ISSN-2815-5823

Quốc hội thảo luận tại tổ về các báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách

(KDPT) - Tiếp tục Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận tại tổ về các báo cáo kinh tế, xã hội, ngân sách.
Trong phiên họp tổ sáng 24/10, Quốc hội thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2024; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024; Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện các kế hoạch: phát triển KT-XH năm 2021 - 2025; cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025; đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH; Báo cáo của Chính phủ về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật theo quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Chủ trương nhiều, kỳ vọng lớn, nhưng thực hiện vẫn là khâu yếu

Phát biểu tại tổ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu một số ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội của năm 2023.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại tổ. Ảnh Duy Linh.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại tổ. Ảnh Duy Linh.

Theo Chủ tịch nước, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về kinh tế - xã hội, trong đó cơ bản đạt được các mục tiêu đề ra và tiếp tục trở thành điểm sáng của kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch nước cũng chia sẻ “nói điều này không phải tự khen đất nước mình, nhưng những kết quả đạt được rất ấn tượng. Vừa qua, tôi tham gia một số hoạt động đa phương, gặp gỡ một số lãnh đạo các nước thì cơ bản đánh giá rất cao nỗ lực, kết quả của chúng ta và có sự rất chân thành trong trao đổi khi nói về ấn tượng đối với phát triển kinh tế Việt Nam trong thời gian vừa qua".

Bên cạnh kết quả, theo Chủ tịch nước, thì hạn chế, khó khăn còn rất nhiều, rất lớn. Trong đó, có rất nhiều công việc cần phải giải quyết, nhưng khả năng giải quyết của các cơ quan Nhà nước chưa đáp ứng được.

Cùng với đó, có rất nhiều vấn đề cần tháo gỡ, nhưng khả năng tháo gỡ rất hạn chế. Thị trường bất động sản trong gần 2 năm qua, đã tháo gỡ được dự án nào lớn hay chưa? Điển hình như Đà Nẵng vô cùng khó khăn, ông nêu ví dụ.

Với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Chủ tịch nước nhận xét, 10 năm qua, các ngân hàng 0 đồng vẫn chưa giải quyết được cái nào cho ra hồn, thậm chí đã có chủ trương cơ cấu lại các ngân hàng 0 không đồng, nhưng đến giờ, chúng ta cũng chưa xử lý dứt điểm được cái nào. Điều đó làm cho rủi ro tiềm ẩn rất là lớn, mà những hệ quả của nó, chúng ta cũng chưa thể đánh giá một cách đầy đủ.

“Chủ trương nhiều, kỳ vọng rất lớn, nhưng khả năng thì thực hiện chậm, mà tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu Quốc hội cũng có nói là con đường dài nhất là con đường giữa nói và làm, hay là trong các kết luận của Đảng vẫn thường hay nói là tổ chức thực hiện vẫn là một khâu yếu. Tôi thấy đây là cái rất là khó khăn của chúng ta”, ông Thưởng phát biểu.

Về đầu tư công, tưởng chừng như cái khó là không có tiền để chi tiêu, nhưng chúng ta có tiền rồi, nhưng vẫn không chi tiêu được. “Hôm qua, báo cáo tại Quốc hội cũng đã nói rõ bao nhiêu bộ, ngành, bao nhiêu địa phương giải ngân dưới 50 %. Đó là những cái mà chúng ta thấy rằng thật sự là khó khăn và dĩ nhiên chúng ta cũng phải nói một cái điểm nữa cho công bằng là tình hình thế giới và khu vực cũng tác động rất nhiều đến khó khăn của chúng ta”, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu.

Về nguyên nhân, bên cạnh tác động từ bên ngoài rồi tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, Chủ tịch nước nhìn nhận, phân cấp, phân quyền đạt kết quả chưa cao, chưa rõ ràng, chưa khích lệ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong hệ thống chính trị.

