Rà soát, đánh giá toàn diện các Luật Thuế để có kiến nghị cần thiết
Hệ thống Thuế của Việt Nam đã qua nhiều lần cải cách và đổi mới, đã có những thay đổi rất cơ bản đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Trong bối cảnh và yêu cầu mới của nền kinh tế, ra soát và đánh giá một cách toàn diện, đầy đủ là việc làm rất cần thiết, nhưng cũng không đơn giản với phạm vi, nội dung khá phong phú. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ xây dựng báo cáo nghiên cứu, rà soát đánh giá tổng quan về những kết quả đạt được trong thời gian thực hiện; những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành luật. Nội dung rà soát đánh giá trên 5 nhóm vấn đề :
(1) – Đối tượng chịu thuế, đối tượng nộp thuế của từng sắc thuế,
(2) – Cơ sở tính thuế của từng loại thuế;
(3)-Phương pháp xác định số thuế phải nộp;
(4)- Chính sách miễn giảm và cách xác định thuế được miễn giảm
(5) – Khai thuế, tính thuế,nộp thuế, quyết toán thuế.…
Trên cơ sở rà soát, đánh giá 5 nhóm vấn đề, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp các đề xuất, tổng hợp các kiến nghị sửa đổi bổ sung , trình Thủ tướng chính phủ để có căn cứ Báo cáo Quốc hội để đưa vào chương trình kế hoạch xây dựng pháp luật.
Để có được ý kiến theo yêu cầu Bộ Tài chính sau khi xem xét và nghiên cứu rất nghiêm túc các Luật Thuế, phân tích tình hình thực tế, đặc biệt là từ hoạt động của các doanh nghiệp, tập hợp ý kiến của các hội viên, trước hết là các kế toán hành nghề, các kế toán trưởng nêu và phát hiện các vướng mắc, các tồn tại, đề xuất các nội dung cần sửa đổi, bổ sung.
Có rất nhiều vấn đề cần được trao đổi, lý giải để nêu các vướng mắc, các nội dung không còn phù hợp của các sắc thuế. Trong phạm vi một bài viết, xin được nêu một số ý kiến, một số nhận xét về một số sắc thuế:
Thứ nhất, nhận xét chung và yêu cầu chung
Cần phải khẳng định, hệ thống thuế Việt nam đã qua 3 lần cải cách, được thiết lập khá đồng bộ, từng bước phù hợp yêu cầu đổi mới kinh tế, yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế thị trường, đóng góp tích cực vào điều chỉnh kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo nguồn thu cho Ngân sách nhà nước, đảm bảo công bằng xã hội. Đặc biệt là hệ thống thuế Việt nam đã từng bước hài hòa với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, góp phần giúp Việt Nam hội nhập ngày càng sâu, rộng và toàn diện vào kinh tế khu vực, kinh tế thế giới.
Tuy nhiên cho đến nay sau 36 năm cải cách và đổi mới, quy mô và trình độ phát triển nền kinh tế đã có những tăng trưởng đáng kể. Môi trường kinh tế, trình độ dân trí, năng lực quản lý kinh tế của đất nước đã có những thay đổi mạnh mẽ. Yêu cầu mới của nền kinh tế, bối cảnh mới của đất nước đã và đang đặt ra những yêu cầu mới của chính sách thuế và các sắc thuế đòi hỏi phải có sự tính tới việc sửa đổi bổ sung và hoàn chỉnh hệ thống thuế và các sắc thuế của Việt nam.
– Cần xem xét một cách tổng quát vai trò lịch sử của từng chính sách thuế cụ thể, khả năng và yêu cầu phát triển, nâng cấp sắc thuế và ban hành sắc thuế mới.
