Tăng hạn mức tín dụng, ngân hàng tiếp tục giảm lãi ‘cứu’ doanh nghiệp
Theo đó, hạn mức tín dụng tăng thêm đợt này nhằm phục vụ các nhu cầu vốn của doanh nghiệp để phát triển sản xuất – kinh doanh cuối năm, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 trong nước đang được kiểm soát rất tốt. Những dự án chuẩn bị được cho vay của những ngân hàng được nới room tín dụng gần đây đều là những phương án vốn đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên sản xuất kinh doanh hàng thiết yếu.
Không chỉ dồi dào nguồn vốn, mặt bằng lãi suất đang ở mức rất thấp để doanh nghiệp, khách hàng có cơ hội vay vốn cuối năm. Theo Trung tâm Phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research), VietcomBank, VietinBank, BIDV và Agribank… đang đồng loạt giảm lãi vay, tung ra gói tín dụng ưu đãi dành cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN) với lãi suất ưu đãi (thấp hơn từ 20 – 50 điểm cơ bản) nhằm đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng cuối năm.
Theo đó, mức lãi suất cho vay dao động từ 4,8 – 6,5%/năm với các khoản vay dưới 6 tháng và 5,5 – 7,5%/năm với các khoản vay từ 6 đến 12 tháng. Tuy nhiên, lãi suất cho vay mua nhà, ôtô của hầu hết các NHTM chỉ giảm 10 – 20 điểm cơ bản so với cuối quý III/2020, ở mức 7 – 9,5%/năm cho kỳ lãi suất cố định, sau đó điều chỉnh theo lãi suất tiền gửi hoặc lãi suất điều chuyển vốn nội bộ của ngân hàng (quanh mức 10,5 – 11,5%/năm).
Mới đây nhất, Vietcombank tiếp tục giảm tới 1 %/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ dư nợ vay hiện hữu và cho vay mới của khách hàng doanh nghiệp trong thời gian 3 tháng, từ 15/12/2020 đến hết 15/3/2021. Đối tượng giảm lãi suất không bao gồm các khoản vay đang được áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất của Vietcombank. Theo tính toán của Vietcombank, đợt giảm lãi suất lần thứ 5 này tác động đến khoảng 150.000 doanh nghiệp, giảm lãi khoảng 300 tỷ đồng, nâng tổng số tiền hỗ trợ lên khoảng 3.700 tỷ đồng.
BIDV cũng vừa mở rộng quy mô gói vay ngắn hạn “Kết nối – Vươn xa” từ 70.000 tỷ đồng lên 100.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ khách hàng cá nhân phục hồi sản xuất kinh doanh sau đại dịch COVID-19 và đáp ứng nhu cầu vốn của khách hàng vào dịp cuối năm. Khách hàng được hưởng lãi suất ưu đãi chỉ từ 5%/năm đối với các khoản vay có kỳ hạn dưới 6 tháng hoặc chỉ từ 5,5%/năm đối với các khoản vay từ 6 tháng đến 12 tháng (giảm 0,5%/năm đối với tất cả các kỳ hạn). Đây là lần thứ 3 liên tiếp BIDV hạ lãi suất cho vay của gói tín dụng này.
Lãnh đạo BIDV cho rằng: Việc mở rộng gói vay về cả quy mô lẫn thời gian triển khai hứa hẹn sẽ giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để duy trì và tăng cường các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần đưa nền kinh tế hồi phục trở lại vào dịp cuối năm 2020.
Không chỉ doanh nghiệp muốn nắm bắt cơ hội kinh doanh mà bản thân các NHTM cũng đang chạy đua, cạnh tranh khốc liệt trong tìm kiếm khách hàng tốt. Ông Phạm Quang Thắng – Phó Tổng giám đốc Techcombank nói: “Ngân hàng chỉ thành công khi khách hàng thành công, do đó chúng tôi hỗ trợ tối đa cho khách hàng về lãi suất, phí dịch vụ và giải ngân”.
Cuối tháng 11/2020, VietinBank, Agribank, BIDV lại có thêm một đợt giảm lãi suất cho vay trong năm, bằng cách bung ra những gói vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh và DNVVN với lãi suất ưu đãi xoay quanh 4,5%/năm đối với cho vay ngắn hạn bằng VND. Nếu như Vietcombank có thế mạnh với các nhà bán lẻ hàng hóa như siêu thị, trung tâm thương mại thì VietinBank cũng đầu tư vốn rất mạnh vào các cửa hàng tiện lợi để phục vụ các sản phẩm hàng hóa thiết yếu.
Không chỉ các NHTM Nhà nước, các ngân hàng cổ phần cũng đang giảm mạnh lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng mùa cuối năm phục vụ các nhu cầu đời sống của nhân dân. Lãi suất cho vay mua ô tô của Techcombank đầu tuần này đã xuống mức 5,49%/năm trong chu kỳ đầu, mức thấp nhất trên thị trường hiện nay đối với người mua xe mới.
Thời điểm cuối năm, thị trường bất động sản được kỳ vọng sẽ khởi sắc trở lại sau thời gian ảm đạm vì ảnh hưởng của dịch COVID-19. Song hành với các chủ đầu tư triển khai hàng loạt các chương trình ưu đãi, khuyến mãi để kích cầu thì nhiều ngân hàng cũng vào cuộc giảm lãi suất.
Phía Techcombank đã tung ra 2 gói ưu đãi lãi suất lớn cho các khoản vay mua nhà (khách hàng cá nhân). Theo đó, Mức lãi suất cho gói cố định 12 tháng đầu tiên cũng chỉ từ 7,59%/năm (giảm so với mức 8,29% của tháng 11); kỳ hạn 24 tháng cũng chỉ ở mức khoảng 8,6%/năm, giúp khách hàng yên tâm mức lãi suất trong vòng tối đa 2 năm kể từ ngày vay vốn không bị biến động, làm ảnh hưởng đến kế hoạch chi tiêu và chất lượng cuộc sống.
Hàng loạt ngân hàng khác như Shinhan Bank, TPBank, Hong Leong Bank, HSBC… cũng giảm lãi suất cho vay mua nhà. Cụ thể, Shinhan Bank giảm lãi suất từ 7% xuống 6,6%/năm; TPBank giảm từ 7,5% xuống 6,9%/năm; Hong Leong Bank giảm từ 7,25% xuống còn 6,5%/năm; HSBC giảm từ 7,99% xuống 6,49%/năm.
Với kế hoạch tăng trưởng tín dụng của NHNN dự kiến từ 8-10% trong năm 2020, sẽ có khoảng 150 – 320 nghìn tỷ đồng vốn ngân hàng được bơm ra nền kinh tế vào quý IV/2020. Theo Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú, tính đến ngày 17/11, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt 8.790.536 tỷ đồng, tăng 7,26% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 là 10,28%).
MINH PHƯƠNG/ Báo Tin tức
Bạn đang đọc bài viết Tăng hạn mức tín dụng, ngân hàng tiếp tục giảm lãi ‘cứu’ doanh nghiệp
tại chuyên mục Kinh tế
Cung cấp thông tin, liên hệ đường dây nóng:
0369452904 – 0977600308.
Hoặc Email: [email protected]
[email protected]