ISSN-2815-5823
Văn Long – Hữu Thắng
Thứ sáu, 22h45 14/04/2023

Thăng trầm nghề mộc Hoằng Đạt

(KDPT) - Xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa là nơi có nghề mộc truyền thống với khoảng 200 hộ làm nghề. Thời hưng thịnh nghề mộc trong xã thu hút và tạo công ăn việc làm cho hơn 1000 lao động. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế, dịch Covid-9 và việc người dân sử dụng các vật liệu khác thay cho đồ gỗ trong xây dựng nhà cửa như nhôm hệ, kính cường lực… nên nghề mộc trong xã đang gặp nhiều khó khăn. Nhiều cơ sở mộc đã ngừng hoạt động chuyển sang nghề khác. Đặc biệt hầu hết con em trong các gia đình làm mộc đều không muốn thừa kế nghề truyền thống của cha ông, mà muốn tìm một công việc khác có thu nhập tốt hơn.
Căn nhà gỗ của ông Nguyễn Ngọc Khanh

Theo sự giới thiệu của người dân chúng tôi tìm đến cơ sở sản xuất đồ gỗ Châu Khanh, do ông Nguyễn Ngọc Khanh ở thôn Hạ Vũ 1, xã Hoằng Đạt làm chủ. Đây là cơ sở làm mộc lớn nhất của xã Hoằng Đạt. Trong sự ồn ào của tiếng máy cưa, máy xẻ, máy bào gỗ, ông Khanh cho biết: Để có cơ ngơi xưởng phát triển như ngày hôm nay, bản thân và gia đình cũng cố gắng rất nhiều. Tính đến nay Ông cũng đã gắn bó với nghề mộc gần 45 năm.

Gia đình ông nhiều đời làm nghề mộc. Qua học hỏi, trau dồi, tích lũy kinh nghiệm bản thân và ý chí muốn xây dựng một khu xưởng do chính mình làm chủ, năm 1982 sau khi nghỉ chế độ tại HTX Cơ khí huyện Hoằng Hóa, ông quyết định theo đuổi nghề mộc tại thôn Hạ Vũ, Với bản tính ham làm, ham học hỏi từ một xưởng nhỏ mở tại nhà đến năm 2019 ông quyết định mở xưởng lớn. Ông thuê đất 50 năm, mở xưởng rộng hơn 2000m2, số vốn đầu tư ban đầu khoảng 5 tỉ đồng (Toàn bộ số tiền trên một phần ông vay vốn ngân hàng và phần còn lại huy động từ anh em, bạn bè và các cộng sự của ông).

Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Tuy khó khăn về vốn huy động, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm, song với bản tính không sợ khó cộng với niềm đam mê về đồ mộc, cộng với kinh nghiệm và khéo léo trong tìm kiếm thị trường, các sản phẩm gỗ của cơ sở ông Khanh làm ra đều tinh xảo, đẹp và được nhiều người quanh vùng tin tưởng, đặt làm.

Ban đầu, xưởng nhận làm những đơn hàng nhỏ, chủ yếu là các sản phẩm đồ thờ, bàn, ghế, giường… sau này chuyển sang làm sàn nhà, trần nhà, khung ngoại, cửa, la phông,... Dần dà, sản phẩm của xưởng được người này giời thiệu người kia đến tìm đặt làm, do có chất lượng kỹ, mỹ thuật tốt nên ngày càng được thị trường trong và ngoài xã ưa chuộng,… Chỉ hai năm 2019 – 2020, xưởng sản xuất của ông đã tạo việc làm cho gần 20 lao động bao gồm lao động kỹ thuật và lao động thời vụ, doanh thu hằng năm trừ chi phí ông thu về hằng năm gần 1 tỷ đồng/ năm.

Tuy nhiên niềm vui của người làm nghề mộc củng chỉ được vẻn vẹn vài năm. Nét mặt đăm chiêu, ông thở dài tâm sự: “Trái ngược với không khí nhộn nhịp của kẻ mua, người bán của những năm trước kia, trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 là một khung cảnh trầm lắng, ít tiếng cười và ít cả những tiếng lách cách vốn quen thuộc của một làng nghề. Ông không giấu được sự sốt ruột trước cảnh tiêu điều của làng nghề... Thực tế ngay tại cơ sở của tôi hiện chỉ sử dụng có 5 -7 lao động".

Để tạo việc làm cho những người thợ của mình và duy trì nghề truyền thông ông Khanh đã mạnh dạn tìm hướng đi mới. Ông đã nghiên cứu cách làm nhà gỗ và nhận các đơn đặt hàng xây dựng nhà gỗ. Từ năm 2022 tới nay ông đã làm được một số căn nhà gỗ rất đẹp cho khách hàng và cho chính gia đình ông. Như để chúng tôi tin ông mời chúng tôi đến căn nhà gỗ ở xã Hoằng Đạt cách xưởng sản xuất gần 1 km. Căn nhà mới được làm hoàn toàn bằng gỗ lim nhập ngoại, với các bộ phận được điêu khắc công phu, tinh xảo. Ông Khanh cho biết: Căn nhà này ông làm cuối năm 2022 với giá trị là 1,7 tỷ đồng. Hiện nay ông đang tìm các đơn hàng của khách ở trong tỉnh và cả ở tỉnh ngoài, các tỉnh phía Nam.