– Cần đảm bảo chính sách thu thuế phù hợp với tình hình thực tế, môi trường và yêu cầu mới của nền kinh tế. Cần đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong chính sách thuế, giữa chính sách thuế với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
– Đã đến lúc cần đảm bảo hơn nữa sự công khai, minh bạch của các chính sách thuế, đặc biệt là các chính thuế phải được quy định thật đơn giản, dễ hiểu, dễ kê khai, nộp thuế, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ hai, về Thuế Giá trị gia tăng (GTGT)
Thuế giá trị gia tăng là thuế đánh vào từng giai đoạn của sản phẩm từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng và do đó đây là sắc thuế có tác động rất lớn đến kinh tế-xã hội. Thuế GTGT được áp dụng đã 30 năm, là thuế đánh vào người tiêu dùng và là nguồn thu quan trọng cho nhà nước. Qua thực tế có thể thấy các quy định về chính sách thuế GTGT đã đạt được những kết quả nhất định như: đã tháo gỡ được những vướng mắc phát sinh trong thực tế, góp phần hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành, trong đó có ngành nông nghiệp, khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ trong việc chế biến sâu tài nguyên thiên nhiên, góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển công nghệ, đầu tư đổi mới tài sản cố định, khuyến khích xuất khẩu, góp phần thúc đẩy vốn đầu tư xã hội tăng trưởng, cải cách thủ tục hành chính và đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên , hiện nay, Luật Thuế GTGT đã bộc lộ bất cập, vướng mắc :
(1) Vướng mắc về đối tượng chịu thuế,
Theo quy định Luật Thuế Giá trị gia tăng hiện hành quy định rất nhiều loại hàng hoá là đối tượng không chịu thuế như: sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến; giống vật nuôi, giống cây trồng; phân bón; máy móc nông nghiệp; tàu đánh bắt xa bờ; thức ăn chăn nuôi; muối; sách báo, tạp chí; một số loại máy móc, vật tư, phương tiện trong nước chưa sản xuất được; vũ khí, khí tài; bộ phận cơ thể nhân tạo, dụng cụ cho người khuyết tật…
Việc không được coi là đối tượng chịu thuế khiến những doanh nghiệp trong nước sản xuất loại hàng hoá này để tiêu dùng trong nước không được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào. Quy định này cũng khiến các doanh nghiệp trong một số lĩnh vực trên gặp rất nhiều thiệt thòi.
Các chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, năng lượng, quảng cáo, dịch vụ mặt bằng, kho bãi, dịch vụ vận chuyển… đều có thuế giá trị gia tăng đầu vào nhưng không được khấu trừ. Trong khi đó, hàng hoá nhập khẩu được hưởng thuế suất 0% ở nước xuất khẩu và không chịu thuế giá trị gia tăng tại Việt Nam; từ đó lại có lợi thế về thuế hơn so với các sản phẩm sản xuất trong nước. Vô hình trung, quy định này khuyến khích nhập khẩu, đi ngược lại chính sách khuyến khích sản xuất trong nước.
Đề nghị : nghiên cứu hạn chế tối đa những mặt hàng thuộc diện không chịu thuế, chuyển các mặt hàng đó sang diện có chịu thuế (với mức thuế suất tuỳ vào mục tiêu chính sách, có thể là 0% hoặc 5%).
(2) Vướng mắc trong hoạt động chuyển nhượng dự án. Liên quan đến quy định không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT đối với hoạt động chuyển nhượng dự án đầu tư để sản xuất, kinh doanh hàng hoá dịch vụ chịu thuế GTGT của tổ chức, cá nhân cho doanh nghiệp, hợp tác xã (như không phân biệt được thế nào là chuyển nhượng dự án đầu tư, thế nào là chuyển nhượng tài sản; dự án đầu tư chuyển nhượng vừa phục vụ cho hoạt động chịu thuế GTGT và không chịu thuế GTGT; doanh nghiệp chỉ chuyển nhượng một phần dự án đã đầu tư…).
(3) Về giá tính thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, mua bán điện của các nhà máy thủy điện, nhiệt điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực do pháp luật đất đai, pháp luật chuyên ngành đã có sự thay đổi. Luật Thuế GTGT cần có sự điều chỉnh cho phù hợp.
