Thanh Hoá: Nhiều vi phạm trong quản lý ngân sách, đầu tư xây dựng tại huyện Như Thanh
Trụ sở UBND huyện Như Thanh, tỉnh Thanh Hoá. |
Hồ sơ có được cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách, pháp luật và nhiệm vụ, quyền hạn trong quản lý ngân sách nhà nước; quản lý đầu tư xây dựng thuộc chương trình mục tiêu quốc gia tại UBND huyện Như Thanh còn bộc lộ nhiều khuyết điểm vi phạm.
Cụ thể, đối với ngân sách cấp huyện, UBND huyện Như Thanh đã lập dự toán thu chi ngân sách không sát với khả năng thực hiện, thu ngân sách nhà nước không đạt dự toán được giao (bằng 90,1% dự toán tỉnh giao và bằng 34,5% dự toán huyện giao), có 06/11 chỉ tiêu không đạt dự toán tỉnh và huyện giao. Nợ đọng thuế trên địa bàn đến 31/12/2022 còn lớn, với tổng số tiền là 16.330.202.131 đồng. Số chi chuyển nguồn ngân sách cuối năm vẫn còn nhiều do công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công còn chậm.
Bên cạnh đó, qua thanh tra công tác quản lý, chi đầu tư xây dựng một số công trình, cơ quan chức năng phát hiện, giá trị sai phạm kinh tế là 446.281.416 đồng, trong đó giá trị giảm trừ khi quyết toán là 401.763.416 đồng, giá trị thu hồi là 44.518.000 đồng.
Ngoài ra, năm 2022, UBND huyện Như Thanh đã sử dụng nguồn cải cách tiền lương để chi cho giáo viên dạy học sinh khuyết tật, trả chế độ cho cựu chiến binh thôi việc, hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, chi cho bảo trợ xã hội không đúng quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính. Kinh phí hết nhiệm vụ chi chưa hoàn trả ngân sách cấp trên với tổng tiền 5.760.982.960 đồng (ngân sách cấp huyện là 4.507.723.000 đồng; ngân sách cấp xã là 1.253.259.960 đồng).
Không chỉ ở ngân sách cấp huyện, việc quản lý, sử dụng và thanh quyết toán ngân sách tại một số cơ quan, đơn vị thuộc huyện (Văn phòng HĐND-UBND huyện Như Thanh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Như Thanh) cũng mắc nhiều khuyết điểm, vi phạm.
Cụ thể, các đơn vị nêu trên lập dự toán chưa sát, chưa thực hiện công khai việc điều chỉnh giảm hoặc bổ sung dự toán theo quy định tại Điều 4 Thông tư 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính.
Một số chứng từ chi thanh toán chưa chặt chẽ, cụ thể là, thiếu công văn, nội dung, kế hoạch làm việc; một số chứng từ mua vật tư, hàng hóa không có báo giá, không có dự trù kinh phí; chi sửa chữa vật dụng hỏng không có giấy báo hỏng; vật tư văn phòng phẩm không có phiếu nhập, xuất kho; chứng từ chi sửa chữa công trình, tài sản cố định thiếu hồ sơ khảo sát, thiết kế.
Một số chứng từ chi tổ chức lớp tập huấn chưa đúng định mức quy định tại quy chế chi tiêu nội bộ, như thù lao giảng bài, tiền ăn cho đại biểu dự khai giảng, chi hỗ trợ công tác phí cho thành viên ban quản lý lớp bồi dưỡng kiến thức.
Một số chứng từ chi thanh toán bằng tiền mặt (trên 5 triệu đồng) không đúng quy định tại khoản 6 Điều 6 Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính.
Cũng với nội dung nêu trên, qua thanh tra tại các địa phương thuộc huyện Như Thanh (các xã: Xuân Khang; Phú Nhuận; Xuân Du; Yên Lạc; Thanh Tân; Thanh Kỳ), cơ quan chức năng phát hiện, hầu hết các địa phương được kiểm tra đều lập dự toán thu, chi chưa sát; chưa thực hiện công khai việc điều chỉnh giảm hoặc bổ sung dự toán năm 2022 theo quy định tại Điều 4 Thông tư 61/2017/TT-BTC ngày 15/6/2017 của Bộ Tài chính; mức trích lập chi dự phòng chưa đảm bảo quy định khoản 1 Điều 10 Luật Ngân sách; Quy chế chi tiêu nội bộ và quản lý, sử dụng tài sản công đang viện dẫn văn bản hết hiệu lực pháp luật.
Ngoài ra, từng địa phương còn bộc lộ các khuyết điểm, vi phạm như: Nguồn kinh phí thu hút theo Nghị định 76/2019/NĐ-CP ngày 08/10/2019 của Chính phủ đã hết nhiệm vụ chi nhưng chưa hoàn trả ngân sách cấp trên; Chưa mở sổ theo dõi công nợ phải thu, phải trả trên phần mềm kế toán, một số chứng từ thiết lập chưa chặt chẽ; Không hạch toán kết dư, chuyển nguồn không đúng theo quy định; Một số chứng từ thiết lập chưa chặt chẽ, chi thanh toán bằng tiền mặt (trên 5 triệu đồng) không đúng quy định./.