Sáng 10/1/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức họp báo “Tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022”. Trong họp báo, Tổng cục Thống kê cho biết, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước.

Quang cảnh họp báo
Quang cảnh họp báo

Theo đó, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV năm 2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, lực lượng lao động ở khu vực thành thị không thay đổi nhiều, khu vực nông thôn tăng khoảng 0,3 triệu người, lực lượng lao động nam và nữ đều tăng hơn 0,1 triệu người. So với cùng kỳ năm trước, lực lượng lao động tăng ở khu vực thành thị (tăng 0,5 triệu người) và khu vực nông thôn (tăng gần 1 triệu người).

Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động quý IV năm 2022 là 68,9% tăng 0,2 điểm phần trăm so với quý trước và tăng 1,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ là 62,7% thấp hơn 12,8 điểm phần trăm so với nam (75,4%). Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động khu vực thành thị là 66,4%, trong khi đó tỷ lệ này ở nông thôn là 70,4%. Xem xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở khu vực thành thị thấp hơn khu vực nông thôn ở các nhóm tuổi rất trẻ và nhóm tuổi già, trong đó chênh lệch nhiều nhất được ghi nhận ở nhóm 55 tuổi trở lên (thành thị là 32,7%, nông thôn là 46,7%) và nhóm từ 15-24 tuổi (thành thị là 34,8%, nông thôn là 44,1%). Điều này cho thấy, người dân tại khu vực nông thôn gia nhập thị trường lao động sớm hơn và rời bỏ thị trường muộn hơn khá nhiều so với khu vực thành thị, đây là đặc điểm điển hình của thị trường lao động với cơ cấu lao động tham gia ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao. Với tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ quý IV năm 2022 là 26,4%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với quý trước và hơn 0,3 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.

Về số người có việc làm, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV năm 2022 là 51,0 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2,0 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người, tương đương với quý trước và tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 247,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Cũng theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý IV/2022 là 6,8 triệu đồng, tăng 95 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,5 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,8 triệu đồng, tăng 105 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,6 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,8 triệu đồng, tăng 83 nghìn đồng so với quý trước và tăng 1,4 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước.

Về tình hình thất nghiệp, trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý IV có xu hướng tăng lên so với quý trước. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước và giảm 520 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên 15-24 tuổi quý IV năm 2022 là 7,70%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,78%, cao hơn 4,67 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Tính chung cả năm, thị trường lao động Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập của người lao động đều tăng lên; tỷ lệ thất nghiệp, tỷ lệ thiếu việc làm và tỷ lệ lao động phi chính thức đều có xu hướng giảm. Điều này cho thấy dưới sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ và cả hệ thống chính trị nhằm phục hồi kinh tế, hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nền kinh tế Việt Nam nói chung và thị trường lao động nói riêng năm 2022 đang từng bước phục hồi.