Kết luận của Đảng có nêu một vấn đề là phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, minh bạch theo hướng là từng cấp phải xác định rõ được thẩm quyền và trách nhiệm của mình. Việc này để cấp dưới không đi hỏi cấp trên chuyện của mình và để cấp trên không phải với tay xuống làm những việc của cấp dưới. Khi cần thiết phải hỏi thì phải trả lời là rõ ràng, minh bạch. Nhưng điều này chưa thực hiện được, ông nêu rõ.

“Có nhiều việc, chúng ta thấy là quyền hạn không rõ, mà cứ mỗi lần đi hỏi thì mất tối thiểu là 3 tháng, trung bình là 6 tháng và thậm chí có vấn đề 9 tháng để nhận được một văn bản trả lời là làm theo quy định của pháp luật”, ông Thưởng nêu.

Cạnh đó, Chủ tịch nước cũng nêu nguyên nhân từ tư duy thích ôm đồm quyền trong xây dựng chính sách. Lĩnh vực nào cũng muốn mình có quyền trong lĩnh vực đó. Cho nên, nhiều việc không chịu phân cấp hoặc kể cả những vấn đề đã thấy rồi, nhưng mà phân cấp rất là khó khăn.

Trách nhiệm trong xây dựng pháp luật bao gồm cả luật, nghị định, thông tư, tức là văn bản quy phạm pháp luật, theo Chủ tịch nước cũng chưa cao. “Trong hệ thống của nước ta, chúng ta thấy cán bộ làm sai thì bị xử rất là nặng rồi, cán bộ nói sai đường lối, chủ trương, nghị quyết cũng từng bước xem xét về xử lý kỷ luật rồi. Nhưng mà cán bộ ban hành một nghị định, thông tư, thậm chí cao hơn là một luật mà khi triển khai nó gặp nhiều vướng mắc, rắc rối thì chưa ai bị làm sao hết”, Chủ tịch nước nêu rõ.

“Trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản có lỏng lẻo từ chính sách không và nếu có, có ai chịu trách nhiệm không? cái đó chúng ta cũng cần phải xem xét”, Chủ tịch nước nói tiếp.

Vấn đề tiếp theo được Chủ tịch nước đề cập là tình trạng cán bộ né tránh, sợ trách nhiệm, đó là khuyết điểm. “Anh là cán bộ, anh không thể né tránh, sợ trách nhiệm được. Nhưng mà sợ sai thì đúng, làm mà không sợ sai mới chết. Nhưng mà sợ sai để mình làm kỹ hơn, sợ sai để mình nghiên cứu pháp luật đầy đủ hơn, sợ sai để mình cân nhắc trước sau lợi hại đến quốc kế dân sinh trước khi mình quyết định là một phẩm chất cần thiết của cán bộ”.

Nhưng, vẫn theo Chủ tịch nước, ông có cảm nhận là dường như cán bộ nắm quy định của các văn bản pháp luật không rõ. Cho nên, “ông chuyên viên đã yếu rồi, ông công chức đã yếu rồi, nhưng mà trình lên lãnh đạo đang nói cái này khó, thì lãnh đạo cũng nói khó theo”.

Và cuối cùng, mọi chuyện là nằm tại chỗ hết, không có giải quyết.

“Kết quả rất là quan trọng mà chúng ta đạt được cũng rất là thực chất, rất đáng khích lệ và phần nào đó cũng rất là tự hào với khu vực và thế giới, nhưng mà cũng nhìn thẳng vào những vướng mắc, khó khăn, những trở ngại để mà chúng ta tháo gỡ, thúc đẩy sự phát triển trong thời gian tới”, Chủ tịch nước phát biểu.

Làm rõ những giải pháp thúc đẩy phát triển nền kinh tế

Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị.

Thảo luận tại tổ, Đại biểu Hà Sỹ Đồng - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị cho rằng, nếu không có giải pháp căn cơ, kịp thời, nguy cơ thiếu hụt nguồn điện nhiều khả năng sẽ tiếp tục xảy ra trong những mùa nắng nóng tiếp theo.

