Phát triển thị trường tín chỉ Carbon tại Việt Nam: Những thách thức pháp lý cần giải quyết
Phát biểu tại Hội thảo “Thị trường tín chỉ carbon: Những biện pháp căn cơ cho phát triển bền vững”, TS. Phạm Nam Hưng - thành viên tổ biên tập Đóng góp do quốc gia tự quyết định của Việt Nam (NDC), Chuyên gia biến đổi khí hậu nhấn mạnh, vài năm gần đây, chúng ta mới nghe nhiều đến khái niệm thị trường Carbon nhưng trên thực tế, thị trường tín chỉ Carbon không phải mới được hình thành mới đây.
TS. Phạm Nam Hưng cho biết, năm 1997, Nghị định thư Kyoto thuộc khuôn khổ UNFCCC chính thức được thông qua tại Hội nghị các bên lần thứ 3 (COP3), trong đó lần đầu tiên, một chính sách khí hậu quốc tế đã ràng buộc các quốc gia tham gia với mục tiêu pháp lý cụ thể:
Các quốc gia phát triển phải giảm 5% lượng phát thải khí nhà kính so với mốc năm 1990.
Trong giai đoạn cam kết từ năm 2008 đến 2012 và theo bản sửa đổi Doha thì các quốc gia phát triển phải giảm 18% lượng phát thải nhà kính so với mốc năm 1990 trong giai đoạn cam kết thứ hai từ năm 2013 đến 2020.
Một bước ngoặt trong quá trình đàm phán các chính sách khí hậu quốc tế chính là sự ra đời Thỏa thuận Paris (PA) tại COP 21 năm 2015. Đây được coi như thỏa thuận tiếp nối Nghị định thư Kyoto.
Vai trò của thị trường tín chỉ Carbon
Chia sẻ về vai trò của thị Carbon, ông Hưng cho biết, thị trường Carbon thế giới được phát triển dựa trên công cụ định giá Carbon nhằm hạn chế phát thải khí nhà kính (KNK) bằng cách đặt một khoản phí phát thải, qua đó khuyến khích các hoạt động phát thải thấp, thân thiện với hệ thống khí hậu, môi trường.
Công cụ định giá Carbon được áp dụng dựa trên kinh nghiệm sử dụng các công cụ định giá môi trường như thuế môi trường, đấu giá giấy phép xả thải… đã được áp dụng từ lâu trên thế giới
Theo đó, Tiến sĩ Phạm Nam Hưng chỉ ra 3 công cụ định giá Carbon là: Hệ thống trao đổi hạn ngạch, thuế Carbon và cơ chế tín chỉ.
Bên cạnh đó, TS. Phạm Nam Hưng nhận định rõ, việc cam kết cắt giảm phát thải KNK của các quốc gia đã thúc đẩy sự hình thành thị trường Carbon thế giới với mục tiêu giảm phát thải KNK với chi phí hợp lý hơn thông qua công cụ thị trường. Xu hướng giá Carbon chịu chi phối bởi mức độ tham vọng của các mục tiêu cam kết.
Về phát triển thị trường tại Việt Nam, mục tiêu của thị trường Carbon là giảm phát thải KNK, bảo đảm thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế: trao đổi hạn ngạch; giao dịch, trao đổi tín chỉ trong nước; trao đổi tín chỉ quốc tế phải đảm bảo hài hòa lợi ích quốc gia, doanh nghiệp; minh bạch, công bằng và phát triển bền vững.
Cụ thể, tại Điều 139. Tổ chức và phát triển thị trường Carbon quy định:
Thị trường Carbon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ Carbon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ Carbon trong nước và quốc tế.
Ông Phạm Nam Hưng nêu một số mốc thời gian dự kiến thực hiện xây dựng và phát triển thị trường Carbon. Theo đó, năm 2022, xây dựng quy định quản lý, xây dựng quy chế vận hành sàn và triển khai thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ.
Đến năm 2025, vận hành thí điểm sàn giao dịch Carbon và Hệ thống đăng ký quốc gia, tăng cường năng lực và tổ chức phân bổ hạn ngạch.
Năm 2028, tổ chức vận hành sàn giao dịch Carbon chính thức trong năm 2028 và kết nối với thị trường quốc tế.
