“Thật thật giả giả” mô hình tiếp thị liên kết
Kiếm tiền online hay đa cấp trá hình?
Tiếp thị liên kết hay còn gọi là Affiliate Marketing, là cách kiếm tiền từ việc nhận hoa hồng khi bán sản phẩm, dịch vụ của công ty đối tác qua kênh quảng cáo, quảng bá khác nhau mà người tiếp thị kiểm soát.
Đối tượng chính tham gia mạng lưới này bao gồm Merchant (nhà cung cấp) và Affiliate Marketer (nhà tiếp thị) – người hoặc tổ chức sở hữu website, blog, social media và các kênh online marketing khác với nhiệm vụ chính là biến khách truy cập thành người mua hàng tiềm năng. Dưới vai trò là một Marketer, tất cả những gì người tham gia cần làm là lựa chọn sản phẩm và quảng bá sản phẩm đó để thu hút sự chú ý của mọi người bằng khả năng và trình độ marketing của mình chuyển đổi lượng người tiếp cận với kênh tiếp thị đó thành khách hàng thực sự cho doanh nghiệp. Bởi như một quy tắc bất di bất dịch, muốn bán được sản phẩm, doanh nghiệp phải tìm cách tiếp thị sản phẩm đó qua nhiều kênh tiếp thị cả online và offline. Đặc biệt doanh nghiệp nên chú ý đến các điểm chạm online của khách hàng trên nền tảng internet do hành trình khách hàng hiện nay diễn ra nhiều hơn trên nền tảng công nghệ.
Năm 2020, các sàn thương mại điện tử đã dần định hình, người tiêu dùng mua sắm online tăng trưởng ngoạn mục… Từ việc các sàn thương mại điện tử như Tiki, Sendo, Shopee, Lazada phát triển ngày càng mạnh mẽ, cộng thêm việc Amazon và Alibaba – những bên cũng đã đang triển khai chương trình Affiliate Marketing của riêng họ, “đổ bộ” mạnh mẽ vào Việt Nam, có thể suy ra rằng tốc độ phát triển của thương mại điện tử ở Việt Nam đang trên đà phát triển vô cùng tích cực. Chính vì vậy, những người kiếm tiền online, trong đó bao gồm các Affiliate Marketers, đang là nhóm người được hưởng lợi từ các tín hiệu tích cực này. Trong tương lai gần, chắc chắn hình thức kinh doanh này sẽ trở thành một “cái nghề” được nhiều người lựa chọn.
Affiliate Marketing là gì? Thực tế đây là một mô hình tiếp thị sản phẩm đã có từ rất lâu, tuy nhiên vẫn chưa được biết đến rộng rãi tại thị trường Việt Nam, dẫn đến một phần không nhỏ những người chưa hiểu rõ mô hình cho rằng đây là mô hình đa cấp và lừa đảo. Có thể hiểu được vì sao lại có sự nhầm lẫn như vậy. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, cộng với thói quen của người dùng khi họ luôn tìm kiếm trước thông tin sản phẩm trên internet (so sánh về giá, ưu nhược điểm, hướng dẫn…) trước khi quyết định bỏ tiền mua sản phẩm, khách hàng thường gặp phải nhiều thông tin quảng cáo từ nhiều người quảng cáo khác nhau. Nội dung quảng cáo về sản phẩm và dịch vụ từ các đối tác luôn là mối bận tâm của doanh nghiệp. Thông tin trên các trang web hoặc kênh quảng cáo này chưa được xác thực hoàn toàn, sẽ có những thứ được thổi phồng quá mức nhằm “câu khách hàng”. Điều này ảnh hưởng trực tiếp tới việc khách hàng bỏ tiền ra mua sản phẩm và chẳng may có những trải nghiệm không tốt về sản phẩm đó. Dần dần, những trường hợp này khiến tiếp thị liên kết trở thành một câu chuyện kiếm tiền khá “huyễn hoặc” đối với những người chưa thực sự hiểu nó, và đôi khi những người đi giới thiệu đó bị đánh giá là lừa đảo, mọi lỗi sai của sản phẩm đều thuộc về người giới thiệu. Người giới thiệu sản phẩm có thể là người quảng cáo tự do mà nhà cung cấp tự kết nối hoặc các Affiliate Marketer từ mạng lưới Affiliate. Để phân biệt được hai tệp người quảng bá này đối với khách hàng mua và sử dụng sản phẩm là điều không thể. Vì vậy mọi người có thể có cái nhìn sai lệch về mô hình Affiliate Marketing.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất giữa Affiliate Marketing và đa cấp chính là hình thức chi trả hoa hồng. Đúng với tên gọi, bán hàng đa cấp áp dụng chính sách chi trả hoa hồng theo nhiều tầng (hay còn gọi là mô hình kim tự tháp). Bên cạnh việc nhận được hoa hồng từ việc giới thiệu người mua sản phẩm, thành viên còn nhận được phần trăm hoa hồng từ những người mà họ tuyển dụng vào hệ thống. Thậm chí các mô hình đa cấp bị phê phán trên thị trường còn áp dụng phương pháp thổi phồng giá trị sản phẩm để đánh lừa người mua hàng. Trong khi đó đối với tiếp thị liên kết chỉ áp dụng trả hoa hồng theo một tầng duy nhất. Người tham gia sẽ chỉ nhận được hoa hồng nếu có ai đó mua hàng thông qua kênh tiếp thị đó. Họ đóng vai trò quan trọng trong chuỗi hoạt động cung ứng quảng bá tiếp thị. Đây cũng là người trực tiếp giới thiệu và cũng là bước cuối cùng để đưa sản phẩm, dịch vụ đến với khách hàng. Có thể nói, đa cấp thì vẽ ra một “bức tranh không có thật” về giá trị sản phẩm nên dễ dẫn tới lừa đảo, còn mô hình Affiliate Marketing là bán được hàng thật, với giá trị thật, và người tham gia hưởng hoa hồng trên việc đơn hàng được bán đó, một cách hoàn toàn minh bạch.