Hậu quả từ sự cố cắt điện đối với nền kinh tế và số liệu tiêu thụ điện thời gian qua để thấy rõ hơn tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

“Thế nhưng, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Công Thương đều chưa làm rõ những vấn đề này. Trong khi đó, báo cáo ngày 20/10, về tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023, dự kiến Kế hoạch năm 2024, Chính phủ nêu là đảm bảo điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt trong cả nước. Vậy trước mắt, năm 2024 có thiếu điện không, nếu có thì giải pháp khắc phục là gì”, đại biểu Hà Sỹ Đồng đặt câu hỏi.

Về lĩnh vực tiền tệ, đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu ý kiến, ngày 17/10 báo cáo kiểm toán tổng hợp kết quả kiểm toán tổ chức thực hiện chương trình phục hồi và phát triển KTXH, theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội; Kiểm toán nhà nước chỉ ra khá nhiều vấn đề của hệ thống ngân hàng, mức độ đáng lo ngại hơn nhiều so với báo cáo của Chính phủ và ngân hàng Nhà nước (NHNN). Chẳng hạn như một số ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém chưa đáp ứng tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn, thì một số NHTM có tỷ lệ này khá cao, sát ngưỡng cho phép, tiềm ẩn rủi ro việc mất cân bằng kỳ hạn và rủi ro thanh khoản với tổ chức tín dụng.

Còn về điều hành chính sách tiền tệ, năm 2022, NHNN đã triển khai các biện pháp để tác động giảm lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng, tuy nhiên các biện pháp đều không hiệu quả, chưa đạt được mục tiêu phấn đấu giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5% - 1% theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 mà còn có xu hướng tăng, biên độ giữa lãi suất cho vay bình quân và lãi suất huy động bình quân còn lớn, trên 4%.

Đáng chú ý là cuối tháng 9/2022, trong vòng 1 tháng, NHNN đã có 2 lần điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành (vào ngày 23/9/2022 và ngày 25/10/2022) với tổng mức tăng 2% dẫn đến lãi suất huy động và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đều đột ngột tăng cao trong những tháng cuối năm (có lãi suất huy động trên 11%, lãi suất cho vay trên 13%).

“Việc đột ngột điều chỉnh tăng các mức lãi suất điều hành sau một thời gian dài không thay đổi của NHNN, trong khi các ngân hàng trên thế giới đã tăng dần lãi suất từ đầu năm 2022 là khó dự đoán, gây bất ngờ cho nền kinh tế, khiến cho môi trường kinh tế rủi ro hơn, người dân, doanh nghiệp không thể lập được kế hoạch kinh doanh dài hạn một cách ổn định”, đại biểu Hà Sỹ Đồng phát biểu.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tiếp tục có phương án điều chỉnh lãi suất cho vay, cung cấp nguồn vốn kịp thời để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xem xét xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh hoặc các ngành nghề chịu ảnh hưởng sau dịch COVID-19. Trong khi đó thì gói hỗ trợ lãi suất 2% với 40 ngàn tỷ đang ế hơn 38 ngàn tỷ. Lãnh đạo ngân hàng nhiều lần giải thích nguyên nhân là do doanh nghiệp không có nhu cầu, nhưng kiểm toán lại chỉ ra rằng công tác truyền thông của NHNN chưa đi trước, chưa mang tính định hướng, các ngân hàng thương mại thì chưa tích cực triển khai chính sách.

Cũng trong lĩnh vực ngân hàng, một số ĐBQH nêu vấn đề cần lưu ý là nợ xấu ngân hàng đang cao và sẽ tiếp tục gia tăng, phản ánh sức khỏe nền kinh tế thực. Tính đến cuối tháng 7/2023, tỷ lệ nợ xấu nội bảng là 3,56%, cao hơn mức 2,0% cuối năm 2022 và mức 1,69% cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng cộng với nợ bán cho VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng là 6,16% so với tổng dư nợ tín dụng.