Về thị trường hạn ngạch phát thải KNK Ets, TS. Phạm Nam Hưng nêu rõ, Quyết định 01/2022 của Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra các nhà máy nhiệt điện, cơ sở công nghiệp, công ty vận tải hàng hóa, tòa nhà thương mại, cơ sở xử lý chất thải rắn có công suất từ 65.000 tấn trở lên có 1912 doanh nghiệp.
Cùng với đó, quyết định 13/2024 của Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ ra thêm, ngành công thương có 1.805 cơ sở, đã loại ra 199 cơ sở và bổ sung 342 cơ sở mới.
Ngành giao thông vận tải có 75 cơ sở, đã loại ra 26 cơ sở và bổ sung 31 cơ sở mới. Ngành xây dựng có 229 cơ sở, đã loại ra 37 cơ sở và bổ sung 162 cơ sở mới. Ngành tài nguyên và môi trường có 57 cơ sở xử lý chất thải rắn, đã loại ra 35 cơ sở và bổ sung 16 cơ sở mới. Tổng có 2166 doanh nghiệp.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tỷ lệ hạn ngạch dự trữ và đấu giá cho giai đoạn 2026-2030 và hằng năm (Phương pháp phân bổ hạn ngạch (NĐ 06/2022/NĐ-CP))
Căn cứ vào tổng hạn ngạch, kết quả kiểm kê KNK, định mức phát thải khí nhà kính trên đơn vị sản phẩm tổ chức phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính cho các cơ sở cho giai đoạn 2026-2030 và hằng năm.
Việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ Carbon. Với mục đích bảo đảm doanh nghiệp phát thải lớn thực hiện trách nhiệm giảm phát thải KNK đóng góp cho mục tiêu của quốc gia trên nguyên tắc công bằng, minh bạch và phù hợp với điều kiện doanh nghiệp.
Những khó khăn trong quản lý và giải pháp phát triển thị trường tín chỉ Carbon bền vững
Bên cạnh đó, ông Phạm Nam Hưng cũng chỉ ra việc thực hiện xây dựng và phát triển thị trường Carbon tại Việt Nam vẫn còn gặp phải một số khó khăn.
Thứ nhất, năng lực của cơ quan quản lý còn hạn chế: Chưa ban hành kịp thời các hướng dẫn về kiểm kê KNK và MRV cho các doanh nghiệp; Chưa xây dựng các công cụ hỗ trợ việc quản lý phát thải KNK phù hợp và chưa thực hiện hiệu quả các hoạt động hướng dẫn doanh nghiệp; Chưa xây dựng được các văn bản quy phạm pháp luật đồng bộ…
Thứ hai, một số quy định tại Nghị định 06 chưa thực sự sát với tình hình thực tế, gặp khó khăn trong triển khai: chưa phù hợp với năng lực của các cơ quan địa phương; Lộ trình kiểm kê KNK chưa phù hợp với yêu cầu; Khó khăn trong thực hiện phân bổ hạn ngạch phát thải KNK; Chưa quy định về quản lý giao dịch Carbon trên thị trường tự nguyện…
Từ những khó khăn nêu trên, ông Hưng đưa ra những giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc còn tồn tại.
Đầu tiên, sửa đổi bổ sung quy định tại Nghị định 06/2022/NĐ-CP: các quy định nhằm tăng cường công tác kiểm kê khí nhà kính phục vụ phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính để chuẩn bị cho thị trường Carbon, các quy định về phân bổ hạn ngạch phát thải khí nhà kính
Tiếp đến, bổ sung quy định về cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ Carbon.
Đặc biệt, trước 2026 xây dựng, thí điểm và vận hành song song 2 hệ thống. Đó là:
Hệ thống sàn giao dịch với mục đích mua, bán hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ Carbon; đấu giá hạn ngạch phát thải khí nhà kính.
Hệ thống đăng ký sẽ làm nhiệm vụ nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính; vay mượn hạn ngạch phát thải khí nhà kính; chuyển giao hạn ngạch phát thải khí nhà kính và quản lý giám sát tín chỉ Carbon hình thành trên lãnh thổ Việt Nam./.
- Tập trung đào tạo nhân lực lĩnh vực chíp bán dẫn, hydrogen, tín chỉ carbon
- HTX Thanh Bình làm nông nghiệp xanh, định hướng cánh đồng chuối bán tín chỉ carbon
- TS. Nguyễn Tú Anh: Thị trường tín chỉ Carbon là công cụ quan trọng cho mục tiêu Netzero