ISSN-2815-5823
HỒNG CHUYÊN
Thứ năm, 10h41 27/07/2023

Những ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt

(KDPT) - Trong muôn vàn những điều tốt đẹp mà cuộc đời mang lại cho mỗi con người thì hòa bình là điều vô giá nhất. Để có được hòa bình và cuộc sống như ngày hôn nay, cha ông ta đã phải đánh đổi bằng xương máu và nước mắt. Máu đào và sự hy sinh của các Anh hùng liệt sỹ đã thấm vào từng tấc đất quê hương, tạo nên hồn cốt dân tộc Việt Nam. Chiến tranh đã lùi xa nhưng sự hy sinh quên mình vì nền độc lập, tự do của dân tộc vẫn luôn sống mãi trong trái tim của mỗi người dân. Ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sỹ, trong suốt những năm qua Đảng, Nhà nước và Nhân dân luôn trân trọng, ghi nhớ công ơn các anh hùng thương binh, liệt sỹ bằng nhiều việc làm có ý nghĩa. Ngày 27/7 hàng năm đã đi vào lịch sử của đất nước như một dấu ấn nhắc nhở mọi người về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các cựu tù chính trị Côn Đảo ngày 19/7/2023. (Ảnh: VPCTN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng với các cựu tù chính trị Côn Đảo ngày 19/7/2023. (Ảnh: VPCTN)

Trong những ngày tháng 7 linh thiêng này, nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa đối với các gia đình thương binh liệt sỹ, các hoạt động tri ân, chăm sóc thương bệnh binh, người có công với đất nước, thăm lại chiến trường xưa, viếng mộ các Anh hùng liệt sỹ ngày càng trở nên rầm rộ và trở thành một phong trào rộng khắp cả nước với một ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Tôi đã mắt thấy tai nghe nhiều câu chuyện, nhiều thước phim và những hình ảnh của các thế hệ người lính về thăm lại chiến trường xưa, thăm lại nơi đồng đội của mình đã nằm xuống… Họ đã khóc nấc và hô thật lớn giữa đại ngàn gọi tên đồng đội của mình còn nằm đâu đó trên những cánh rừng, những cao điểm, những hốc đá mà trước kia từng diễn ra những trận đánh ác liệt. Họ đã hát cho đồng đội nghe, giọng hát hòa cùng nước mắt tuôn rơi. Họ đã rót rượu mời đồng đội về cùng thưởng thức như những ngày họ sống chết bên nhau… khiến tôi xúc động đến nghẹn ngào.

Chiến tranh đã trở thành quá khứ, nhưng trong mỗi câu chuyện thời chiến của các cựu chiến binh và người thân luôn gắn với những kỷ vật, những trang nhật ký nhuốm màu thời gian. Khói bụi chiến trường thấm đẫm hiện thực, thể hiện ý chí, lý tưởng sống, chiến đấu của những người lính. Thư và những trang nhật ký chính là nhịp cầu thông tin nối liền tiền tuyến với hậu phương, là nơi gửi gắm tâm tư tình cảm và ước nguyện hòa bình. Lá thư, trang nhật ký được viết mọi lúc, mọi nơi, khi dưới hầm trú ẩn, lúc dừng chân trên đường hành quân ra trận, tại góc rừng già bình yên hay bên trận địa còn vương khói súng. Qua đó đã gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ, bao hy vọng mà không hề bi lụy, không hề nhụt chí. Bởi “…bom đạn có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con…”

Bức thư từ chiến trường của liệt sỹ Nguyễn Trung Chính (TP. Thái Nguyên) gửi vợ con.
Bức thư từ chiến trường của liệt sỹ Nguyễn Trung Chính (TP. Thái Nguyên) gửi vợ con.

Là thân nhân của liệt sỹ nhưng tới hôm nay, sau hơn 50 năm tôi mới đọc được một phần bức thư của bố. Đây là một kỷ vật hiếm hoi còn giữ lại khi bố viết cho mẹ với sự nhớ nhung, thương xót và đầy trăn trở với đứa con bé bỏng chưa kịp biết mặt cha. Mắt tôi đã nhòa, cổ họng nghẹn lại khi đọc được những lời tâm sự của bố dành cho mẹ con tôi.

