ISSN-2815-5823

Robot phẫu thuật nội soi trong điều trị ung thư tăng hy vọng cho người bệnh

(KDPT) - Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua với sự giúp đỡ của các chuyên gia quốc tế, các bác sĩ của bệnh viện K đã triển khai thành công các kỹ thuật phẫu thuật nội soi robot trong điều trị ung thư. Nhờ đó, các bệnh nhân mắc ung thư trong nước đã có thêm cơ hội, không còn phải ra nước ngoài điều trị.

Phương án phẫu thuật nội soi bằng robot 

Ung thư gan hiện nằm trong nhóm những bệnh ung thư thường gặp tại Việt Nam. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ung thư gan, ngoài sơ gan thì tại Việt Nam cũng như một số nước Đông Nam Á, viêm gan B chiếm tỷ lệ cao. 

Các bác sĩ Bệnh viện K cho biết, một bệnh nhân nữ (66 tuổi) được chẩn đoán ung thư dạ dày giai đoạn 3 được họ và chuyên gia Nhật Bản cùng hội chẩn đưa ra phương án phẫu thuật nội soi bằng robot cắt gần toàn bộ dạ dày, nạo vét hạch.

Trường hợp thứ hai, bệnh nhân nữ (67 tuổi) với chẩn đoán ung thư gan. Qua thăm khám và thực hiện làm các chỉ định xét nghiệm, chụp chiếu, các bác sĩ kết luận, người bệnh có u gan kích thước 4x5 cm, nằm vị trí hạ phân thùy II... Với sự tư vấn chuyên gia Nhật Bản, người bệnh cũng được chỉ định phẫu thuật nội soi bằng robot.

Đây là hai trong số bốn bệnh nhân ung thư dạ dày và ung thư trực tràng, ung thư gan và ung thư thực quản được các chuyên gia đến từ Bệnh viện Đại học Nagoya (Nhật Bản) và các chuyên gia Bệnh viện K phối hợp thực hiện. Phẫu thuật nội soi bằng robot là phương pháp mổ tiên tiến, xâm nhập tối thiểu ở trình độ cao nhất, giúp bệnh nhân hạn chế đến mức thấp nhất tổn thương, hồi phục nhanh sau mổ.

Các chuyên gia Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Nagoya (Nhật Bản) phối hợp phẫu thuật nội soi robot cho bệnh nhân ung thư. (BVCC)
Các chuyên gia Bệnh viện K và Bệnh viện Đại học Nagoya (Nhật Bản) phối hợp phẫu thuật nội soi robot cho bệnh nhân ung thư. (BVCC)

PGS.TS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K giới thiệu kỹ thuật nội soi robot, ông chia sẻ: "Thời gian qua, các kỹ thuật trong điều trị ung thư đã trở thành một cuộc cách mạng, giúp phẫu thuật ung thư trở nên hiệu quả hơn và bệnh nhân hồi phục nhanh hơn. Trong phẫu thuật xâm nhập tối thiểu, có phẫu thuật nội soi thông thường và phẫu thuật nội soi robot. Cho đến nay nội soi ung thư robot vẫn là một trong những kỹ thuật cao cấp nhất trong ứng dụng điều trị bệnh ung thư về lĩnh vực ngoại khoa".

Đáng chú ý, phẫu thuật nội soi robot sẽ giúp bệnh nhân hồi phục nhanh sau mổ, vẫn bảo đảm mặt ung thư học, giúp cho bác sĩ, phẫu thuật viên lấy được tối đa những tổn thương ung thư. Trong khi đó vẫn bảo tồn được những tổ chức lành, hạn chế những sang chấn tối thiểu, ông Phạm Văn Bình nói.

Đây là những điểm quan trọng nhất giúp việc lấy, nạo vét hạch một cách đầy đủ, chính xác và bảo đảm nguyên tắc ung thư học, điều đó giúp cho bệnh nhân kết hợp các phương pháp điều trị phụ trợ khác như xạ trị hóa chất sau mổ kéo dài nhất có thể thời gian sống cho bệnh nhân ung thư. Đây là cái đích cần phải phấn đấu trong lĩnh vực ung thư nói chung và ung thư tiêu hóa nói riêng.

Công nghệ robot mang đến nhiều ưu điểm nổi trội

Phẫu thuật robot trong điều trị ung thư tiêu hóa có nhiều ưu điểm hơn so với phẫu thuật mổ mở hay nội soi thông thường. Đó là hình ảnh quan sát rõ nét, các cánh tay robot có độ linh hoạt cao giúp thực hiện phẫu tích tỉ mỉ giúp phẫu thuật viên thao tác chính xác. Phương pháp phẫu thuật robot có nhiều ưu điểm vượt trội rõ ràng, bảo đảm thẩm mỹ, sang chấn tối thiểu, không chảy máu, giảm đau tối đa, giảm thời gian nằm viện trong khi kết quả điều trị ung thư vẫn được bảo đảm.

Hiện nay, phẫu thuật robot được triển khai tại Bệnh viện K với tất cả bệnh lý ung thư tiêu hóa, từ ung thư thực quản đến ung thư dạ dày, đại trực tràng, gan... Hiện kỹ thuật này đang hoàn thiện và trở thành phẫu thuật thường quy ở những bệnh nhân ung thư tiêu hóa có chỉ định phẫu thuật phù hợp với phẫu thuật robot. Các phẫu thuật tiếp theo sẽ triển khai là phẫu thuật về ung thư tiết niệu, ung thư phổi, ung thư phụ khoa.

PGS.TS Phạm Văn Bình cho biết, phẫu thuật robot trong điều trị ung thư gan là một phẫu thuật khó, phức tạp, đòi hỏi kỹ thuật tách tổn thương trong một lá gan bị ung thư; cắt thế nào đủ rộng, đủ triệt căn mà vẫn bảo tồn được phần gan lành để bảo đảm chất lượng của chức năng gan cho bệnh nhân là rất khó. Phẫu thuật robot trong ung thư gan giúp việc phổ tích tỉ mỉ, cầm máu rất tốt, kiểm soát được diện cắt một cách an toàn về mặt ung thư học, cũng như về mặt cầm máu. Có thể nói phẫu thuật cắt gan khó, nhưng với trình độ phổ tích và kỹ năng để phẫu tích mổ ung thư gan, mổ mở, mổ nội soi đều được ứng dụng trong phẫu thuật robot.

Chia sẻ về các phương pháp phòng trách bệnh ung thư gan, PGS.TS Phạm Văn Bình cho rằng để giảm tình trạng mắc bệnh này, mọi người dân cần tuân thủ một chế độ ăn uống lành mạnh; hạn chế rượu, bia để tránh bị xơ gan; thực hiện tiêm vắc-xin phòng viêm gan B theo hướng dẫn của ngành y tế. Theo đó, người dân cần thực hiện kiểm tra định kỳ, khám sàng lọc để phát hiện khối u ở giai đoạn còn sớm. Vì khối u khi còn nhỏ thì việc can thiệp điều trị cũng như cắt gan trở nên đơn giản hơn, hiệu quả hơn rất nhiều.

Với những bước tiến công nghệ như hiện nay, kỳ vọng trong một tương lai gần, kỹ thuật phẫu thuật robot sẽ trở thành kỹ thuật mũi nhọn ở lĩnh vực ngoại khoa ung thư, qua đó giúp bệnh nhân ung thư của Việt Nam không phải ra nước ngoài để điều trị./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 27/07/2024