Một hô làm nghề mộc ở Hoằng Đạt

Lý giải cho những khó khăn của mặt hàng truyền thống, chúng tôi đến Công Sở xã Hoằng Đạt và được bà Lê Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: Làng nghề sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ Hạ Vũ, xã Hoằng Đạt vốn nổi tiếng với những người thợ có tay nghề cao và có nhiều cơ sở sản xuất quy mô lớn. Làng nghề hiện có hơn 200 hộ mở xưởng sản xuất kinh doanh đồ gỗ; trong đó, có những hộ đã đầu tư vốn lớn để mua máy đục điêu khắc mỹ thuật công nghệ cao với giá trị từ 500 triệu đồng đến hàng tủ đồng tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Ngọc Châu, Đặng Thế Hoạt, Lê Văn Trường... Ngoài ra, một số con em làng nghề mộc Đạt Tài còn đem nghề mộc lập công ty, mở xưởng ở nhiều tỉnh, thành phố trong nước, với quy mô sản xuất lớn, sản xuất hàng mộc xuất khẩu và đáp ứng tiêu dùng trong cả nước. Mỗi cơ sở tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động với thu nhập bình quân từ 7 đến 10 triệu đồng/người/tháng. Doanh thu từ nghề mộc trung bình một năm khoảng 60 tỷ đồng. Hai năm nay do suy thoái các cơ sở mộc trong xã chủ yếu chỉ do lao động trong gia đình tự làm với thu nhập từ 6 -7 triệu đồng/lao động/tháng

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, nghề mộc Hoằng Đạt còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục, như: Giá trị hàng hoá thấp, sức cạnh tranh chưa cao do phần lớn các sản phẩm chưa xây dựng được thương hiệu; năng lực quản lý, công nghệ, thiết bị lạc hậu nên hiệu quả sản xuất. Sự kết hợp giữa kinh nghiệm với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất còn hạn chế. Doanh thu của nhiều cơ sở sản xuất trong làng nghề chưa cao. Bên cạnh đó, đội ngũ thợ lành nghề đang có xu hướng mai một. Thế hệ con em lớn lên không muốn làm nghề mộc mà đi tìm công việc khác nên không có sự kế thừa. Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường làng nghề ngày càng nghiêm trọng, nhất là công đoạn, đánh ráp và phun sơn.. ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững kinh tế và đời sống cộng đồng.

Tại con đường chính vào làng nghề mộc Hạ Vũ 1 có đến hơn 20 hộ làm mộc ở san sát nhau. Do diện tích nhà chập nhiều hộ mang dụng cụ, cưa đục và gỗ ra phía trước hiên nhà để làm. Nhiều hộ bày, xếp sản phẩm, đồ dùng chồng chận lên nhau trong không gian chật hẹp. Chính việc không tuân thủ các quy tắc về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, phòng chống ô nhiễm môi trường, phòng, chống cháy, nổ của nhiều chủ cơ sở và người lao động là trở ngại lớn cho việc nâng cao năng lực, giá trị cho các sản phẩm làng nghề truyền thống. Bà Lê Thị Hoa, Bí thư Đảng ủy xã cũng thừa nhận: Việc ô nhiễm môi trường ở làng nghề mộc là có thật. Việc này đã có nhiều cử tri có ý kiến trong các đợt tiếp xúc với đại biểu HĐND xã, huyện. Tuy nhiên do đây là nghề sinh nhai của người dân nên xã cũng chưa có phương án nào để giải quyết hiệu quả tình trang ô nhiễm môi trường tại đây.

Đường làng nghề gỗ truyền thống Hạ Vũ 1 (xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa).

Để nâng cao năng lực, sức cạnh tranh cho sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ truyền thống xã Hoằng Đạt, thiết nghĩ ngoài sự quan tâm của các cấp, các nghành, chính quyền địa phương thì bản thân các cơ sở không ngừng cải tiến mẫu mã, tạo ra nhiều sản phẩm mới, độc đáo. Cần đẩy mạnh việc đăng ký thương hiệu để giữ bản quyền đối với một số sản phẩm tiêu biểu. Nhất là coi trọng nâng cao trình độ của người lao động, thực hiện các biện pháp bồi dưỡng, nâng cao tay nghề, tiếp thu công nghệ mới, phát huy thế mạnh của các nghệ nhân trong việc cải tiến mẫu mã, truyền nghề cho lớp trẻ. Bên cạnh đó, phải có sự liên kết giữa các cơ sở cùng nghề, cùng làng, để hợp lực, nâng cao sức cạnh tranh của làng nghề. Từng bước tiến tới giao dịch, bán hàng trực tiếp giữa cơ sở sản xuất với cơ sở tiêu thụ để giảm bớt chi phí trung gian với giá cả công khai, minh bạch, đồng thời phát triển phương thức bán hàng trên internet, qua trang tin điện tử nhằm quảng bá thương hiệu cho cơ sở sản xuất và làng nghề ra thị trường trong nước và quốc tế.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024