“… Em và con thương mến, giờ đây em có biết anh đang suy nghĩ gì không? Em ạ, anh rất thương em và thương con, thương người con gái tuổi đời chưa được là bao mà ngày đêm lam lũ gió sương trên đồng ruộng và nguồn động viên duy nhất là đưa con thơ.

Em thương mến, tính đốt ngón tay con của chúng ta đã hơn 20 tháng rồi, có lẽ nó cũng đang cùng các cô, các chú nó đi chơi với bọn trẻ.

Em ạ, anh rất thương con và anh cảm thấy có tội với nó vì sinh nó ra mà chẳng có thời gian dạy dỗ nó. Nhưng em ạ, sau này khi lớn lên nó sẽ hiểu vì sao anh không nuôi nấng, dạy dỗ con trong những ngày thơ ấu. Và nó có quyền tự hào là bố nó đã góp sức vào trong cuộc đánh Mỹ, giải phóng đất nước. Và ngay giờ đây nữa, nếu ai đó có hỏi bố cháu đi đâu thì nó cũng biết trả lời là bố nó đi đâu rồi mặc dù là nó chưa biết mặt bố nó phải không em.”

Và tôi còn đọc được nhiều những bức thư nữa, dù mỗi người một hoàn cảnh, tâm thế, trạng thái riêng nhưng tất cả đều là những lăng kính soi chiếu cuộc sống, cuộc chiến đấu, với những tâm tư, tình cảm chung. Bức thư của Liệt sỹ thanh niên xung phong Võ Thị Tần, tiểu đội trưởng, tiểu đội 10 cô gái thanh niên xung phong ở Ngã ba Đồng Lộc - Hà Tĩnh gửi về cho mẹ ngày 19/7/1968 tâm sự rằng: “… Ở đây vui lắm mẹ ạ! Ban đêm giặc Mỹ soi sáng cho chúng con làm đường, ban ngày chúng ném bom giết cá cho chúng con cải thiện, bom đạn có thể làm rung chuyển núi rừng, nhưng không thể làm rung chuyển trái tim chúng con mẹ ạ!…”

Nếu như những lá thư gửi về hậu phương chan chứa niềm vui, lạc quan thì những dòng nhật ký của những người đi giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết lại thể hiện niềm tin son sắt vào một ngày hòa bình, độc lập, thống nhất đất nước đang đến thật gần. Trên đường ra trận, liệt sĩ Đỗ Đình Xô (chiến sỹ Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 20, Quân khu 9) đã viết những dòng nhật ký đong đầy cảm xúc về niềm tin chiến thắng: “Ta lại ra đi, tiếp những con đường vào gian khó và vinh quang: Chiến đấu. Ta ra đi mang theo tất cả tình yêu đất nước quê hương… Phía trước là mặt trận, là nơi những trận đánh đang tiếp diễn, đất nước đang chờ đợi chiến thắng của chúng tôi.”

Một bức thư đã lưu lạc suốt 34 năm của Liệt sĩ Nguyễn Thái Hòa. Anh gửi cho người yêu trước khi bước vào một cuộc hành quân mà chính anh cũng không biết ngày trở lại. "Em yêu thương và nhớ mãi của anh! Chỉ còn 3 giờ đồng hồ nữa là anh tạm biệt nơi đây. Có lẽ chiến thắng của quân dân ta ngày mai có thể có cả công của anh, nhớ theo dõi tin thắng trận và mừng cho anh em nhé. Nhận được thư này đừng nên lo lắng nhiều và buồn em nhé, tan giặc anh về, chờ anh! "

