ISSN-2815-5823
Thứ tư, 08h46 08/07/2020

Tăng tốc trong xử lý nước thải nhờ ứng dụng khoa học công nghệ

(KDPT) – Các đô thị lớn Việt Nam, đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Cùng với rác thải, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp cũng tăng lên theo cấp số nhân. Tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật xử nước thải sinh hoạt, công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu. Điều này đe dọa đến môi sinh và trở thành thách thức lớn cho các đô thị.

Thực tế, ở Việt Nam hiện nay nhiều hệ thống xử lý có công nghệ chưa phù hợp, dẫn tới tình trạng nước thải đô thị chưa qua xử lý được xả thẳng ra môi trường. Thực trạng trên đòi hỏi các cấp chính quyền cần có những biện pháp thích hợp, để hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, về xử lý nước thải, từng bước giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ môi trường nước.

Bao giờ “cung” mới đuổi kịp “cầu”?

Trong những thập kỷ gần đây, các công nghệ thu gom – xử lý nước thải đã được cộng đồng khoa học xây dựng rộng rãi. Tuy nhiên, việc triển khai quy mô lớn trong các nhà máy xử lý nước thải đô thị vẫn còn kém.

Theo “Báo cáo phát triển nước thế giới của Liên hợp quốc 2017”, các nước thu nhập cao xử lý khoảng 70% nước thải đô thị và công nghiệp mà họ tạo ra. Tỷ lệ đó giảm xuống 38% ở các nước thu nhập trung bình cao và 28% ở các nước thu nhập trung bình thấp. Ở các nước thu nhập thấp, chỉ có 8% nước thải được xử lý dưới mọi hình thức.

Sơ đồ hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tiên tiến của Haminco

Tại Việt Nam, toàn quốc có 274 khu công nghiệp đang hoạt động, trong đó có 244 khu công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 89%. 191 trên tổng số 244 khu công nghiệp có trạm quan trắc tự động, chiếm 78,3%; 276 cụm công nghiệp có báo cáo đánh giá tác động môi trường; 160 cụm công nghiệp có hệ thống tách nước mưa và nước thải; 109 cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung, đạt 15,8%; 10 cụm công nghiệp có hệ thống quan trắc tự động nước thải. Nếu tính lượng nước thải được xử lý cục bộ tại khu dân cư mới, chung cư, công nghiệp, thương mại – dịch vụ (không bao gồm nước thải từ khu công nghiệp) thì tổng lượng nước thải thu gom xử lý của toàn thành phố là 370.624m3/ngày đêm (đạt tỷ lệ khoảng 22%).

Nhưng có một hiện thực, đến đầu năm 2020, cả nước có 43 nhà máy xử lý nước thải đô thị, tập trung đi vào vận hành với tổng công suất thiết kế trên 926.000 m3/ngày đêm. Tuy nhiên, tỷ lệ nước thải được thu gom và xử lý chỉ đạt khoảng 13%.

Cụ thể tại Hà Nội, có khoảng 5.735,44 km cống rãnh; 254,2 km mương, sông, kênh; 40.407 ga thu; 110.025 ga thăm các loại; 125 hồ điều hòa; 10 trạm bơm thoát nước mưa chính. Các nhà máy xử lý nước thải này chỉ xử lý được 22% số lượng nước thải ra hằng ngày, còn tới 78% vẫn đang được xả thẳng ra môi trường.

Theo Tổng cục Môi trường (VEA), nước thải công nghiệp chứa nhiều chất ô nhiễm, xả thải ra môi trường khi chưa được xử lý không chỉ gây ô nhiễm môi trường nước sông, nước ngầm, ô nhiễm đất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Hầu hết, các doanh nghiệp sản xuất trong ngành công nghiệp khai thác, công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, chế biến thuốc lá, sản phẩm dệt, may mặc, da và giả da… đều sử dụng hóa chất. Nhưng còn nhiều nơi chưa quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn chất thải, gây nên rò rỉ các hóa chất độc hại ra môi trường, làm ô nhiễm nguồn nước.

Nhiều khu, cụm công nghiệp chưa có trạm quan trắc tự động, nên việc quản lý chất lượng nước thải vẫn hạn chế. Ở nhiều nơi, nước thải công nghiệp vẫn là nguồn gây ô nhiễm chính tại các dòng sông. Đánh giá hoạt động quản lý nước thải đô thị ở Việt Nam, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết, mặc dù 60% hộ gia đình Việt Nam đấu nối xả nước thải vào hệ thống thoát nước công cộng, nhưng hầu hết nước thải được xả thẳng ra hệ thống tiêu thoát nước bề mặt. Chỉ có 10% lượng nước thải được xử lý. Điều này chủ yếu có thể được giải thích bởi các lý do kỹ thuật và phi kỹ thuật khác nhau. Bên cạnh các giải pháp xử lý nước thải tại Việt Nam vẫn chưa được nâng cao, thì việc tuân thủ quy định của các doanh nghiệp còn mang tính hình thức. Việc vận hành các hệ thống xử lý nước thải tập trung vẫn mang tính đối phó và chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, theo đánh giá của World Bank, khả năng thu hồi chi phí đầu tư xây dựng, chi phí vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải tại nước ta nói chung còn thấp. Trong những năm tới, Việt Nam có nhu cầu vốn đầu tư rất cao, dự kiến cần tới 8,3 tỷ Đô la Mỹ để cung cấp dịch vụ thoát nước cho khoảng 36 triệu dân đô thị vào năm 2025.