(4) Áp dụng thuế suất GTGT tại khâu nhập khẩu
Về hoàn thuế GTGT do các quy định hiện hành chưa rõ như: quy định về hoàn thuế đối với dự án đầu tư, dự án đầu tư của cơ sở kinh doanh ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, dự án đầu tư khai thác tài nguyên, khoáng sản.
(5) Về cách tính thuế GTGT, khấu trừ thuế: Với quy định của Luật thuế GTGT hiện nay dẫn đến hệ quả làm giảm động lực chuyên môn hoá và phân công lao động trong những lĩnh vực sản xuất. Bởi doanh nghiệp nào càng ít mua sắm, sử dụng hàng hoá, dịch vụ mua ngoài thì số thuế giá trị gia tăng không được khấu trừ càng ít và càng được lợi về thuế.
Các quy định về khấu trừ thuế và hoàn thuế còn gây khó khăn và khê đọng vốn của doanh nghiệp. Nên cân nhắc lại thời hạn hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào và thủ tục hoàn thuế, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp về số thuế GTGT đầu vào đã chi ra nhưng không hoặc chậm được hoàn , được khấu trừ.
(6) Về Đảm bảo chính sách công khai, minh bạch
Cần quy định rõ hơn về người nộp thuế, đối tượng không chịu thuế, giá tính thuế, thuế suất, phương pháp tính thuế, khấu trừ và hoàn thuế, trong đó có quy định người nộp thuế là tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT và tổ chức, cá nhân nhập khẩu hàng hoá chịu thuế GTGT; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hoá) của tổ chức nước ngoài không có sơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế.
(7) Về Nghị quyết số 43/2022/NQ15 đã được Quốc hội thông qua với những giải pháp hỗ trợ về tài khoá và tiền tệ; trong đó, bao gồm việc giảm thuế giá trị gia tăng trong năm 2022 cho phần lớn các hàng hóa và dịch vụ. Đề nghị chính sách này cần được tiếp tục duy trì sau năm 2022 đối với những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua như: du lịch, khách sạn, hàng không, hậu cần… Còn đối với những hàng hóa và dịch vụ khác, đề nghị Chính phủ xem xét bình ổn thuế suất thuế giá trị gia tăng để các doanh nghiệp có thể phục hồi và phát triển bền vững.
(8) Về chính sách thuế GTGT đối với hoạt động Khoa học công nghệ
Điều 10 Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, quy định: ”Đơn vị sự nghiệp có các hoạt động dịch vụ phải đăng ký, kê khai, nộp đủ các loại thuế và các khoản khác (nếu có), được miễn, giảm thuế theo quy định của pháp luật”.
Điểm 2.15, Mục II, Phần B Thông tư 129/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 của Bộ Tài chính Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng và hướng dẫn thi hành Nghị định số 123/2008/NĐ-CP ngày 08/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) thì: “Dịch vụ khoa học và công nghệ là các hoạt động phục vụ việc nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ” thuộc đối tượng chịu thuế GTGT với thuế suất 5%. Như vậy, các đơn vị sự nghiệp có phát sinh các dịch vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ thì các dịch vụ này sẽ chịu thuế với suất thuế GTGT là 5%.
Mặt khác, Khoản 21, Mục II, Phần A Thông tư số 129/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính lại qui định dịch vụ “chuyển giao công nghệ” (theo Luật chuyển giao công nghệ) thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Như vậy có 2 loại hình chịu điều tiết về thuế GTGT khác nhau. Có thể thấy, xét về mặt qui trình thì mảng dịch vụ “nghiên cứu và phát triển khoa học” đứng vai trò khâu trước, “đầu tầu” và “khắc khổ” hơn, thế nhưng nó lại là đối tượng chịu thuế GTGT, trong khi việc “chuyển giao công nghệ” chỉ là khâu sau thì không chịu thuế. Qua thực tiễn quản lý thuế, đã có nhiều ý kiến xung quanh vấn đề này. Theo chúng tôi nếu có thể, nên qui định điều tiết thuế GTGT thống nhất cho 2 loại dịch vụ này, có như vậy vừa đảm bảo tính logic về điều tiết thuế nói chung, vừa tránh việc so sánh về sự thiếu công bằng.
