Phó Thủ tướng: Không dùng tiền mặt, nhưng sẽ có rất nhiều thứ
Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Báo Tuổi trẻ TPHCM tổ chức hội thảo “Xã hội không tiền mặt: Chính sách và thực tiễn tại Việt Nam”, diễn ra sáng nay 11/6 tại TPHCM.
Hội thảo có sự tham dự của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, cùng Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong và rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ, dịch vụ… trên cả nước.
Với việc tổ chức hội thảo này, Ban Tổ chức mong muốn khởi động phong trào tuần lễ không dùng tiền mặt, trong đó quan trọng nhất là ngày 16/6 sẽ là Ngày không dùng tiền mặt ở Việt Nam.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao Báo Tuổi trẻ TPHCM đã có sáng kiến tổ chức sự kiện này nhằm hướng tới thực hiện các giải pháp của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí trong sản xuất hay cung cấp dịch vụ,…
Phó Thủ tướng cho rằng “không tiền mặt nhưng sẽ có rất nhiều thứ” khi liệt kê ra các lợi ích: Giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng lớn, nhỏ; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, lãnh thổ với mọi đối tượng người dân; thúc đẩy sản xuất, dịch vụ.
“Đến giờ mà người dân phải đi xa, xếp hàng chờ nộp học phí cho con thì rõ ràng là quá bất tiện”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhìn nhận và cho biết Chính phủ đã yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải triển khai việc nộp học phí, tiền nước… không dùng tiền mặt ngay trong năm 2019.
Đối với các ngân hàng, Phó Thủ tướng cho rằng sẽ không bị giảm sút doanh thu mà sẽ tập trung phát triển mảng phi tín dụng, huy động được nhiều hơn vốn khả dụng để tăng doanh thu.
“Có những ngân hàng gần như 100% doanh thu là từ hoạt động tín dụng, còn thu lợi từ phi tín dụng rất kém. Như Vietcombank, tỷ trọng thu từ phi tín dụng cao nhất trong hệ thống và hiện nay cũng giảm xuống còn 37%. Thanh toán không dùng tiền mặt tốt thì cũng thúc đẩy các dịch vụ của ngân hàng phát triển tốt hơn, ngân hàng sẽ ‘đi’ bằng nhiều chân”, Phó Thủ tướng cho biết.
Gần đây, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đẩy mạnh thanh toán điện tử nhằm hỗ trợ chủ trương triển khai Chính phủ điện tử, cung ứng dịch vụ công cấp độ 3 và 4.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả trong thanh toán không dùng tiền mặt khi tốc độ tăng trưởng về giá trị vừa qua đạt 160%, nhưng tất cả mới chỉ là bước đầu. Phó Thủ tướng cho rằng, với Việt Nam, việc thiết kế cơ chế, chính sách phù hợp, xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt đồng bộ hướng tới xã hội không tiền mặt là vấn đề vừa có tính cấp bách, vừa có ý nghĩa lâu dài trong bối cảnh mới.
Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ TT&TT và các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về hoạt động thanh toán nhằm đáp ứng các yêu cầu thực tiễn phát sinh. Qua đó làm cơ sở cho việc xây dựng, triển khai các quy trình nghiệp vụ, đổi mới mô hình kinh doanh theo hướng ứng dụng công nghệ.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2016-2020 và Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với việc thu phí các dịch vụ công.
Ngành ngân hàng đẩy mạnh cung ứng hạ tầng, dịch vụ thanh toán điện tử hiện đại cho phép tích hợp và xử lý thanh toán cho các dịch vụ trong nền kinh tế; cùng với Bộ TT&TT sớm báo cáo Chính phủ về phương án sử dụng tài khoản viễn thông thanh toán cho các dịch vụ khác có giá trị nhỏ (dịch vụ mobile money).
Các bộ, ngành, đơn vị cung ứng dịch vụ xây dựng hệ thống công nghệ thông tin cho phép quản lý theo hướng tập trung và có khả năng kết nối, tích hợp với hạ tầng thanh toán của ngành ngân hàng, tiến tới xoá bỏ việc dùng tiền mặt để thanh toán dịch vụ công.
Ngoài ra là cần khẩn trương hoàn tất xây dựng và triển khai Chiến lược quốc gia về tài chính toàn diện, qua đó tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về tài chính của người tiêu dùng trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính.
Đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ thanh toán, Phó Thủ tướng cho rằng tiềm năng còn rất lớn để phát triển. “Thà có lệ phí thấp mà được nhiều người dùng. Đừng nghĩ tới lợi nhuận ngay từ đầu khi làm. Lợi nhuận sẽ tới với cấp số nhân nếu làm nghiêm túc”, Phó Thủ tướng chia sẻ.
Tại hội thảo các doanh nghiệp thương mại, công nghệ đều khẳng định tiện ích lớn của thanh toán không dùng tiền mặt.
Bà Lê Thị Diễm Phương, Giám đốc cấp cao khối doanh nghiệp nhỏ và vừa (VPBank) cho biết: “Khi doanh nghiệp và đơn vị chấp nhận thẻ tham gia thì sẽ tham gia vào cộng đồng khách hàng của VPBank với nhiều cơ hội kinh doanh. Doanh nghiệp bán hàng qua POS thì dòng tiền tài chính rất minh bạch. Trên cơ sở đó, VPBank có thể cấp tín dụng tín chấp để tài trợ cho các đơn vị chấp nhận thẻ kinh doanh”.
Tuy nhiên, hiểu biết của người tiêu dùng và xã hội nói chung về thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn “mông lung”. Để góp phần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhiều doanh nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ đã có nhiều cam kết trong giảm giá bán hàng hoá, dịch vụ.
Trong năm 2019, NAPAS tiếp tục thực hiện giảm phí chuyển mạch (lên đến 80% tùy theo từng loại giao dịch) cho các ngân hàng thành viên hoàn chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip.
TIN LIÊN QUAN:
>>> Thanh toán không dùng tiền mặt: Làm sao để chống gian lận thuế?
>>> Sắp ban hành tiêu chuẩn QR Code để mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt
>>> Vì sao thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam vẫn ì ạch?
Thành Chung
Nguồn chinhphu.vn