Tập nhật ký của nữ bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm được viết tay từ năm 1968 đến 1970 đã khiến nhiều người bật khóc trước những dòng ghi chép chân thực của cô về nỗi đau do đế quốc Mỹ gây ra, ở đó luôn hiện hữu nhiều tấm gương sáng về lòng yêu nước và tinh thần dũng cảm. Cuốn nhật ký được sỹ quan quân báo Hoa Kỳ Frederic Whitehurst lưu giữ 35 năm và đã trao trả cho gia đình liệt sỹ Đặng Thùy Trâm vào tháng 4/2005. Hay nhật ký bằng tranh của họa sỹ Lê Đức Tuấn, vẽ 109 bức tranh phong cảnh, chân dung và cảnh sinh hoạt diễn tập của bộ đội từ tháng 3-1967 đến tháng 3/1968, được con gái một cựu quân nhân Mỹ trao trả lại vào năm 2009.

Những dòng nhật ký, những kỷ vật, nếu thoạt nhìn qua sẽ chẳng ai biết được đằng sau đó là những câu chuyện rất dài, chứa nụ cười, nước mắt và cả máu xương của không chỉ một người mà cả một thế hệ. Qua đó chúng ta thấy được tinh thần yêu nước, ý chí cách mạng sáng ngời của các thế hệ cha anh.

Giờ đây, khi đọc những con số tại trung tâm lưu trữ quốc gia 3, có tới hơn 70 ngàn cổ vật và hơn 50 năm chờ đợi chủ nhân, đó không chỉ là những con số. Với người Việt Nam giàu nghĩa, trọng tình thì những kỷ vật không chỉ mang ý nghĩa thiêng liêng với các gia đình thương binh liệt sỹ. Đó còn là những báu vật quốc gia, là một tài liệu lịch sử độc đáo và đa dạng minh chứng một giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc gắn bó với số phận hàng vạn con người trong hoàn cảnh chiến tranh, đất nước chia cắt, gia đình chia ly. Và bao nhiêu kỷ vật là bấy nhiêu con người ngày ấy đã hiên ngang lên đường ra mặt trận mang theo một niềm tin mãnh liệt ngày trở về. Còn nhiều, còn nhiều những bức thư và những kỷ vật không kể hết, đó cũng là minh chứng cho sức mạnh tinh thần, lý tưởng sống cao đẹp của một thế hệ con người Việt Nam góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại nhất của dân tộc.

Các em học sinh Lai Châu thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ.
Các em học sinh Lai Châu thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ.

Để nói lời cảm ơn tới các thương binh, Anh hùng liệt sỹ thì có nói tới hàng ngàn, hàng vạn lần cũng chưa đủ. Khi tôi ngồi viết những dòng cuối cùng, cũng là để tìm những lời đẹp nhất dành cho các anh thì bỗng bên tai chợt nghe thấy bài Quốc ca Việt Nam cất lên từ các cầu thủ bóng đã nữ Việt Nam lần đầu tiên được có mặt trên thảm cỏ Worl Cup. Họ cùng những cổ động viên đã hát với một biểu cảm đầy tự hào, kiêu hãnh của một dân tộc chỉ biết ngẩng cao đầu… khiến trái tim tôi rạo rực, cổ họng muốn nghẹn lại và rưng rưng nước mắt.

“Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa. Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước. Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca. Đường vinh quang xây xác quân thù. Thắng gian lao cùng lập chiến khu. Vì nhân dân chiến đấu không ngừng. Tiến mau ra sa trường. Tiến lên, cùng tiến lên. Nước non Việt Nam ta vững bền…”

Tôi đã nghe đi nghe lại, bản Quốc ca hào hùng đến vậy, bởi đó là lời của Tổ quốc được thắp lên từ những ngọn lửa thiêng, của "những cuộc đời đã hóa núi sông ta". Cảm ơn sự hy sinh to lớn của các bậc cha ông đã đánh đổi xương máu để đất nước được hòa bình, hạnh phúc như ngày hôm nay, họ sẽ mãi là tượng đài bất tử, những ngọn lửa thiêng không bao giờ tắt trong lòng dân tộc./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024