ISSN-2815-5823
Kim Tiến
Thứ ba, 19h26 18/04/2023

Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển

(KDPT) - Theo kế hoạch, tối 19/4, huyện Quỳ Hợp sẽ tổ chức Lễ kỉ niệm 60 năm ngày thành lập huyện (19/4/1963 – 19/4/2023). Đây là sự kiện quan trọng, không chỉ nhìn lại một chặng đường đã qua mà còn khẳng định ý chí quyết tâm vươn lên của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc để xây dựng huyện Quỳ Hợp ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp.

Huyện Quỳ Hợp thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Quỳ Châu theo Quyết định 52/CP ngày 19/4/1963 của Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ). Toàn huyện hiện có 21 đơn vị hành chính cấp xã, dân số khoảng 135.000 người; trong đó hơn một nửa dân số của huyện là đồng bào các dân tộc thiểu số.

Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển
Diện mạo nông thôn mới ở Quỳ Hợp.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, những ngày đầu mới thành lập, Đảng bộ, chính quyền cùng nhân dân các dân tộc huyện phải đối mặt với muôn vàn thử thách, gian khổ. Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND và các ban, sở, ngành cũng như nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền các tầng lớp nhân dân huyện Quỳ Hợp đã đoàn kết, nỗ lực vươn lên, đạt thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực.

Chương trình chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập huyện Quỳ Hợp (19/4/1963-19/4/2023) và Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, tỉnh Nghệ An năm 2023 được diễn ra từ ngày 14-19/4. Trong đó, từ ngày 14-17/4 diễn ra thi đấu các môn thể thao gồm: bóng chuyền nam, nữ; đẩy gậy; bắn nỏ; kéo co tại sân vận động đa chức năng. Tối 19/4, tại Công viên Hồ Thung Mây sẽ diễn ra lễ kỉ niệm; được sự đồng ý của Chính phủ, Qùy Hợp sẽ tổ chức bắn pháo hoa tầm thấp trên hồ Thung Mây.

Đáng chú ý trên lĩnh vực kinh tế, huyện Quỳ Hợp đã đạt được những kết quả đầy tích cực. Từ một huyện nghèo, nhờ vận dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh, Quỳ Hợp đã phát huy tiềm năng lợi thế để vươn lên trở thành trung tâm phát triển khu vực miền Tây xứ Nghệ.

Những năm đầu mới thành lập, toàn huyện chỉ có 02 nông trường, 01 lâm trường và 01 doanh nghiệp kim loại màu. Với việc xác định phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ là khâu đột phá nhằm chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế và nguồn lực lao động, nên Quỳ Hợp luôn tạo điều kiện, môi trường thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư có năng lực, quy mô lớn. Đến nay toàn huyện đã có 314 doanh nghiệp - 80 mỏ khoáng sản, 158 xưởng chế biến các loại, 1.200 xe vận tải và máy múc, máy kéo… Đưa tổng giá trị hiện hành 2022 lên tới 4.703 tỷ đồng, chiếm 51% tổng giá trị sản xuất. Hoạt đông kinh doanh, thương mại, ăn uống, khách sạn, tài chính, ngân hàng, viễn thông không ngừng lớn mạnh cả về lượng và chất; đưa giá trị thương mại lên tới 25% giá trị hiện hành.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, cơ khí hoá nông nghiệp đã được đưa vào khá đồng bộ, gắn liền với tích tụ ruộng đất, dồn điền, đổi thửa, sản xuất theo chuỗi hàng hoá sạch, xanh. Hàng ngàn ha lúa nước vẫn được duy trì và phát triển, bên cạnh hàng trăm ha cam đã góp phần làm nên thương hiệu Cam Vinh nức tiếng.

Đặc biệt hơn nữa là sự ra đời của rất nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp: Nhà máy Đường Nasu (Tập đoàn TH) - với dây chuyền sản xuất hiện đại bậc nhất khu vực - được thu gom mía nguyên liệu từ 5.000 ha trên toàn huyện; Nhà máy sản xuất và Chăn nuôi Masan vớí quy mô 10.000 nái giống và 230 nghìn heo thịt của Tập đoàn Masan tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương…

Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển

Các gian hàng trưng bày trưng bày, quảng bá các sản phẩm địa phương được tổ chức trong khuôn khổ kỉ niệm 60 năm thành lập huyện Quỳ Hợp. (Ảnh: baonghean).

