Sức mạnh chi tiêu của nam giới Việt trên các sàn TMĐT ngày càng "bám sát" hội chị em
Trong thời gian tới, thương mại điện tử nói riêng và bán lẻ nói chúng chính là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt. Theo dự báo, GDP của Việt Nam trong giai đoạn 2023-2028 sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 6,8%; mức tăng trưởng của bán lẻ là 12,1% và TMĐT ở mức 25% (chỉ tính những sàn lớn, chưa bao gồm các trang bán dịch vụ khách sạn và du lịch).
Chiều ngày 29/5 vừa qua đã diễn ra buổi Hội thảo “Digital Trust và Phát triển TMĐT xuyên biên giới” nằm trong khuôn khổ Diễn đàn cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - Châu Á năm 2024. Tham dự Hội thảo, ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc bộ phận Phân tích thị trường YouNet ECI đã thực hiện việc phác họa chân dung cũng như xu hướng mua sắm của thế hệ tiêu dùng tương lai, ngoài ra còn có động lực tăng trưởng chính của thương mại điện tử trong 5 năm tới.
Gen Z đang thống trị các sàn TMĐT
Phân tích của YouNet ECI cho thấy, người tiêu dùng không chỉ mua hàng vào những ngày ‘sale’ (được giảm giá) mà còn ‘chốt đơn’ mỗi ngày. Đồng thời, giá cả cùng với sự tiện lợi là 2 yếu tố chính giúp thay đổi thói quan cũng như hành vi mua sắm của người tiêu dùng trên các kênh TMĐT.
Còn theo dữ liệu từ Buzzmetrics, tần suất truy cập vào các sàn TMĐT hàng ngày của người dùng trong giai đoạn 2022-2023 đã tăng lên gấp 3 lần. Không những thế, số lượng đơn hàng cũng tăng lên mạnh mẽ, năm 2022 là từ 10-20 đơn hàng/tháng thì đến năm 2023 đã lên mức 20-30 đơn hàng/tháng. Đặc biệt, giá trị đơn hàng cũng đã tăng 10,5%. Thông qua thói quen cùng hành vi, dễ dàng thấy được doanh thu của TMĐT chủ yếu đến từ những thời điểm không có các chương trình khuyến mãi.
Bên cạnh đó, theo báo cáo của Meta và Bain & Company, cứ 3/4 người tiêu dùng mua sắm trên các sàn TMĐT là thế hệ Gen Z. Gen Z là lực lượng lao động chính của Việt Nam trong vòng 5 năm tới (chiếm 31%) với mức thu nhập từ 200 triệu đồng cho đến 600 triệu đồng. Đây cũng chính là thế hệ người tiêu dùng trọng tâm mà các doanh nghiệp đã, đang và sẽ hướng đến.
Nam giới Việt ngày càng khẳng định sức mạnh chi tiêu trên các sàn TMĐT
Ông Nguyễn Phương Lâm, Giám đốc bộ phận Phân tích thị trường YouNet ECI cho biết, trong thời gian đầu của thương mại điện tử (TMĐT), chị em phụ nữ chính là thế lực thống trị, kéo 2 mặt hàng chủ lực là thời trang và sắc đẹp tăng cao. Nhưng thời điểm hiện tại, đấng mày râu Việt cũng đang thể hiện rõ sức mạnh chi tiêu của mình.
Những nhóm ngành được đàn ông Việt “ưu ái” mua nhiều trên các sàn TMĐT gồm có: Công nghệ, điện gia dụng. So với đầu năm, những nhóm ngành này đã tăng trưởng lên đến hơn 100% trong 6 tháng cuối năm 2023, đồng thời thuộc top 5 ngành lớn nhất.
Điều này cũng cho thấy, giới tính cùng độ tuổi mua sắm TMĐT đang có sự chuyển dịch vô cùng mạnh mẽ. Ngoài ra, nhóm mặt hàng thiết yếu thông thường vốn được mua trên các kênh offline giờ cũng ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trên các kênh online. Sự đa dạng về thói quen, hành vi cũng như đối tượng mua hàng trở thành động lực đáng kể để thúc đẩy quá trình phát triển của TMĐT.
Cũng theo đại diện YouNet ECI, động lực tăng trưởng của TMĐT trong vòng 5 năm tới vẫn tiếp tục được giữ vững thông qua hai yếu tố quan trọng: Mua sắm mặt hàng giá trị cao kết hợp cùng với shoppertainment (giải trí kết hợp mua sắm). Đáng chú ý, điện thoại và máy hút bụi là 2 minh chứng rõ ràng cho yếu tố thứ nhất.
Theo thống kê, giá bán trung bình điện thoại ở trên một cửa hàng ở sàn TMĐT hồi quý 4/2022 là 7,5 triệu đồng, nhưng 12 tháng sau đã nhanh chóng tăng gấp đôi, lên mức 15 triệu đồng. Nhớ lại thời điểm tháng 10/2023 khi mà “Táo Khuyết” mở bán sản phẩm iPhone 15 trên sàn TMĐT, iPhone 15 Pro Max trở thành sản phẩm bán chạy nhất trong suốt 12 tuần liên tiếp. Ngoài ra, mặt hàng máy hút bụi hoặc robot hút bụi cũng có mức giá khởi điểm từ 4 triệu đồng cho đến hơn chục triệu đồng.
Điều này chứng tỏ, TMĐT không chỉ là ‘sân chơi’ dành cho những mặt hàng có giá trị từ 1-2 triệu đồng trở xuống. Chính sách bảo hành và hậu mãi trở thành yếu tố thiết yếu để các doanh nghiệp có thể thuyết phục khách hàng chi hàng chục triệu đồng trên các sàn TMĐT. Dù là mua online hay là offline, những dịch vụ đều cần phải có chất lượng cân xứng. Trong trường hợp các nhà sản xuất đặt những sản phẩm cao cấp của mình trên các sàn TMĐT và coi đây là kênh chiến lược để tiếp cận khách hàng thì giá trị của sản phẩm sẽ không chỉ dừng ở mức 1-2 triệu đồng.
Đối với shoppertainment - đây cũng là một xu hướng đáng chú ý hiện nay. Ví dụ, một doanh nghiệp xe máy điện hồi tháng 12 năm ngoái đã hợp tác với KOL để bán hàng trên TikTok Shop, sau đó doanh thu được ghi nhận cao vượt trội so với những sàn TMĐT khác. Điều này cho thấy, người tiêu dùng hiện nay vẫn sẵn sàng đón nhận xu hướng sản phẩm mới trên các sàn TMĐT, không chỉ đơn thuần là xem livestream để mua mặt hàng thời trang mà còn bao gồm cả các món hàng với giá trị cao hơn./.
- Làm việc 20 phút/ngày, U30 kiếm gần 12 tỷ đồng/năm nhờ bán hàng online
- Vĩnh Phúc : Tạm giữ gần 12.000 sản phẩm bán hàng online giả mạo nhãn hiệu
- Quản lý thuế đối với bán hàng online tại “chợ cư dân” đã dần đi vào nề nếp