kẻ không đáng tin.

Tôi sẽ cho các bạn một ví dụ. Lần nọ, trong khi chờ đến lượt trình bày của mình tại một sự kiện dành cho giới phân tích, tôi có dịp quan sát một CEO chia sẻ về chiến lược kinh doanh của công ty anh ấy. Mọi việc đang diễn ra trôi chảy, bất chợt dường như tất cả mọi người trong khán phòng rơi vào trạng thái hoang mang, khi anh ấy nói rằng, công ty của mình đã có chiến lược đúng đắn, nhưng còn ngần ngại vì nó rất khó để triển khai. Cụm từ “rất khó để triển khai” đã gieo rắc sự tiêu cực cho những người tại đó. Và, trong khi vị CEO kia vẫn thao thao bất tuyệt và tiếp tục chuyển sang chuyện bán hàng, rất nhiều người đã cầm điện thoại của mình lên. Các nhà đầu tư lập tức chuyển hướng còn các cộng sự, nhân viên của anh ta thì thể hiện rõ sự thất vọng, chán nản trên gương mặt.

Quản trị bản thân

Trong thời đại mà truyền thông càng lúc càng diễn ra nhanh chóng và mạng xã hội ngày một phổ biến, thật khó để biết chính xác mỗi lời nói của chúng ta có thể lọt đến tai ai. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng làm lu mờ ranh giới giữa quan điểm cá nhân và giá trị mà công ty của bạn đang theo đuổi. Nếu như quan điểm cá nhân của bạn vô tình lọt đến tai các cổ đông, khách hàng, nhân viên hay nhà đầu tư v.v., chúng có thể làm thay đổi quyết định của họ đối với bạn và công ty của bạn.

Thế nên, trong chiến lược truyền thông cá nhân của mình, bạn phải cân nhắc đến một khía cạnh quan trọng, đó là phải làm sao để quản trị danh tiếng của công ty nói chung. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là bạn không được phép lên tiếng hay bày tỏ quan điểm xung quanh các vấn đề gây ảnh hưởng đến ngành nghề kinh doanh hay đến công ty của bạn. Mấu chốt là phải thật cẩn thận với những gì mình nói và phải suy xét xem các cổ đông sẽ nhìn nhận lời nói đó như thế nào, nhất là khi họ đang phải chau mày đọc báo cáo kết quả kinh doanh.

Nói như những điều trên, có vẻ lãnh đạo là một “nghề vất vả”. Phải cẩn trọng, điều tiết mọi cả chỉ hoạt động; phải cô độc chống chọi mọi khó khăn. Nhưng hãy lạc quan vì dù sao được trở thành CEO đã là một chuyện đáng mừng. Bạn đã làm việc thật chăm chỉ trong thời gian qua, nên hãy tận hưởng niềm vui này. Giờ đây, bạn sẽ là người mở ra cánh cửa của cơ hội và mang đến một góc nhìn tươi mới cho công ty. Tuy nhiên, hãy chuẩn bị tinh thần để đương đầu với vô số áp lực từ bên trong lẫn bên ngoài nếu muốn thành công trên chiếc ghế CEO. Đừng bao giờ nghĩ rằng mình không sai. Hãy thừa nhận sai lầm rồi tiến lên phía trước.

Hãy mạnh dạn đối mặt với sự biến động của việc trở thành một tân CEO, và dũng cảm đương đầu với thị trường luôn không ngừng biến đổi. Bạn không thể biết tất cả mọi thứ, song bạn hoàn toàn có thể xây dựng một đội ngũ làm được như vậy. Ở từng vị trí, hãy thuê hoặc giữ người có thể làm công việc đó tốt hơn bạn (vâng, ngoài kia có người làm việc đó giỏi hơn bạn đấy). Hãy cứ vui vẻ, đặt mục tiêu cao và cẩn trọng trong mọi sự.

Hơn cả, hãy nhớ rằng, tất cả mọi chuyện đều xoay quanh bài toán con người. Vì xét cho cùng, thì chính họ mới là linh hồn của công ty.

Lê Duy



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024