ISSN-2815-5823
Thứ sáu, 01h30 20/03/2020

Sẽ rất mạo hiểm nếu tạo ra miễn dịch cộng đồng

Cover image
(KDPT) – Khi số người nhiễm virus vượt quá 50% trong cộng đồng thì sẽ hình thành miễn dịch cộng đồng, nghĩa là con người tự có sức đề kháng để đánh bại virus. Nhưng theo các chuyên gia, Covid-19 là loại virus chưa thể giải mã nên áp dụng phương pháp này là rủi ro lớn.

Miễn dịch cộng đồng tiềm ẩn nhiểu rủi ro. ( Ảnh minh họa)

Miễn dịch cộng đồng là gì?

Miễn dịch cộng đồng trong tiếng Anh là “herd immunity”, chỉ tình trạng một cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi một tỉ lệ lớn cộng đồng ấy đã trở nên miễn dịch với bệnh, từ đó họ trở thành “lá chắn sống” cho những người chưa bị nhiễm.

Lấy ví dụ nếu tỉ lệ dân số nhiễm bệnh của một cộng đồng là 10%, thì số 10% này sẽ tiếp xúc với 90% còn lại và lây bệnh.

Nhưng nếu có tới 80% đến 90% cộng đồng ấy đã mắc bệnh và qua khỏi, cơ thể họ sẽ có kháng thể chống virus. Sử dụng giả thiết rằng người mắc bệnh rồi sẽ không mắc bệnh lần hai, 90% số người này sẽ là lá chắn sống xung quanh những người chưa bị nhiễm, vì 90% này là những người sẽ tiếp xúc với 10% người chưa bị nhiễm còn lại.

Các chuyên gia cho rằng việc tạo ra miễn dịch cộng đồng sẽ có ý nghĩa lớn đối với người già, trẻ em hoặc trẻ sơ sinh, vốn là những đối tượng dễ tổn thương nhất trước dịch bệnh do sức đề kháng, hệ miễn dịch hoặc sức khỏe yếu.

Nói cách khác, 10% người chưa nhiễm đó nếu là người già và trẻ em, trẻ sơ sinh, họ sẽ được 90% người nhiễm và khỏi bệnh che chắn.

Miễn dịch cộng đồng đang gây tranh cãi

Về lý thuyết, miễn dịch cộng đồng là giải pháp lâu dài để ngăn virus. Khái niệm này thường được dùng trong việc tiêm ngừa, văcxin.

Nhưng tới nay, nhiều ý kiến phản đối cho rằng khác với cúm mùa hay bệnh sởi, dịch bệnh do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19) chưa có văcxin và cũng chưa ai có kháng thể với nó. Chính vì vậy chuyện cho người dân nhiễm bệnh, nếu có, cũng là một cách làm quá mạo hiểm, trong khi văcxin mới là lựa chọn tốt nhất để có miễn dịch cộng đồng.

Tạp chí Newsweek (Mỹ) dẫn lời bác sĩ y khoa Gary L. LeRoy, chủ tịch Học viện bác sĩ gia đình Mỹ (AAFP), khẳng định vì chưa có văcxin, vào lúc này cách duy nhất để tạo ra bất kỳ hình thức miễn dịch cộng đồng nào cũng là để cho mọi người có bệnh và tự phát triển kháng thể.

Tuy nhiên, ông LeRoy cho biết hiện nay chưa có miễn dịch cộng đồng đối với virus corona chủng mới gây COVID-19.

Shaun Lintern, cây bút y tế của báo Independent, thậm chí quả quyết hiện nay “không có cơ hội có miễn dịch cộng đồng với virus corona”.

Cố vấn Trưởng khoa học Chính phủ Anh cho rằng cần 60% dân số nhiễm bệnh để tạo miễn dịch cộng đồng.

Không thể mang con người ra làm thử nghiệm

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Phạm Thị Khoa, nguyên cán bộ Viện Sốt rét, ký sinh trùng Trung ương cho rằng: với các vấn đề liên quan đến y tế, sức khỏe thì phải có kiểm soát, không thể mang con người ra làm thử nghiệm. Liên quan đến tính mạng con người thì phải có các biện pháp kiểm soát để hạn chế thấp nhất hậu quả. Nếu để cho lây lan ra thì cực kỳ nguy hiểm. Tỉ lệ người chết vì Covid-19 ở một số nước Châu Âu cao là bởi tỉ lệ người cao tuổi ở những nước này rất lớn. Với những người trên 70 tuổi đã có sẵn các bệnh nền thì virus Covid-19 tấn công sẽ là “thảm họa”. Như thế, lựa chọn miễn dịch cộng đồng ở những nước này sẽ là rất “phiêu lưu”. Người ta chỉ áp dụng miễn dịch cộng đồng khi đã có văcxin phòng bệnh và giải mã chính xác loại virus đó.

Thực tế, Anh hiện bị chỉ trích vì không áp dụng các biện pháp ngăn chặn chứ không phải thả nổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Để phòng chống dịch bệnh, Việt Nam hiện làm rất tốt, huy động cả hệ thống tham gia chống dịch, ngăn chặn, phát hiện sớm, cách ly, điều trị kịp thời. Chỉ có kiểm soát để càng làm chậm quá trình lây lan, phát tán của bệnh càng tốt, thì mới chống dịch thành công.

Đinh Khương (T/h)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

Longform
kinhdoanhvaphattrien.vn | 02/05/2024