“Một lần ngại tốn, bốn lần chẳng xong”

Tổng lượng nước thải hiện nay tại Việt Nam khoảng hơn 6 triệu m3/ngđ. Trong đó, nước thải sinh hoạt khoảng 4 triệu m3/ngđ, chiếm 65% lượng nước thải của đô thị. Theo ước tính, với suất vốn đầu tư trung bình 30.000.000 đ/m3/ngđ, thì tổng kinh phí đầu tư để xây dựng các nhà máy xử lý nước thải cho 900 đô thị sẽ là 8,7 tỷ USD và kinh phí vận hành, bảo dưỡng hàng năm cho các nhà máy xử lý nước thải đô thị là 5.500 tỷ đồng. Trường hợp đô thị chưa có nhà máy xử lý nước thải tập trung, các cơ sở sản xuất dịch vụ, công trình công cộng phải đầu tư một lượng kinh phí lớn để xây dựng và vận hành các công trình xử lý nước thải cục bộ. Ngoài ra, từng đơn vị xả thải còn phải tuân thủ các thủ tục hành chính về cấp phép xả thải. Đây là sự lãng phí lớn về tài chính, thời gian cũng như nhân lực không chỉ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dịch vụ, mà còn cho cả xã hội và nhà nước.

Cận cảnh hệ thống xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học kỵ khí – hiếu khí của Haminco với công suất 40-50 m3/ngày đêm.

Về mức phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp, Nghị định 53/2020/NĐ-CP quy định: Cơ sở có tổng lượng nước thải trung bình trong năm dưới 20 m3/ngày (24 giờ), áp dụng phí cố định tính theo khối lượng nước thải (không áp dụng mức phí biến đổi) là 1.500.000 đồng/năm.

Mặt khác, chi phí xử lý nước thải bình quân hiện nay từ 4.000 – 15.000đ/m3 với những doanh nghiệp có lượng xả thải lớn thì hàng tháng chi phí xử lý nước thải cũng là một khoản đáng kể. Chính vì chi phí lớn nên một số doanh nghiệp xả thải không qua xử lý để tiết kiệm chi phí, gây ô nhiễm trầm trọng tới môi trường sống của người dân, cây trồng, vật nuôi,…

Rõ ràng, việc đầu tư cũng như quản lý hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị ở Việt Nam hiện nay đang đối mặt với rất nhiều thách thức. Từ chính sách pháp luật, nguồn vốn, công nghệ cho tới ý thức tự nguyện của người dân, đòi hỏi ngành môi trường phải có những hướng đi thích hợp. Trong đó, đổi mới công nghệ, cải tiến giải pháp quản lý là những điểm chính yếu để từng bước xử lý nước thải, chống ô nhiễm, mang lại giá trị về kinh tế.

Đáp ứng gần như đầy đủ các tiêu chuẩn trong các giải pháp xử lý nước thải, công ty TNHH công nghệ môi trường và PCCC Haminco đã áp dụng công nghệ trong xử lý nước thải, bằng các phương pháp sinh học và hoá lý như: sinh học hiếu khí, sinh học kỵ khí; các biện pháp hoá lý trong xử lý nước thải sản xuất hóa mỹ phẩm, tóc giả, hay nước thải xi mạ,… Các quá trình này có tác dụng giảm thiểu tối đa hàm lượng độc hại thải ra môi trường để hạn chế sự ô nhiễm, thậm chí có thể tái sử dụng lại.

Ví dụ xử lý nước thải bằng phương pháp sinh học kỵ khí – hiếu khí thực chất là quá trình phân hủy chất hữu cơ BOD, amoni, Nitơ, photpho bằng vi sinh vật kỵ khí – hiếu khí, để có thể xử lý triệt để các thành phần ô nhiễm có trong nước thải. Hay công nghệ hoá lý đối với nước thải xi mạ, tạo thành chất không độc với môi trường.

Ông Cao Quang Hà – CEO của Haminco cho biết: “Hiểu rõ tầm quan trọng của nguồn nước đối với sức khoẻ và hiện trạng ô nhiễm môi trường nước hiện nay, chúng tôi đã nghiên cứu, đánh giá các công nghệ xử lý nước thải đã và đang áp dụng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Nhằm lựa chọn công nghệ và xây dựng một hệ thống xử lý nước thải phù hợp với lưu lượng, tính chất của nước thải và các quy chuẩn xả thải tại Việt Nam. Nhận thức được trách nhiệm và lợi ích trong kinh doanh, Haminco cam kết cung cấp sản phẩm và dich vụ tốt nhất, góp phần nâng cao sức khoẻ mọi người và cộng đồng.”

Ông Cao Quang Hà – CEO của Haminco chia sẻ với phóng viên KDPT

Năm 2020, VEA đã triển khai các biện pháp kiểm soát chặt chẽ về môi trường đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; rà soát yêu cầu chủ đầu tư các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; xây dựng, vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung, đảm bảo tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường ít nhất 90%. Yêu cầu các đối tượng có quy mô xả thải lớn, lưu lượng từ 1.000m3/ngày đêm lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khi thải tự động liên tục, truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật, phục vụ việc theo dõi, giám sát nguồn thải.

Như vậy, để hạn chế sự ảnh hưởng nghiệm trọng của lượng nước thải lớn hàng ngày ở các đô thị, cần ứng dụng những công nghệ xử lý nước thải tiên tiến, thay thế cho các phương pháp xử lý nước thải truyền thống trước đây. Vấn đề cần ưu tiên là việc xác định các nguồn thải trọng điểm để kiểm soát chặt chẽ và có những biện pháp xử lý phù hợp. Bởi vì, làm chủ được vấn đề gom, xử lý, tái sử dụng nước thải chính là những bước đầu tư chiến lược, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững nhất.

MINH HẠ



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024