ISSN-2815-5823

Sóng gió bủa vây Tổng thống Nga ngay sau khi đắc cử

(KDPT) – Chưa đầy hai tuần sau khi đắc cử Tổng thống Nga nhiệm kỳ 6 năm tiếp theo, ông Vladimir Putin đang phải đối mặt với thách thức lớn nhất kể từ khi lên nắm quyền năm 2000 đến nay.

Tổng thống Nga V. Putin

Trong nước, nỗi đau thương của người dân đang biến thành cơn giận dữ sau khi một đám cháy bao trùm trung tâm thương mại Winter Cherry ở Kemerovo, Siberia hôm 25/3 khiến 64 người, trong đó có nhiều trẻ em, thiệt mạng. Cùng lúc, nước Nga phải đối mặt với tình trạng bị cô lập hơn khi Mỹ và 27 quốc gia phương Tây đồng loạt ra quyết định trục xuất khoảng 150 nhà ngoại giao Nga để đáp trả vụ cựu điệp viên Sergei Skripal bị đầu độc tại Anh.

Hai biến cố này được nhiều người ví như “thảm họa”, thậm chí một số chuyên gia phân tích phương Tây còn dự đoán rằng việc chúng diễn ra dồn dập có thể khiến hình ảnh “huyền thoại” của Putin trong lòng người dân Nga sụp đổ, buộc ông phải tìm ra chiến lược hợp lý nhất để chứng minh mình là người duy nhất có thể dẫn dắt nước Nga ra khỏi tình thế khó khăn.

“Tôi muốn bày tỏ lòng thương tiếc và sự ủng hộ của lãnh đạo chúng ta, Vladimir Putin”, Yelena Mizulina, thượng nghị sĩ Nga nói trên truyền hình ngay sau khi vụ cháy xảy ra. “Với ông ấy, đây là cú đâm vào lưng, một cú sốc lớn, vì tất cả những điều mà ông đang làm cho nước Nga đều bảo vệ vị thế của chúng ta trên trường quốc tế, cũng như tiến hành các cải cách trong nước với sức mạnh phi thường”.

Trong khi bận rộn tìm cách giải quyết hậu quả của vụ cháy, Putin buộc phải trông cậy vào Bộ Ngoại giao đối phó với cuộc khủng hoảng ngoại giao ngày càng căng thẳng giữa Nga với phương Tây. Ngày Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố chỉ trích Mỹ và đồng minh trục xuất hơn 100 nhà ngoại giao cũng là thời điểm nước Nga bắt đầu tưởng niệm các nạn nhân ở Kemerovo.

Cũng giống như trong vụ cháy kinh hoàng, các quan chức ngoại giao Nga phải coi cuộc khủng hoảng ngoại giao chưa từng có này như một sự kiện “ngoài tầm kiểm soát” của Điện Kremlin. Giới chức Nga cho rằng đằng sau đợt trục xuất hàng loạt trên là một chiến dịch chống Moscow quy mô lớn do các kẻ thù ở London và Washington phát động.

Các cáo buộc của chính phủ Anh rằng Nga là thủ phạm gây ra vụ tấn công bằng chất độc Novichok hôm 4/3 khiến cựu điệp viên Skripal nguy kịch trong bệnh viện được Nga đáp trả bằng phản ứng điển hình: Bằng chứng đâu?

Các quan chức của Putin đã phản ứng theo cách này trong nhiều vụ trước đây, khi vận động viên Nga bị cáo buộc sử dụng chất kích thích, khi binh sĩ Nga bị tố cáo tham chiến ở Ukraine hay các tin tặc Nga bị cho là can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ 2016.

Bộ Ngoại giao Nga còn ra tuyên bố chỉ trích Anh đã không bảo vệ được mạng sống của công dân Nga trên lãnh thổ nước này, khẳng định London phải có trách nhiệm đưa ra bằng chứng chứng minh rằng thủ phạm mưu sát Skripal không phải là tình báo Anh.

Điện Kremlin khẳng định Tổng thống Putin sẽ đích thân quyết định cách phản ứng đối với từng trường hợp trục xuất. Đến cuối tuần trước, Bộ Ngoại giao Nga bắt đầu chiến dịch “đáp trả tương xứng” khi trục xuất 60 nhà ngoại giao Mỹ và đóng cửa tổng lãnh sự quán Mỹ ở St. Petersburg, sau đó yêu cầu nhân viên ngoại giao của hơn 20 nước châu Âu rời khỏi Nga.

Trong khi Bộ Ngoại giao Nga đưa ra những lời lẽ rất gay gắt, Điện Kremlin lại thể hiện thái độ mềm mỏng hơn. Dmitry Peskov, người phát ngôn của Tổng thống Putin, tuyên bố Nga vẫn mong muốn duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước, kể cả Mỹ.

Giới quan sát cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Putin vẫn mong muốn mở một cánh cửa đàm phán với Mỹ ngay cả khi cuộc khủng hoảng ngoại giao với phương Tây trở nên căng thẳng nhất.

Có thể xem đây là một trong những thách thức lớn nhất về đối nội lẫn đối ngoại mà Tổng thống Nga V. Putin phải đối mặt kể từ khi ông chính thức bước chân vào chính trường. Nó cũng sẽ là “liều thuốc thử” hoàn hảo cho ông cũng như bộ máy của ông trước những thách thức đang bủa vây.

Hoàng Anh (tổng hợp)

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/05/2024