Thứ ba, về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp là công cụ của nhà nước trong việc huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đất đai góp phần thức đẩy phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ nguồn tài nguyên của đất nước.
Đây là chính sách rất nhạy cảm và hiện nay có một số vướng mắc, tồn tại :
– Vướng mắc về căn cứ tính thuế sử dụng đất PNN
Cách tính thuế còn quá phức tạp.Trường hợp đất chưa được cấp Giấy chứng nhận không áp dụng hạn mức tính thuế là không công bằng giữa những người sử dụng đất. Hơn nữa, trường hợp này nếu xét miễn giảm thì cũng được xét cho toàn bộ diện tích chứ không xét theo đất trong hạn mức như đối với NNT sử dụng đất đã có GCN thì càng bất hợp lý, cần phải có sửa đổi.
– Vướng mắc trong tổ chức, triển khai thực hiện
Về phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh của Luật Thuế rất rộng; phương thức kê khai thuế, tính thuế, lập bộ và quyết toán thuế phức tạp, nên quá trình triển khai không lường hết được những khó khăn, bất cập. Cơ sở dữ liệu về thông tin địa chính của người sử dụng đất còn thiếu đồng bộ, thông tin cập nhật chưa kịp thời.
– Vướng mắc về việc kê khai thuế
Kê khai không đầy đủ, thiếu các thông tin, kê khai không đúng với thực tế đất sử dụng; Quy định về kê khai rườm rà, nhiều bước, theo từng thửa, kê khai tổng hợp, căn cứ tính thuế quy định nhiều mức thuế suất nên gây khó khăn cho người nộp thuế trong thực hiện cũng như trong công tác quản lý của cơ quan thuế.
Đề nghị sửa Luật
(1) Thu hẹp đối tượng miễn, giảm thuế sử dụng đất PNN, vì hiện tại quá nhiều đối tượng miễn, giảm gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan thuế.
(2) Về đối tượng nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp: Đề nghị Luật cần quy định các dự án thuê đất, nộp tiền thuê đất hàng năm thuộc đối tượng không phải nộp thuế sử dụng đất PNN. Vì Luật thuế sử dụng đất PNN số thu không lớn và chỉ với mục đích chính là quản lý đất đai, thì các đơn vị thuê đất đã được quản lý rất chặt thông qua Quyết định và Hợp đồng thuê đất.
Thứ tư, về thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Luật thuế TNDN đã khắc phục được cơ bản những tồn tại của thuế lợi tức. Phạm vi điều chỉnh luật thuế TNDN đã được mở rộng, áp dụng cho cả các DN có vốn đầu tư nước ngoài và một số đối tượng khác như công ty nước ngoài hoạt động kinh doanh thông qua cơ sở thường trú tại Việt Nam, hộ gia đình nông dân sản xuất hàng hóa lớn, các cá nhân hành nghề độc lập… Các khoản chi phí hợp lý được quy định một cách rõ ràng và phù hợp với những điều kiện của nền kinh tế thị trường theo những thông lệ quốc tế. Một số khoản thu nhập có thể phát sinh trong nền kinh tế thị trường được bổ sung vào đối tượng chịu thuế, xóa bỏ sự phân biệt thuế suất và điều chỉnh sát với các mặt bằng thuế suất chung của thuế thu nhập công ty trên thế giới…
Hiện nay, trong thực tế áp dụng Luật thuế TNDN vẫn còn vướng mắc:
(1) Quy định về chi phí khấu hao và nội dung thông báo phương pháp trích khấu hao
Theo quy định chi phí khấu hao tài sản cố định tính vào chi phí hợp lý để xác định thu nhập chịu thuế và thông báo phương pháp trích khấu hao: Việc trích hoặc thôi trích khấu hao tài sản cố định được thực hiện bắt đầu từ ngày (theo số ngày của tháng) mà tài sản cố định tăng hoặc giảm; DN tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao tài sản cố định theo quy định tại Thông tư số 45/2013/TT-BTC và thông báo với cơ quan thuế trực tiếp quản lý trước khi bắt đầu thực hiện…
Theo quy định, DN phải trích khấu hao kể từ ngày tăng tài sản cố định, tự quyết định phương pháp trích khấu hao, thời gian trích khấu hao nhưng chỉ được tính vào chi phí phần trích khấu hao kể từ ngày thông báo với cơ quan thuế. Quy định này thực tế đã gây rất nhiều khó khăn cho DN, nhất là đối với những DN mới thành lập trong quá trình triển khai thực hiện.
