Chế biến chanh leo tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. (Ảnh HẢI HIẾU)
Chế biến chanh leo tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao. (Ảnh HẢI HIẾU)

Thị trường quan trọng của nông sản Việt

Với hơn 1,4 tỷ dân, mức thu nhập ngày càng được nâng cao, thị trường Trung Quốc trở nên rất tiềm năng với mặt hàng trái cây của Việt Nam.

Dư địa cho mặt hàng rau quả ở thị trường Trung Quốc còn rất lớn, vì mỗi năm nước này nhập khẩu hơn 15 tỷ USD mặt hàng rau quả. Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam đạt 44,9 tỷ USD, trong đó riêng thị trường Trung Quốc đạt 8,3 tỷ USD, chiếm 18,5% thị phần. Với kết quả này, Trung Quốc vẫn là thị trường tiêu thụ lớn thứ hai của nông lâm thủy sản Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ - thị trường lớn nhất (trên 11,4 tỷ USD).

Rau quả nhiệt đới là mặt hàng Trung Quốc cần rất nhiều (kim ngạch nhập khẩu hơn 1 tỷ USD), nhất là các khu vực miền Tây. Ngoài ra, các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam và phía bạn đang rất cần nhập khẩu là hạt điều, gạo (người tiêu dùng cần gạo thơm, đặc sản), cà phê và chè (chè dây, chè đắng…), sắn lát và sắn bột, dây cáp điện…

Trước đây, do đặc thù về vị trí địa lý nên hình thức buôn bán biên mậu rất phát triển và sôi động. Nay, với chính sách thuế quan thay đổi, hình thức buôn bán này không còn phù hợp nên các doanh nghiệp phải thực hiện việc buôn bán chính ngạch với phía bạn. Đây là điều mà các chuyên gia về thương mại của cả hai quốc gia liên tục khuyến cáo các doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu hàng vào Trung Quốc. Nếu không tìm hiểu kỹ về chính sách buôn bán chính ngạch của Trung Quốc thì khi đưa hàng vào thị trường này, các doanh nghiệp Việt Nam khó có thể đứng vững và cạnh tranh với những đối thủ chuyên nghiệp. Thực hiện những điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp vào thị trường không bị bỡ ngỡ và có thể “bắt rễ” được lâu dài.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản sang Trung Quốc có lợi thế không chỉ nhờ cự ly gần, đỡ tốn chi phí vận chuyển mà còn nhờ thuế suất thấp. Thực hiện cam kết trong Hiệp định Thương mại tự do ASEAN - Trung Quốc, đến nay Trung Quốc đã giảm thuế cho hơn 8.000 mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam, trong đó có nông sản, trái cây tươi, mở ra nhiều cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận thị trường rộng lớn này.

Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản thì “Trung Quốc đang có sự thay đổi rất lớn trong hệ thống giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm nhập khẩu. Họ chuyển sang hình thức kiểm soát sản phẩm cuối cùng và giám sát toàn bộ hệ thống. Do vậy, những doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu cần hoàn thiện hệ thống từ hồ sơ đến quy trình sản xuất, giám sát các nguy cơ. Nếu như không đáp ứng được yêu cầu đó, doanh nghiệp có nguy cơ mất mã số hay không được phép xuất khẩu là tất nhiên”, ông Hòa chỉ rõ.

Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư quy định các điều kiện cụ thể để xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký nghị định thư quy định các điều kiện cụ thể để xuất khẩu sầu riêng Việt Nam vào thị trường Trung Quốc.

Nắm bắt cơ hội

Mới đây trong khuôn khổ chuyến thăm của Tống Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc, Nghị định thư kiểm dịch quả chuối tươi xuất khẩu từ Việt Nam đã được ký kết.

Chuối Việt Nam hiện chiếm 43% tổng sản lượng chuối nhập vào Trung Quốc và đang gia tăng mạnh. Thống kê từ Tổng cục Hải quan cho thấy 8 tháng đầu năm sản lượng chuối xuất sang thị trường này tăng 28% so với cùng kỳ. Nghị định thư vừa công bố ngày 1/11 vừa qua là sự tích hợp các quy định được bổ sung trong suốt hơn 10 năm qua vào một văn bản thống nhất. Điều này sẽ giúp nhà vườn, doanh nghiệp nắm bắt các tiêu chuẩn, quy định một cách rõ ràng, minh bạch.

Mới nhất, ngày 10/11 vừa qua, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký nghị định thư xuất khẩu khoai lang, tổ yến Việt Nam sang Trung Quốc. Đây là sản phẩm nông sản thứ 12, 13 xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc sau các sản phẩm như: thanh long, nhãn, chôm chôm… Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả của Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc trong những tháng cuối năm với kim ngạch bình quân khoảng 250 - 260 triệu USD/tháng và dự báo năm 2023 sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả.

Nhiều loại nông sản được mở cửa vào thị trường Trung Quốc thời gian qua chính là cơ sở để Hiệp hội rau quả Việt nam đưa ra dự báo trên. Sự sôi động của ngành hàng sầu riêng thời gian qua thấy rõ nhận định trên hoàn toàn có cơ sở.

Ngay sau chuyến sầu riêng đầu tiên xuất khẩu sang Trung Quốc, giá sầu riêng trong nước liên tục tăng mạnh, có thời điểm giá thu mua tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Thêm một tin vui nữa cho nông sản Việt Nam đó là Trung Quốc cũng đã mở lại nhiều cửa khẩu giao thương với nước ta, điều này sẽ giúp tăng lượng hàng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường tỷ dân.

Việc Trung Quốc mở cửa cho nông sản Việt Nam, không chỉ thúc đẩy sản lượng nông sản vào Trung Quốc tăng, mà còn giúp ngành nông nghiệp đẩy nhanh hơn quá trình hình thành các nhóm ngành hàng hoá mang tính chuyên nghiệp. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang đẩy nhanh xây dựng mã vùng trồng, mã cơ sở chế biến đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu và sản xuất theo tín hiệu thị trường, tạo ra chỗ đứng của nông sản Việt trên thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, các doanh nghiệp xuất khẩu, nhà vườn cũng nên chủ động nắm bắt thời cơ, tìm hiểu kỹ các quy định của nước bạn để nông sản Việt có thể vững bước vươn lên tầm cao mới.