Phát biểu tại tổ, đồng chí Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: Vốn đầu tư công mới giải ngân dược 29%, khiến nhiều công trình đang dở dang. Trong khi đó tái cơ cấu doanh nghiệp, việc cổ phần hóa các doanh nghiệp chậm. Cần tập trung giải quyết dứt điểm những tồn tại vốn là điểm yếu của nền kinh tế, nhất là tài chính ngân sách, đây cũng là điều khiến nhiều ĐBQH quan tâm.

Kiến nghị khơi thông ‘điểm nghẽn’ cho thị trường bất động sản

Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 sáng 24/10.
Toàn cảnh Phiên thảo luận tại Tổ 1 sáng 24/10.

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã đề cập tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản (BĐS), đặc biệt là giải pháp tháo gỡ cho các dự án "đắp chiếu" từ 10 - 20 năm, khiến dư luận bức xúc.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn hecta. Đây là điểm nóng về mất an ninh trật tự, nên phải rà soát, xử lý.

“Nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản, các vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động. Đặc biệt, khi giải quyết được điểm nghẽn với bất động sản sẽ giúp ổn định vĩ mô, khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu vấn đề.

Từ đó, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội kiến nghị Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc ở đây chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư. Với các dự án chậm triển khai cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng phải có giải quyết dứt điểm, không để các dự án chậm triển khai kéo dài nhiều năm.

Cùng nội dung này, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (Đoàn ĐBQH TP Hà Nội) nhận định, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nợ đọng thuế phí về đất đang gia tăng, nhất là nợ đọng trong các dự án BĐS. Chưa chú trọng thu nợ đọng từ các dự án BĐS, chưa tách bạch được trong nợ đọng, thì bao nhiêu % do các dự án bất động sản và bao nhiêu trong số đó không thể thu về cho Nhà nước...

Vì vậy, Chính phủ cần làm rõ hơn nội dung này, đặc biệt là giải pháp để thu hồi nợ đọng ở các dự án BĐS. Bởi nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước không chỉ được tính ở các dự án đã triển khai, vận hành, mà còn nằm ở các dự án chậm triển khai và cần có giải pháp để khơi thông.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) cơ bản nhất trí với các đánh giá trong báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 cũng như dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn sau đại dịch COVID-19, nhưng nền kinh tế nước ta vẫn duy trì mức tăng trưởng cao trong khu vực, cho thấy việc điều hành của Chính phủ thực sự hiệu quả và linh hoạt.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng bày tỏ lo ngại về những thách thức đối với nền kinh tế sau đại dịch mà nhiều quốc gia gặp phải khi nợ công tăng, nguy cơ vỡ nợ của trái phiếu doanh nghiệp sẽ tác động đến nền kinh tế nước ta. Vì thế, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%, cần tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tài khóa một cách linh hoạt, hiệu quả hơn nữa.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn nên chính sách hỗ trợ lãi suất, vốn tín dụng cần được thực hiện hiệu quả hơn nữa để hỗ trợ các doanh nghiệp. Vì thế, chúng ta cần tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ 2% lãi suất cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Đặc biệt là tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư từ các quốc gia trong khu vực thời kỳ hậu COVID-19, bởi Việt Nam vẫn được xem là điểm hấp dẫn với nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

Cần quyết sách tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho biết: Mặc dù tình hình thế giới bất ổn nhưng ở trong nước, kinh tế nước ta cũng có những điểm sáng nhờ có sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, nhất là sự điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện các dự án giao thông có hiệu lực lan tỏa, góp phần nâng cao việc giải ngân vốn đầu tư công tăng lên; nông nghiệp phát triển tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế; đặc biệt lĩnh vực đối ngoại là điểm sáng trong quan hệ giữa Việt Nam và các nước trên thế giới tạo điều kiện, môi trường thu hút đầu tư của nước ngoài vào Việt nam có nhiều khởi sắc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh.