Năm 2022, tuy gặp phải nhiều khó khăn nhưng tình hình kinh tế, văn hóa xã hội của huyện Quỳ Hợp vẫn có bước tăng trưởng khá, văn hóa xã hội phát triển, quốc phòng – an ninh được ổn định và trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong đó, kinh tế của huyện đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 6,55%; giá trị sản xuất là 7,44%; tổng giá trị tăng thêm (theo giá cố định 2010) ước đạt hơn 3.152 tỷ đồng; giá trị tăng thêm theo giá hiện hành, ước đạt hơn 5.157 tỷ đồng, giá trị tăng thêm bình quân đầu người ước đạt: 37,42 triệu/người/năm.

Huyện Quỳ Hợp có trên 300 doanh nghiệp hoạt động trong nhiều lĩnh vực kinh tế và hơn 1.000 trang trại. Nhân dịp kỷ niệm 60 thành lập huyện, chính quyền địa phương đã tổ chức những gian hàng trưng bày, quảng bá các sản phẩm địa phương như nông sản, thổ cẩm, các món ăn dân tộc, đá mỹ nghệ...

Những thành tựu trên lĩnh vực kinh tế đã thúc đẩy tiến độ thực hiện các chương trình mục tiêu trên địa bàn huyện Quỳ Hợp, nhất là xây dựng Nông thôn mới (NTM). Đến nay, huyện đã có thị trấn Quỳ Hợp đạt chuẩn văn minh đô thị, 6 xã đạt chuẩn NTM và đang xây dựng xã Minh Hợp trở thành xã NTM nâng cao… Vùng nông thôn miền núi Quỳ hợp hôm nay đã kết nối với các địa phương lân cận bằng hệ thống giao thông được cứng hóa; điện lưới quốc gia đã được kéo về 214/214 xóm bản…

Trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, từ năm 2001, Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và tỉnh Nghệ An đã chọn huyện Quỳ Hợp xây dựng huyện điểm văn hóa miền núi và dân tộc thiểu số. Từ chủ trương này, nhiều năm qua, Quỳ Hợp được chọn là nơi được tổ chức đăng cai nhiều hoạt động văn hóa lớn của tỉnh Nghệ An như chương trình “Đêm hội sắc Xuân miền Tây”, “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam 19/4”... Mặt khác, việc đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa được quan tâm; công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cộng đồng các dân tộc được đẩy mạnh; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã mang lại hiệu quả tích cực trên nhiều mặt của đời sống văn hóa - xã hội.

Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển

Kinh tế phát triển, bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc huyện Quỳ Hợp được giữ gìn, phát huy giá trị.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp, thành tựu của 60 năm xây dựng và phát triển là nền tảng quan trọng để huyện Quỳ Hợp tiếp tục phấn đấu đưa huyện nhà phát triển, văn minh, giàu đẹp. Trước mặt, huyện đặt mục tiêu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 8,5%/năm; thu nhập bình quân đầu người trên 70 triệu đồng/năm; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng “công nghiệp xây dựng, dịch vụ thương mại, nông nghiệp”; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu, phục vụ tốt đời sống nhân dân; huyện có thêm 2 xã đạt chuẩn NTM.

Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển

Mô hình vườn chuẩn NTM ở xã Châu Đình, huyện Quỳ Hợp.

“Tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập huyện, huyện Quỳ Hợp vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước, đây là một sự kiện quan trọng khẳng định ý chí quyết tâm vươn lên để xây dựng huyện ngày càng phát triển, văn minh, giàu đẹp”, Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Tùng khẳng định.

Công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ huyện Quỳ Hợp chú trọng phát triển toàn diện trên cả các mặt chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ, hệ thống chính trị không ngừng được kiện toàn, củng cố, vững mạnh. Ngày mới thành lập Đảng bộ huyện chỉ có 720 đảng viên, chiếm 2,2% dân số. Đến nay, Đảng bộ huyện có 8.064 đảng viên, chiếm 5,85% dân số; có 54 tổ chức cơ sở đảng với 371 chi bộ (trong đó có 07 chi bộ trong doanh nghiệp tư nhân, 01 chi bộ trong doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài).

Một số hình ảnh phong cảnh, diện mạo, con người Quỳ Hợp:

Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển
Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển
Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển
Quỳ Hợp (Nghệ An): Tự hào thành tựu 60 năm xây dựng và phát triển

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024