ISSN-2815-5823
Thứ tư, 08h50 22/04/2020

Phải chấp nhận thịt lợn giá cao?

(KDPT)- Mặc dù Thủ tướng nhiều lần yêu cầu giảm giá thịt lợn nhưng đến nay giá lợn hơi và thương phẩm vẫn trên đà tăng. Giới chuyên gia cho rằng, thiếu hụt nguồn là nguyên nhân chính đẩy giá thịt lợn lên cao và người dân phải chấp nhận thực tế này ít nhất hết quý II năm nay.
TIN LIÊN QUAN
»Cần giải pháp mạnh hơn để kiểm soát giá thịt lợn
»Nhiều doanh nghiệp cam kết giảm giá thịt lợn từ 1/4
»Sẽ đưa mặt hàng thịt lợn vào diện bình ổn giá?

Thiếu nguồn cung, thịt lợn lại tăng giá

Giá thịt lợn hơi vẫn đang tiếp tục tăng mạnh trên cả nước. Ngày 21.4, giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc (Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Vĩnh Phúc…) tăng 1.000 – 3.000 đồng/kg, lên mức 90.000 – 95.000 đồng/kg; tại miền Trung – Tây Nguyên là 88.000 – 93.000 đồng/kg, tăng 3.000 – 8.000 đồng/kg; tại miền Nam dao động từ 85.000 – 91.000 đồng/kg, nhiều địa phương tăng từ 8.000 – 10.000 đồng/kg.

Tại Hà Nội, giá thịt lợn ở các khu chợ dân sinh duy trì ở mức khá cao, cụ thể: thịt nạc vai, sườn non, thịt đùi, thịt mông từ 160.000 – 240.000 đồng/kg. Trong các siêu thị, giá thịt lợn còn cao hơn ở chợ 20 – 30%. Cụ thể, BigC bán sườn non 290.000 – 299.000 đồng/kg, thịt ba chỉ 235.000 đồng/kg…

Theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương), nguyên nhân chính khiến giá thịt lợn vẫn cao là nguồn cung thiếu hụt trầm trọng. Việc nuôi tái đàn lợn chưa được triển khai rộng rãi do lo ngại dịch tả lợn châu Phi tái phát và giá lợn giống hiện quá cao.

Trao đổi với báo chí, đại diện Công ty Anova Feed cho biết, trước đây lợn phải đạt trọng lượng từ 100 – 120kg thì doanh nghiệp mới bán ra nhưng nay vì nguồn cung thiếu hụt nên doanh nghiệp cho xuất chuồng cả những lứa mới đạt 80kg/con. Vấn đề là, do “bán non” nên tỷ lệ thịt hao tới 20% và điều này tiếp tục đẩy giá thịt lợn lên cao.

Ngoài nguyên nhân cung – cầu, nguyên Chủ tịch Hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, giá thịt lợn thương phẩm cao còn do khâu trung gian “ăn lãi” cao. Theo tính toán của ông, với giá lợn hơi 90.000 đồng/kg thì giá thịt lợn thương phẩm khoảng 130.000 đồng/kg là các khâu đều đã có lãi. Tuy nhiên, giá thịt lợn thương phẩm hiện cao hơn mức này rất nhiều. Cùng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho rằng, người tiêu dùng đang phải chịu đựng mức giá không thể chấp nhận được trong nhiều tháng nay một phần do khâu trung gian, bao gồm thương lái, lò mổ, bán buôn, bán lẻ, chợ và siêu thị, đã hưởng lợi rất lớn trong chuỗi giá trị thịt lợn. Tuy nhiên, hiện chưa thể làm rõ chênh lệch về giá, lợi nhuận của từng khâu.

Trong khi đó, giải pháp nhập khẩu thịt lợn cũng chưa giúp “hạ nhiệt” thị trường. Theo số liệu từ Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã nhập hơn 46.000 tấn thịt lợn, tăng tới 312% so với năm 2019. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Tất Thắng, người dân hiện chưa có thói quen sử dụng thịt lợn nhập khẩu, hơn nữa, thịt nhập khẩu chủ yếu được phân phối ở khu vực đô thị và các siêu thị mà chưa xuất hiện ở chợ dân sinh và khu vực nông thôn.

Thịt lợn lại tăng giá do thiếu nguồn cung.

Có cần xây dựng khung giá thịt lợn chi tiết?

Cho rằng chính sự thiếu hụt nguồn cung đẩy giá thịt lợn cao, theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy, người dân phải chấp nhận ăn thịt lợn giá cao ít nhất là hết quý II, do thời gian tái đàn cũng mất 5 tháng mỗi lứa. Chỉ khi nào giá thịt lợn nhập khẩu giảm thêm từ 20 – 28% so với hiện nay và các doanh nghiệp, hộ dân tăng được số lượng đàn lợn thì mới có sự cạnh tranh giữa hàng trong nước với nhập khẩu, như vậy giá lợn mới có thể hạ được. Tuy nhiên, giá lợn hơi sẽ chỉ về 70.000 – 75.000 đồng/kg vào quý III năm nay chứ không thể quay lại mặt bằng giá trước đây.

Ngoài các giải pháp như đẩy mạnh tái đàn, tăng lượng nhập khẩu, đa số doanh nghiệp trung gian đề xuất Bộ Công thương xây dựng biểu giá thịt lợn chi tiết để có khung kiểm soát. Biểu giá sẽ nêu rõ: Trong một con lợn, từ lợn hơi đến móc hàm, các loại thịt chiếm bao nhiêu phần trăm, tương ứng với mỗi mức giá lợn hơi thì giá lợn thành phẩm của các loại thịt là bao nhiêu. Đây là cơ sở để xác định phần trăm lợi nhuận của từng khâu trong chuỗi giá trị thịt lợn, tránh tình trạng mâu thuẫn lợi ích giữa nhóm sản xuất, nhóm phân phối và nhóm tiêu dùng, đại diện một đơn vị chuyên giết mổ, chế biến thịt lợn cung ứng cho các chuỗi siêu thị trên địa bàn Hà Nội nói trong một tọa đàm gần đây. Cũng có ý kiến cho rằng, doanh nghiệp trung gian bị oan, bởi thực tế không mua được thịt lợn hơi với giá 70.000 đồng dù các công ty chăn nuôi lớn cam kết mức giá đó, trong khi một số siêu thị bán thịt lợn giá cao hơn rất nhiều so với mức giá doanh nghiệp này cung ứng.

Dù doanh nghiệp giết mổ, chế biến kêu oan, ông Vũ Vinh Phú vẫn cho rằng phải giảm bớt khâu trung gian mới bình ổn được giá thịt lợn. “Tập đoàn Walmart của Mỹ có giá bán lẻ rất thấp trên thị trường thế giới bởi slogan của họ là hàng hóa của Walmart phải đi thẳng từ sản xuất đến bán lẻ với chi phí bằng 0. Đây là bài học của những người đi trước mà chúng ta phải học tập để ổn định giá thịt lợn cũng như các hàng hóa khác”, ông Phú nói.

Hạnh Nhung

Theo daibieunhandan.vn



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024