Tuy hiên vẫn còn 5/15 chỉ tiêu của năm 2023 không đạt được như mong muốn nhưng chúng ta vẫn kiên trì trong việc điều hành ổn định kinh tế vĩ mô. Dư địa tín dụng không nhiều nhưng cần có sự giám sát, điều chỉnh linh hoạt để dòng tín dụng vào đời sống KT-XH; Kết hợp linh hoạt chính sách tài khóa…

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, trong bối cảnh từ năm 2023 đến nay, tình hình thế giới diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường, thách thức nhiều hơn so với dự báo tuy nhiên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; bám sát thực tiễn, lắng nghe ý kiến phản ánh, góp ý của các địa phương, nhân dân… tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực.

Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; trong đó chỉ đạo giảm liên tiếp 4 lần lãi suất điều hành; miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất .

Đồng thời, Chính phủ cũng đã thường xuyên chỉ đạo rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật, cơ chế, chính sác; thành lập 26 Tổ công tác của Thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ trực tiếp làm việc với các địa phương để nắm bắt tình hình thực tiễn, tháo gỡ, khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn, động viên, khích lệ kịp thời.

Mặc dù vẫn còn chỉ tiêu chưa đạt được, tuy nhiên đặt trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước có nhiều khó khăn, biến động, những kết quả đạt được là đáng ghi nhận; thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực cao của Chính phủ thời gian vừa qua.

Đại biểu Đinh Ngọc Quý - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai bày tỏ trăn trở về việc làm sao tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia để đất nước phát triển, KT-XH, đời sống của nhân dân, người lao động được nâng lên.

Kỳ họp Quốc hội diễn ra trong bối cảnh nền KT-XH vẫn còn rất nhiều khó khăn, thách thức. Qua tiếp xúc cử tri và đi khảo sát thực tế ở các địa phương, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiếu số, có thể thấy vẫn còn những điều người dân và cử tri băn khoăn. Đó là, đời sống của người nghèo, của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vẫn khó khăn trong khi việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia còn không ít vướng mắc.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Quý, để đạt được mục tiêu này thì hệ thống luật pháp, chính sách phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn cuộc sống, tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển, củng cố lòng tin của người dân với Đảng và Nhà nước. Mặc dù Chính phủ, các bộ, ngành đã nỗ lực tháo gỡ, Quốc hội đã chủ động, tích cực giám sát, đồng hành, thúc đẩy việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia nhưng để đạt hiệu quả thực sự đòi hỏi sự nỗ lực lớn hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, từ chính quyền cơ sở và cả người dân.

Từ đó, đại biểu Đinh Ngọc Quý mong muốn, Quốc hội sẽ có những quyết sách phù hợp nhằm tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn để thực sự thúc đẩy được việc thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia cả về tiến độ và chất lượng, hiệu quả của từng chương trình, từng dự án, hạng mục thành phần, từ đó hỗ trợ thiết thực, kịp thời cho sự phát triển KT-XH của các địa phương và nâng cao đời sống của người dân.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Năm 2023 gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên cũng cần đánh giá kỹ hơn bởi nền kinh tế nước ta là nền kinh tế mở, nhất là những năm cuối của nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tiếp tục khắc phục những hạn chế, đảm bảo sức cạnh tranh của nền kinh tế

Phát biểu tại phiên thảo luận ở tổ 5, các đại biểu Quốc hội trong Tổ cơ bản đồng tình với nội dung của các Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế; cho rằng, việc thực hiện kế hoạch phát triển KTXH, NSNN năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế trong nước, khu vực và quốc tế có nhiều khó khăn, thách thức và diễn biến khó lường nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ, đồng lòng của người dân và doanh nghiệp nên KTXH và NSNN 9 tháng đầu năm 2023 đã đạt được nhiều kết quả rất quan trọng.

Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội sau đây: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.
Tổ 5 gồm các Đoàn đại biểu Quốc hội sau đây: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kiên Giang.

