ISSN-2815-5823
Thứ tư, 02h59 10/11/2021

Thiếu nguồn cung, giá lương thực thế giới tăng 30%

(KDPT) – Chỉ số giá lương thực thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn một thập kỷ qua, do nhu cầu mạnh mẽ và mùa vụ kém, theo báo cáo của Liên Hợp quốc. Trong đó, tháng 10, giá lương thực đã tăng 3% so với tháng 9. Mức tăng là do giá dầu thực vật và lúa mì tăng mạnh.

Theo đó, chỉ số giá lương thực do Tổ chức Nông lương Liên Hợp quốc (FAO) vừa công bố cho biết, đã tăng ở tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 10 vừa qua, tăng 3% so với tháng 9. Mức tăng này được thúc đẩy bởi giá dầu thực vật và lúa mì tăng mạnh.

Chỉ số giá thực phẩm của FAO theo dõi cũng cho thấy những thay đổi hàng tháng trên một loạt các mặt hàng thực phẩm. Cụ thể là chỉ số này đã tăng hơn 30% trong năm qua và hiện đang ở mức cao nhất kể từ tháng 7 năm 2011.

Giá lúa mì, loại lương thực được trồng nhiều hơn bất kỳ loại cây trồng thương mại nào khác trên thế giới, đã tăng 5% trong tháng 10 do thu hoạch giảm từ các nhà xuất khẩu lớn bao gồm Canada, Nga và Mỹ. Trong khi đó, giá lúa mạch, gạo và ngô cũng tăng.

Giá dầu cọ, đậu nành, hướng dương và hạt cải dầu cũng được FAO đánh giá tăng 9,6%. Riêng giá dầu cọ tăng vọt vì lo ngại về sản lượng giảm mạnh ở Malaysia do tình trang khủng hoảng thiếu lao động.

Ngoài ra, FAO cho biết nhu cầu toàn cầu đối với một loạt các sản phẩm như sữa bột, thịt gia cầm, dầu thực vật và lúa mạch hiện đang đứng ở mức cao.

Tình trạng thiếu lao động do đại dịch Covid đã làm giảm khả năng sẵn có của công nhân để trồng trọt, thu hoạch, chế biến và phân phối thực phẩm, một nguyên nhân phổ biến khác khiến giá hàng hóa tăng. Giá lương thực thực tế bình quân đã tăng kể từ năm 2000, đảo ngược xu hướng giảm đều đặn từ đầu những năm 1960. Bất chấp những nỗ lực toàn cầu – phần nào đã đáp ứng các mục tiêu của cả Phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc và các mục tiêu phát triển bền vững tiếp theo nhằm giảm nạn đói – giá cả đã khiến lương thực ngày càng ít được tiếp cận hơn.

Hiện nhiều siêu thị ở một số nền kinh tế lớn đã phải vật lộn để giữ cho các kệ hàng không bị bỏ trống trong thời kỳ đại dịch. Tại Vương quốc Anh, nơi tình trạng thiếu công nhân ngày càng trầm trọng do vấn đề Brexit, các chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh đã buộc phải loại bỏ các món phổ biến trong thực đơn vì tình trạng khan hiếm.

QUANG ĐỨC

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024