Như vậy, không thể coi Affiliate Marketing là lừa đảo, đây là mô hình hoàn toàn phù hợp với quy luật kinh tế, mang lại nhiều điểm tích cực cho thương mại, giúp cho không chỉ những gian hàng trên các sàn thương mại điện tử mà các hãng thời trang bán lẻ còn quảng cáo được sản phẩm, tăng thêm doanh số, quảng bá được tên tuổi với chi phí vừa phải và ít điều kiện ràng buộc.
Đón đầu xu hướng nhưng vẫn cần tỉnh táo
Affiliate Marketing khá mới mẻ ở Việt Nam và chỉ bắt đầu dần được chú ý tới nhiều hơn khi các mạng lưới tiếp thị Affiliate Marketing như Accesstrade, MasOffer gia nhập thị trường Việt Nam gần đây. Điểm nổi bật lớn của mô hình này là không cần sở hữu sản phẩm, không cần giao hàng, cũng chẳng cần bỏ vốn, nhưng khó khăn lại nằm ở khả năng xây dựng được chuỗi traffic (lưu lượng truy cập) để tối ưu được đúng nhóm đối tượng mua hàng và tăng tỉ lệ chuyển đổi.
Từ Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị, khi mà cuộc cách mạng 4.0 được sự đồng thuận, chung tay của toàn Đảng, toàn dân và các doanh nghiệp lớn nhỏ trong nước, thì các mô hình liên quan chuyển đổi số đã thực sự trở thành từ khoá được quan tâm hàng đầu. Theo khảo sát, việc thực hiện chuyển đổi số đã được gần 90% doanh nghiệp bắt tay vào triển khai vào mọi mặt từ bán hàng, giao nhận, hậu mãi,… Affiliate Marketing cũng không nằm ngoài sự thay đổi này, đây được coi là sự chuyển đổi từ hình thức kinh doanh offline sang kinh doanh online.
Dù không phải là một hình thức kiếm tiền nhanh, “kiếm tiền sau một đêm”, nhưng nó là phương pháp giúp nhiều bạn trẻ kiếm tiền rất bền vững. Như ý kiến của nhóm bạn trẻ đã thành công với mô hình này thì “bạn dành một năm làm việc với Affiliate Marketing để có thể kiếm tiền nhiều năm sau đó”.
Accesstrade là một trong những nền tảng tiếp thị liên kết quy mô và uy tín nhất Việt Nam. Chia sẻ về mô hình này, ông Bùi Huy Dũng – Giám đốc kinh doanh của Accesstrade Việt Nam cho biết: “Accesstrade đang đi theo lĩnh vực kinh tế nền tảng (kinh tế chia sẻ), một xu hướng tận dụng tối đa nguồn lực xã hội và tạo ra việc làm cho cá nhân. Nền kinh tế chia sẻ tại Việt Nam đang ngày càng có nhiều bước tiến mới nhờ cơ cấu dân số trẻ, tỷ lệ người tiếp cận với Internet và công nghệ luôn ở mức rất cao. Do đó tôi tin rằng đây là hướng đi rất đúng đắn trong hiện tại và cả tương lai. Và nó không chỉ đem đến lợi nhuận cho chúng tôi, các đối tác, các khách hàng mà còn đóng góp trong việc phát triển lợi ích chung của kinh tế số cả nước.”
Bên cạnh những điểm tích cực, tiếp thị liên kết cũng có thể gây ra những trở ngại cho cả bên bán và bên mua sản phẩm. Các phần mềm có thể bị can thiệp, làm giả giúp cho lượt click hoặc lượt điền biểu mẫu được thực hiện tự động, nhờ đó qua mặt bên cần quảng cáo nếu đối tác triển khai tiếp thị liên kết dó không đáng tin cậy. Việc muốn tối đa lợi nhuận nhanh chóng cũng khiến cho những người tiếp thị cố gắng tìm cách vi phạm bảo mật, theo dõi người dùng, ăn cắp dữ liệu hoặc nhồi nhét những quảng cáo phiền phức ở mọi nơi. Để giảm thiểu nguy cơ này diễn ra, các nhà cung cấp cần cẩn thận trong việc lựa chọn liên kết hợp với các đối tác tiếp thị liên kết.
Như vậy, với thói quen tìm kiếm thông tin trên mạng trước khi đưa ra quyết định mua một sản phẩm của người dùng là điều cần thiết, nhưng không phải thông tin nào trên mạng cũng phản ánh đúng giá trị của sản phẩm. Vì thế, người dùng cần biết chắt lọc nhiều nguồn thông tin khác nhau mà đừng vội tin tưởng vào các vị trí đứng đầu của các trang tìm kiếm.
MINH HẠ