Đề nghị bãi bỏ quy định DN phải gửi thông báo phương pháp trích khấu hao đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp DN nhằm giảm bớt thủ tục hành chính thuế. Cơ quan thuế giảm tải bớt lượng hồ sơ theo quy định thủ tục hành chính thuế phải tiếp nhận và lưu trữ.
(2) Ưu đãi thuế TNDN đối với trường hợp đầu tư mở rộng và đầu tư mới
Một DN có dự án đầu tư được xem là dự án đầu tư mới và được hưởng ưu đãi thuế TNDN nếu đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 3 Điều 10 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 của Bộ Tài chính.
Đề nghị: Cần điều chỉnh quy định theo hướng đảm bảo sự công bằng giữa các chủ thể đầu tư. Nghĩa là, trong quá trình ban hành các văn bản pháp luật, cần quy định cụ thể trường hợp nào áp dụng thuế suất ưu đãi theo diện đầu tư mới, trường hợp nào áp dụng thuế suất ưu đãi theo diện đầu tư mở rộng đối với những DN đầu tư đã có dự án đầu tư mới và đã được hưởng thuế suất ưu đãi theo diện đầu tư mới, sau đó đầu tư dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu, để cơ quan thuế có cơ sở pháp lý và áp dụng thống nhất chung trong toàn ngành.
(3) Quy định địa bàn đầu tư được hưởng ưu đãi
Theo quy định tại Nghị định số 91/2014/NĐ-CP ngày 01/10/2014 của Chính phủ, các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và các đô thị loại I trực thuộc. Theo đó các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn được hưởng ưu đãi Tuy nhiên, theo Thông tư số 96/2015/TT-BTC các DN đầu tư tại địa bàn khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghiệp trừ khu công nghiệp nằm trên địa bàn các quận nội thành của đô thị loại đặc biệt, đô thị loại I trực thuộc trung ương và Khu công nghiệp nằm trên địa bàn các đô thị loại I trực thuộc tỉnh)…
Đề nghị, cần bổ sung quy định tại Thông tư số 96/2015/TT-BTC về địa bàn ưu đãi thuế TNDN cho phù hợp, đảm bảo quyền lợi cho các DN đầu tư tại địa bàn các khu công nghiệp nằm trong diện được hưởng thuế suất ưu đãi, góp phần đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên cả nước. Trước mắt, cần có các hướng dẫn nhất quán, áp dụng thống nhất cho các địa phương và DN.
(4) Quy định về tạm nộp thuế TNDN
Đây là quy định mang tính gượng ép và thiếu căn cứ, DN phải nộp thuế ngay cả khi chưa xuất hiện thu nhập hoặc xuất hiện ở mức không đúng với số thuế TNDN phải tạm nộp
(5) Đối với hoạt động khoa học công nghệ
Dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ thuộc đối tượng ưu đãi thuế. Tuy nhiên, với qui định hiện hành về thuế TNDN thì chỉ những tổ chức KHCN hoặc các doanh nghiệp mới thành lập thuộc các loại hình này, các cơ sở nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn (hoặc đặc biệt khó khăn) thì mới được ưu đãi về thuế TNDN. Ngoài ra, các dự án hay hoạt động KHCN từ các cơ sở khác thì không thuộc phạm vi được ưu đãi thuế (Nghị định số 124/2008/NĐ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế TNDN và Thông tư 130/2008/TT-BTC ngày 26/12/2008 Hướng dẫn thi hành Nghị định 124/2008/NĐ-CP). Như vậy có thể thấy là: với các dự án KHCN có tính chất như nhau thậm chí giống hệt nhau nhưng do các cơ sở thực hiện khác nhau thì sẽ được hưởng ưu đãi thuế TNDN khác nhau.
