ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 02h18 27/07/2018

Phố tôi một thời chưa xa…

(KDPT) – Khi còn bé, lũ trẻ con chúng tôi gọi khu phố của mình “Phủ Pasteur” là vì ở cuối phố Tăng Bạt Hổ có vườn hoa và bức tượng nhà khoa học nổi tiếng người Pháp Louis Pasteur (1822-1895) trước cửa Viện Pasteur Hà Nội. Phố Lò Đúc khi đó còn có rất nhiều cò đậu, phân cò rơi xuống trắng cả đường. Hà Nội trong mắt tôi và “Phủ Pasteur” nơi chúng tôi sống mới đây thôi nhưng đã có đổi khác đủ để những “người cũ” bồi hồi về một thời chưa xa ấy.

​Một góc phố Hàng Chuối đầu thế kỷ XX.​ (Ảnh nguồn internet)

Mẹ tôi kể lại là khi mới về Thủ đô sau giải phóng, nhà tôi ở số 4B Tràng Thi, ngay sau hợp tác xã cắt tóc nổi tiếng còn tồn tại tới tận bây giờ. Lúc đó ông nội tôi ở Nam Định lên hay đẩy xe nôi cho tôi ra bờ hồ Hoàn Kiếm chơi. Sau đó nhà tôi còn chuyển qua số 76 ở phố Trần Hưng Đạo rồi mới về số nhà 36 phố Tăng Bạt Hổ vào khoảng năm 1959 và ở đó cho tới tận bây giờ.
Theo thầy dạy văn lớp tôi thời học phổ thông, nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, trong cuốn Phố và đường Hà Nội có chữ của thầy ký tặng tôi nhân ngày giải phóng Thủ đô ngày 10-10-2004, thì trước giữa thế kỷ XIX, phố Tăng Bạt Hổ vốn thuộc đất thôn Nhân Chiêu và Yên Hội, tổng Hậu Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ. Thời Pháp thuộc, đây là phố Réverony.
Có lẽ do nằm ở khu phố Tây nên các con phố bên cạnh trước đó cũng có tên Tây như phố Phạm Đình Hổ tên là phố Chéon, Hàng Chuối tên Général Baylié, Hàn Thuyên là Pavie, Trần Xuân Soạn là Harmand, Trần Thánh Tông là Capitaine Pouligo, Nguyễn Công Trứ là Sergent Larrives. Các tên hiện nay là có sau Cách mạng tháng Tám -1945.
Nói về thời Pháp thuộc của Hà Nội thì phải dẫn sách Xứ Đông Dương của Paul Doumer, nguyên là Toàn quyền Đông Dương (1897-1902), sau là Tổng thống Pháp (1931-1932). Theo Paul Doumer, khu phố của chúng tôi, nằm ở rìa khu phố Tây và khu Nhượng địa, nơi có bệnh viện Lanessan (hay còn gọi là nhà thương Đồn Thủy, nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), hình thành trong khoảng thời gian từ năm 1875 là năm triều đình Huế buộc phải nhượng hẳn cho Pháp đồn thủy quân của tỉnh Hà Nội cũ tới khoảng những năm 1930 là năm xây dựng xong Viện Pasteur theo quy hoạch 1886 của Pháp cho thành phố Hà Nội.

​Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương hôm nay nằm trên mảnh đất xưa thuộc Tổng Hậu Nghiêm huyện Thọ Xương cũ​. (Ảnh nguồn internet)

Có lẽ do được xây dựng theo quy hoạch của Pháp mà các đường phố ở khu phố tôi rất đẹp, đan xen như ô bàn cờ, được trồng nhiều cây xà cừ, cây cơm nguội, cây phượng vĩ. Nhà cửa chủ yếu là biệt thự kiểu Pháp đơn lập 2-3 tầng, mái ngói, sàn lát gạch hoa, cầu thang gỗ lim. Nhà nào cũng có khoảnh vườn nhỏ trồng hoa và cây ăn quả lấy bóng mát và có trái cây để ăn.
Phố Tăng Bạt Hổ đầu những năm 60 của thế kỷ trước rất vắng vẻ. Sau năm 1954, các chủ cũ, mà hầu hết là Pháp kiều, đã ra nước ngoài hết nên chính quyền mới tiếp quản, chia cho cán bộ, công chức. Chỉ có nhà số 34 là nhà của Luật sư tiến sỹ, Văn khoa tiến sỹ Nguyễn Mạnh Tường, nhà số 40 của bác sỹ Thuyết là các nhân sỹ, trí thức là chủ cũ. Nhà số 32 là nơi trụ sở của Phái bộ giám sát Hiệp định đình chiến Geneve. Phía đầu phố là các số nhà của Thành đội Hà Nội. Khi đó, chỗ bể bơi Tăng Bạt Hổ bây giờ còn là bãi đất trống. Chúng tôi nghe kể đó từng là bãi đáp trực thăng đưa lính Pháp bị thương từ chiến trường Điện Biên Phủ về chữa chạy ở bệnh viện Đồn Thủy của quân đội Pháp.
Lũ trẻ con ở phố tôi chơi thân với nhau vì cùng học ở trường Lê Ngọc Hân. Ngày đó, mỗi sáng, bọn trẻ chúng tôi đi ngang qua nhà nhau, lại í ới gọi nhau đi học. Chiều đến cả bọn lại ra vỉa hè cùng chơi xèng, chơi bi, đá bóng với nhau. Phố tôi nhiều cây cơm nguội, đến mùa có hạt cơm nguội cả bọn lại lấy ống tre để thổi hạt cây cơm nguội. Có đợt lại rộ lên trò chơi con quay tiện bằng gỗ, hay chơi khăng. Mùa hè thì đi bắt ve sầu về cho vào hộp diêm nghe nó kêu. Rồi có khi lại chơi dế chọi, cá chọi. Nói chung là mùa nào cũng có một vài loại trò chơi nào đó phù hợp. Bọn trẻ ngoài giờ đi học hay học bài ở nhà còn lại toàn ở ngoài đường chơi với nhau. Đến giờ ăn bố mẹ ra gọi về tắm rửa rồi ăn cơm. Tất cả đều là các trò chơi tập thể, đồng đội, khác xa với trẻ con thời nay suốt ngày dán mũi vào màn hình tivi kỹ thuật số với hàng trăm kênh truyền hình, rồi máy tính bảng, game online…
Ngày đó Hà Nội vô cùng thanh bình. Trẻ con tự đi học từ lớp một. Bố mẹ không phải “tranh thủ” giờ hành chính đưa đón con, tụ tập ở cửa trường gây ùn tắc giao thông như bây giờ. Cũng không có “trường chuyên, lớp chọn” nên không phải “chạy” để được vào trường tốt. Trẻ con không cần phải học thêm vì kiến thức thầy cô truyền đạt ở trường là đủ. Bài tập về nhà cũng vừa phải, nên hầu như chúng tôi không cảm thấy gánh nặng về học tập là mấy. Bây giờ nhiều lúc thấy trẻ em thời nay quá vất vả với học hành, cha mẹ cũng vất vả theo, suốt ngày chỉ lo đưa đón con, đưa từ trường này đến lớp học thêm khác, nên nhiều lúc lớp 5x chúng tôi hay có tâm lý hoài niệm, cứ nói với nhau “bao giờ cho đến ngày xưa”.

Trần Văn (ĐBQH khóa XII, XIII)



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024