"Nút thắt" tín dụng bất động sản đang dần được nới lỏng
"Cởi trói" tín dụng, tăng tốc phá băng bất động sản
Trải qua nhiều tháng ngày bĩ cực, thị trường bất động sản được xem là đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất. Dù hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức, các phân khúc trên thị trường chưa có sự phục hồi đồng đều, nhưng ngày càng có nhiều dấu hiệu tích cực hơn, đặc biệt là giải ngân vốn tín dụng ngân hàng.
Kể từ đầu năm 2024 đến nay, ngân hàng đã nỗ lực thúc đẩy vốn ra nền kinh tế bằng việc giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay. Các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước đã hạ mức lãi suất cho vay nhà thêm 1-1,5% so với cuối năm 2023.
Lãi suất cho vay giảm tác động đến cả nguồn cung lẫn cầu trên thị trường. (Ảnh minh họa) |
Mức lãi suất giảm này như một liều “kích nổ” đến cả nguồn cung lẫn cầu trên thị trường bất động sản, giúp các hoạt động của thị trường này quay trở lại. Cụ thể, các doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn để tái khởi động dự án, đẩy nhanh tiến độ dự án đã phê duyệt,… điều này được kỳ vọng sẽ “chấm dứt” giai đoạn khủng hoảng sớm hơn.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, sự phục hồi của thị trường bất động sản dù chưa thực sự “bật mạnh” nhưng những động thái từ phía ngân hàng quan tâm đến bất động sản cũng sẽ giúp cải thiện nguồn vốn cho các dự án để tiếp tục triển khai xây dựng, giúp nguồn cung bất động sản tăng lên. Từ đó, các doanh nghiệp sẽ thu hồi được dòng vốn, người dân có nhiều cơ hội mua nhà hơn. Đây chính là yếu tố quan trọng để giúp các doanh nghiệp bất động sản có thể vượt qua thách thức và tiếp tục phát triển.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) |
“Gia tăng liên kết giữa ngân hàng và doanh nghiệp bất động sản cho thấy sự kỳ vọng lớn vào nhóm doanh nghiệp này từ phía ngân hàng. Đó cũng là điều dễ hiểu khi thị trường bất động sản bắt đầu bước vào chu kỳ mới, trong khi lượng tiền trong ngân hàng đang dư thừa”, ông Châu nói.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, tại thời điểm này, thị trường bất động sản năm 2024 vẫn chưa thể vào giai đoạn bứt phá do còn nhiều sự trì trệ, số lượng giao dịch chưa đột phá, vẫn hạn chế cho vay mua nhà, các gói tín dụng cho vay bất động sản chưa phát huy tác dụng nên tình trạng hiện giờ của thị trường vẫn đang tiếp nối của năm 2023.
Để thị trường bất động sản phục hồi nhanh chóng, ngân hàng cần cho vay “mạnh tay” hơn. (Ảnh minh họa) |
“Tín dụng ngân hàng đang từng bước có dấu hiệu lạc quan hơn khi lãi suất huy động giảm, lãi suất cho vay cũng giảm theo. Cùng với những biện pháp hỗ trợ từ phía Chính phủ như hơn 200.000 tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà sẽ là những động lực thúc đẩy sự phục hồi thị trường bất động sản trong những tháng tới tốt hơn”, ông Hiếu nói.
Kỳ vọng tín dụng ngân hàng thông thoáng hơn
Thời gian qua, tình trạng chung của các doanh nghiệp bất động sản là âm dòng tiền, thiếu tiền mặt, không thể tiếp cận được nguồn vốn tín dụng từ ngân hàng, kênh huy động vốn trái phiếu bị siết, vướng mắc pháp lý kéo dài khiến các dự án bất động sản bị trì hoãn. Nguồn cung nhà ở khan hiếm đã đẩy giá nhà lên cao ngất ngưởng.
Trong bối cảnh đó, hệ thống ngân hàng đã rất nỗ lực “khơi thông” thị trường thông qua hàng loạt các chính sách hỗ trợ, lãi suất, nguồn vốn tín dụng,… Điều này không chỉ giúp các doanh nghiệp bất động sản phát triển các dự án, người mua tiếp cận được nhà ở mà còn giúp phục hồi niềm tin trên thị trường.
TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, để thị trường bất động sản trong năm 2024 phục hồi nhanh chóng thì phía ngân hàng cần cho vay “mạnh tay” hơn. Khi đó, nền kinh tế phát triển sẽ giúp các doanh nghiệp có dòng tiền dồi dào hơn. Từ đó, những người lao động cũng như người dân cũng sẽ có dòng tiền chi trả tốt hơn, trả nợ được cho ngân hàng. Cùng với những chính sách đã được xây dựng từ năm 2023 sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi đi lên.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế |
“Các ngân hàng nên có những chính sách cho vay bất động sản phù hợp hơn trong năm 2024. Tôi mong rằng, các ngân hàng sẽ quan tâm nhiều hơn vấn đề cho vay mua nhà của những đối tượng có thu nhập thấp, trung bình”, ông Hiếu nói.
Ông Hiếu chia sẻ thêm, thời gian qua, chúng ta đã quá tập trung vào các phân khúc bất động sản cao cấp, nghỉ dưỡng không phù hợp với nhu cầu của đại đa số người dân. Do đó, trong thời gian tới, cần quan tâm đến phát triển nhà ở giá rẻ nhiều hơn. Bên cạnh việc các ngân hàng xem xét thu nhập của người dân để cho vay thì cần có thêm những chính sách đảm bảo được số tiền cho vay an toàn, đặc biệt là tỷ lệ cho vay.
Đẩy nhanh phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để đáp ứng nhu cầu người dân. (Ảnh minh họa) |
Ngoài ra, việc thẩm định giá nhà cần có sự chính xác hơn, trong nhiều năm qua, giá thẩm định nhà thường bị đẩy cao để bán với giá cao, hoặc có thể vay số tiền nhiều. Thì trong năm nay, các ngân hàng, công ty thẩm định giá cần có sự điều chỉnh sao cho hợp lý để ổn định thị trường bất động sản.
Theo các chuyên gia bất động sản, hệ thống ngân hàng đang nỗ lực khơi thông thị trường thông qua động thái giảm lãi suất, nới lỏng tín dụng. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng để phát triển các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng chung cư cũ để tạo ra nguồn cung nhà ở cho người dân có điều kiện vay tín dụng ưu đãi.
Ông Lê Hoàng Châu kỳ vọng trong thời gian tới, điều kiện môi trường lãi suất thấp và ổn định, cùng với nỗ lực của các doanh nghiệp bất động sản trong việc triển khai các dự án mới sẽ giúp thị trường nhà ở 2024 khởi sắc hơn. Trong đó, các doanh nghiệp nên rà soát lại các dự án đang triển khai, điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm sao cho phù hợp với thị trường. Từ đó, nguồn cung nhà ở mới được khơi thông, giúp người dân tiếp cận được nhà ở vừa túi tiền./.