Thứ năm , về thuế tiêu thụ đặc biệt:
Danh mục hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt chưa có đầy đủ các mặt hàng như các sản phẩm thuốc lá mới (như thuốc lá làm nóng) đã và đang được lưu thông phổ biến trên thị trường. Cần cân nhắc việc đưa các sản phẩm thuốc lá mới vào danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Yêu cầu cần đặc biệt thận trọng trong việc bổ sung các hàng hoá, sản phẩm vào danh mục mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Việc bổ sung một số mặt hàng tiêu dùng vào danh mục chịu thuế mới sẽ ảnh hưởng đến sức mua và tiêu dùng trong nước, đẩy giá một số mặt hàng và dịch vụ lên cao, từ đó có khả năng tác động tiêu cực đến sản xuất, doanh thu của doanh nghiệp và cơ hội việc làm của người lao động. Các sản phẩm thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt thường là các sản phẩm có tác động xấu đến người tiêu dùng nói riêng và xã hội nói chung, không khuyến khích hoặc hạn chế phát triển. Cần có những đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện về tác động kinh tế, xã hội của mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để có những cân nhắc phù hợp.
Thứ sáu, về Thuế Thu nhập cá nhân
Hiện nay, có rất nhiều vướng mắc về thuế thu nhập cá nhân. Trên thực tế, nhiều quy định của thuế thu nhập cá nhân đã không còn phù hợp, cần được xem xét sửa đổi bổ sung.
– Căn cứ tính thuế và thuế suất. Xem lại mức chịu thuế cho phù hợp, quy định mức chịu thuế hiện nay là không phù hợp với yêu cầu. Thiết kế lại Biểu thuế suất theo hướng giảm số bậc chịu thuế (tối đa 5 bậc) và đưa mức chịu thuế cao nhất hiên nay xuống khoảng 30%.
– Xem xét thật kỹ các khoản thu nhập chịu thuế, đánh giá tác động và tính cho hết cái được cái không được khi đưoa các khoản thu nhập vào chịu thuế. Xem lại mức chiết trừ gia cảnh và cho phép tính một số khoản chi phí được xuất vào chi phí trừ vào thu nhập chiu thuế như chi phí về chỗ ở, mua bảo hiểm nhân thọ, chi phí học hành.
– Theo Nghị quyết về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT.
Nghị quyết 41 của Chính phủ về chính sách ưu đãi thuế thúc đẩy việc phát triển và ứng dụng CNTT tại Việt Nam ban hành ngày 26/5/2016 nêu rõ, để nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp CNTT, đẩy mạnh thu hút đầu tư phục vụ cho phát triển CNTT theo các mục tiêu đã đặt ra trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cần thiết phải có thêm các chính sách hỗ trợ, trong đó có chính sách ưu đãi thuế nhằm thúc đẩy hơn nữa ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam.
Cụ thể, theo Nghị quyết này, với các giải pháp về chính sách ưu đãi thuế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bổ sung thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện các dự án: sản xuất sản phẩm nội dung thông tin số, dịch vụ phần mềm, sản xuất sản phẩm CNTT trọng điểm, dịch vụ khắc phục sự cố an toàn thông tin, bảo vệ an toàn thông tin được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp như mức đang áp dụng đối với dự án sản xuất sản phẩm phần mềm theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp.
Đồng thời, giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân phải nộp đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các cá nhân nhân lực công nghệ cao làm việc trong lĩnh vực CNTT, là đội ngũ những người có trình độ và kỹ năng đáp ứng được yêu cầu của hoạt động nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; dịch vụ công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT, quản lý hoạt động công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; vận hành các thiết bị, dây chuyền sản xuất sản phẩm công nghệ cao trong lĩnh vực CNTT; quản lý an toàn hệ thống thông tin.