Trên cơ sở kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và diễn biến thực tế tình hình, ước đến hết năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu theo nghị quyết của Quốc hội; kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát để kiểm soát, các cẩn đổi lớn của nền kinh tế đc đảm bảo.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế dần đc phục hồi, thể hiện qua GDP quý sau tăng cao hơn quý trước, trong đó khu vực nông nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng và là điểm sáng của nền kinh tế; khu vực dịch vụ tăng trưởng khá; cán cân thương mại tăng mạnh so với cùng kỳ; tiêu dùng trong nước tăng cao; đầu tư được chú trọng quan tâm; giải ngân vốn đầu tư công đạt 51,38%, cao hơn cùng kỳ; cùng với các chính sách hỗ trợ theo các nghị quyết Quốc hội như: Chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển KTXH; chính sách tiền tệ và các Chương trình mục tiêu quốc gia... đã góp phần tích cực vào tăng trưởng cho nền kinh tế.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Văn Tiến- Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc, 9 tháng đầu năm tinh hình KTXH có xu hướng phục hồi tích cực, các mục tiêu tổng quát cơ bản đạt được, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; an ninh quốc phòng để củng cố, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng lên.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Văn Tiến cũng chỉ ra, bên cạnh những kết quả đạt được, KTXH và NSNN 9 tháng đầu năm và ước thực hiện năm 2023 còn bộc lộ nhiều hạn chế cần tiếp tục khắc phục: Còn 5 chi tiêu khó đạt hoặc không đạt mục tiêu, trong đó phần lớn là các chi tiêu quan trọng như: tăng trưởng kinh tế, tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động.

Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế quý sau cao hơn quý trước nhưng ở mức thấp, 9 tháng tăng trưởng đạt 4,24% nhưng thấp hơn cùng kỳ và thấp hơn kịch bản Chính phủ xây dựng; lạm phát cơ bản tăng cao hơn so với mức tăng chỉ số giá tiêu dùng; nhiều khoản thu NSNN không đạt dự toán; việc triển khai thực hiện 1 số chương trình quan trọng, công trình trọng điểm quốc gia còn chậm, còn nhiều điểm nghẽn vướng mắc; giải ngân vốn đầu tư công tuy cao hơ so với cùng kỳ nhưng vẫn đạt thấp, ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế…

Đặc biệt số doanh nghiệp có xu hướng rời khỏi thị trường tăng so với cùng kỳ; số doanh nghiệp tham gia thị trường tăng nhưng số vốn đăng ký giảm so với cùng kỳ; tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp...

Cùng chung nhận định, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước- Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, 5 chi tiêu khó đạt hoặc không đạt mục tiêu, trong đó phần lớn là các chi tiêu quan trọng như chỉ tiêu tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP, tốc độ tăng năng suất lao động… Đây là những chỉ tiêu phản ánh chất lượng của nền kinh tế, chất lượng tăng trưởng, khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, đặc biệt đây là chỉ tiêu đánh giá mức độ phát triển bền vững…

Đối với những tồn tại nhiều năm chưa khắc phục được, đại biểu Quốc hội Dương Văn Phước cho rằng, bên cạnh những yếu tố khách quan, Chính phủ cần phải rút ra bài học kinh nghiệm để khắc phục được những hạn chế này trong giai đọan tới.

Các đại biểu cũng đề nghị, Chính phủ cần chỉ rõ nhiệm vụ, biện pháp cụ thể và trách nhiệm trong việc thực hiện từ nay đến hết năm 2023 đối với từng cơ quan từ Trung ương đến địa phương; tránh tình trạng nêu nhiệm vụ, giải pháp chung chung không rõ trách nhiệm dẫn đến hiệu quả triển khai thực hiện không đạt kết quả như mong muốn.

Các đại biểu nhấn mạnh, Chính phủ cần phải đưa ra những giải pháp cụ thể, thiết thực để có thể triển khai thực hiện hoàn thành được, ít nhất để các chỉ tiêu này đạt ở mức độ cao nhất có thể, đảm bảo sức cạnh tranh của nền kinh tế trong những năm sắp tới.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 03/01/2025