Đối với các giải pháp về chính sách ưu đãi thuế thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Nghị quyết 41 quy định, bổ sung các hoạt động CNTT cần đặc biệt khuyến khích là: sản xuất và dịch vụ phần mềm; dịch vụ thiết kế, tư vấn CNTT; dịch vụ tích hợp hệ thống; dịch vụ quản lý, duy trì hệ thống CNTT (ứng dụng, mạng, thiết bị); dịch vụ thuê ngoài hệ thống CNTT; dịch vụ bảo mật hệ thống thông tin không sử dụng mật mã dân sự; dịch vụ xử lý, khai thác dữ liệu cơ sở dữ liệu; dịch vụ tìm kiếm thông tin trên mạng; dịch vụ trung tâm dữ liệu Data center; dịch vụ thuê ngoài BPO, KPO cho xuất khẩu; dịch vụ chứng thực chữ ký điện tử vào Danh mục hoạt động thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển.
Trường hợp dự án đầu tư mới thuộc lĩnh vực CNTT cần đặc biệt khuyến khích đầu tư nêu trên có sử dụng thường xuyên trên 1.000 lao động (kể cả trường hợp dự án đã hết thời gian gian 15 năm hưởng thuế suất 10%), được kéo dài thêm thời gian áp dụng mức thuế suất 10% trong 15 năm.
Thứ sáu, một số quy định về những ưu đãi thuế đối với hoạt động KH-CN
Điều 64 Mục 4 Chương VI, Luật Khoa học và Công nghệ quy định các trường hợp sau đây được hưởng chính sách ưu đãi về thuế
Một là, thu nhập từ việc thực hiện hợp đồng NCKH và phát triển công nghệ; Hai là, thu nhập từ sản phẩm làm ra từ công nghệ mới lần đầu áp dụng tại Việt Nam; sản phẩm đang trong thời kỳ sản xuất thử nghiệm; Ba là, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và một số hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao; Bốn là, dịch vụ khoa học và công nghệ; Năm là , máy móc, thiết bị, phụ tùng, vật tư thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để sử dụng trực tiếp cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; Sáu là, kinh phí tài trợ của tổ chức, cá nhân cho hoạt động nghiên cứu khoa học; khoản tài trợ nhận được để sử dụng cho hoạt động nghiên cứu khoa học; Bảy là, chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển giao cho tổ chức, cá nhân thuộc địa bàn kinh tế-xã hội khó khăn, địa bàn kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn; Tám là, các trường hợp khác được quy định tại các luật về thuế.
Các Luật Thuế và các quy định về Thuế cần bám sát và thể hiện đầy đủ các quy định này. Cần rà soát lại các điều Luật về Thuế có liên quan hoạt động KH-CN, các quy định tại Thông tư số 78/2014/TT-BTC ngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính, Nghị định số 96/2010/NĐ-CP ngày 20/9/2010 của Chính phủ, Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 26 tháng 12 năm 2011, Thông tư liên tịch số 17/2012/TTLT-BKHCN-BTC-BNV ngày 10/9/2012…..
PGS.TS ĐẶNG VĂN THANH
Chủ tịch Hiệp hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam
Tài liệu tham khảo
1. Các Luật thuế GTGT, Thu nhập Doanh nghiệp, Thu nhập cá nhân, sử dụng đất phi nông nghiệp; Thuế Xuất nhập khẩu (luật số 106/2016-QH13, 107/2016/QH13…)
2. Các Nghị định của Chính phủ: số 115/2005/NĐ-CPsố 43/2006/NĐ-CP, số 80/2007/NĐ-CP, số 123/2008/NĐ-CP, số 218/2013/NĐ-CP, số 96/2010/NĐ-CP.
3. Các Thông tư liên tịch số 36/2011/TTLT-BKHCN-BTC-BNV, số 17/2012/TTLT-BKHCN-BTC-BỌN