ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ bảy, 11h17 16/09/2023

"Thiếu tiền chữa cũng khó, thừa tiền chữa càng khó hơn"

(KDPT) - Một lần nữa, Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhắc lại câu chuyện "thừa tiền". Ông chia sẻ "chữa bệnh thiếu tiền đã khó, chữa bệnh thừa tiền lại càng khó hơn".

Hội nghị đẩy mạnh tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp lĩnh vực lúa gạo, thủy sản Đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra ngày 15/9. Hội nghị do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì.

Phó thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú nhắc lại câu chuyện "ngân hàng thừa tiền". Ông cho biết, ngân hàng vẫn là lĩnh vực chủ yếu cung ứng vốn cho nền kinh tế. Dư nợ tín dụng hiện tại là khoảng 12,6 triệu tỷ đồng, mỗi năm tăng thêm trên 1 triệu tỷ đồng.

Một lần nữa, lãnh đạo NHNN cho biết điều hành chính sách tiền tệ chưa bao giờ khó khăn như hiện nay, trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương các nước vẫn tăng lãi suất.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú: NHNN sẽ đảm bảo quyền lợi người gửi tiền tại SCB
Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú

"Hôm qua ECB vẫn tăng, cho vay ra với lãi suất 4,5%/năm trong khi trước đây 1-2%/năm là cao lắm rồi. Mỹ cũng vậy, Fed mới chỉ tạm dừng tăng lãi suất... Nên điều hành chính sách tiền tệ của NHNN rất khó nhưng vẫn phải giảm lãi suất 4 lần, tạo điều kiện ngân hàng thương mại giảm lãi suất", lãnh đạo NHNN bày tỏ.

Cách đây khoảng 1 tuần, NHNN có văn bản gửi lãnh đạo các địa phương yêu cầu có trách nhiệm đẩy mạnh tín dụng bằng giải quyết vướng mắc từ 2 phía. Từ phía doanh nghiệp là tăng khả năng hấp thụ vốn hơn nữa.

"Ngân hàng lên gặp doanh nghiệp mà doanh nghiệp lại cứ xua tay không cần vốn, không vay thì làm thế nào tháo gỡ cho doanh nghiệp, doanh nghiệp tiêu thụ được hàng hóa hay không tiêu thụ được nhưng cần có lộ trình cách thức để tạm trữ, làm sao vẫn tiêu thụ được thời gian tới…", ông nói.

Ngoài ra, cần hỗ trợ về cơ chế với các dự án, công trình, nhất là bất động sản. "Làm sao tháo gỡ khó khăn về pháp lý để triển khai. Nhiều dự án ngân hàng sẵn sàng chờ giải ngân nhưng vướng pháp lý nên không triển khai được, doanh nghiệp cũng không triển khai dự án", lãnh đạo NHNN chia sẻ thẳng thắn.

Bên cạnh đó, có những lĩnh vực cần bàn tay của Chính phủ, các cấp như việc giải quyết vấn đề thị trường, xúc tiến đầu tư thông qua đối thoại hợp tác, khai thông… Song song đó, cần phát động các phong trào kích cầu tiêu dùng trong nước, giải quyết thị trường nội địa cả trăm triệu dân.

Tại hội nghị, lãnh đạo NHNN cũng nói về câu chuyện đồng hành khi nhắc lại tháng 11/2022 tại Cần Thơ cũng có hội nghị khu vực bàn vấn đề lương thực, lúa gạo, làm sao hỗ trợ tín dụng lương thực được tốt hơn.

Ông khẳng định tín dụng với khu vực ĐBSCL luôn được xác định là quan trọng vì xuất khẩu lúa gạo, thủy hải sản, tôm cá, trái cây… là nguồn thu ngoại tệ lớn của khu vực này và cả nước. Ngân hàng cũng xác định đây là vùng quan trọng.

Dù thế, tình hình kinh tế khu vực và Việt Nam vẫn có những khó khăn. Bên cạnh đó là vấn đề tăng trưởng tín dụng, đến 31/8 mới đạt 5,56%, đạt hơn một nửa so với tháng 8 năm ngoái.

"Chưa ai đánh giá thời điểm nào khó khăn tác động đến nền kinh tế, khó khăn nội tại của chúng ta được giải quyết", ông nói. Chúng ta vừa phải đối phó khó khăn đã đến và luôn sẵn sàng đối phó khó khăn sẵn đến", ông cho hay.

Tại sự kiện, lãnh đạo NHNN cũng dẫn ví dụ về một doanh nghiệp thủy sản lớn là Tập đoàn Minh Phú, để minh chứng cho việc doanh nghiệp hiện khó trong tiêu thụ sản phẩm, xuất khẩu, đơn hàng, tiêu thụ trong nước vì nhu cầu tiêu dùng cả thế giới gần như giảm.

"Minh Phú có dự sự kiện không? Minh Phú là tập đoàn tôm lớn có hai mươi mấy cơ sở sản xuất kinh doanh, có lúc rất phát triển làm ăn tốt nhưng khó khăn, xuất sang nước bạn mà bên đó cũng không tiêu thụ được, không hủy hợp đồng nhưng nhờ doanh nghiệp "bảo quản hộ", phụ thuộc nhiều. Khó khăn đó là khó khăn những năm trước đã có, hiện tại vẫn đang diễn ra. Doanh nghiệp mà khó khăn thì ngân hàng cũng khó khăn", ông nói.

Chuyển tiền từ 500 triệu đồng trở lên phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước

Ngân hàng đang 'đau đầu' vì thừa tiền. Ảnh minh họa.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, hiện nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện vay vốn ngân hàng do không có tài sản bảo đảm, thế chấp. Đồng thời, nhiều doanh nghiệp thời gian qua cũng không có nhu cầu vay vốn do không có đơn đặt hàng, việc kinh doanh trầm lắng. Đối với một số doanh nghiệp có nhu cầu vay và đủ điều kiện vay thì mức lãi suất hiện tại vẫn còn cao, gây tâm lý e ngại. Dẫn đến câu chuyện ngân hàng huy động được nhiều vốn nhưng lại "ế" tiền, không thể cho vay.

Ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam đề xuất: "Doanh nghiệp cần cải thiện được vốn chủ sở hữu, cần phải tăng lên và có giải pháp chính sách dành riêng cho các khoản vay của doanh nghiệp nhỏ và vừa; phải khác với các khoản vay thông thường để cho các điều kiện vay và các khoản đối ứng của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ giảm hơn so với các doanh nghiệp có tiềm lực, vốn điều lệ tốt".

TS. Trần Đình Thiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nêu ý kiến: "Cần có giải pháp, cách tiếp cận khác thì mới gỡ được vấn đề. Tôi mong NHNN, hệ thống ngân hàng can đảm, tiếp cận doanh nghiệp không phải theo nghĩa đánh giá triển vọng, khó khăn bằng con số, mà bằng xu hướng, bằng tiềm năng".

Nhiều chuyên gia đánh giá, từ nay đến cuối năm rất khó để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% như NHNN đặt ra. Tuy nhiên, nếu trong trường hợp Chính phủ cũng như các cơ quan quản lý có những chính sách mới, đột phá, hỗ trợ thị trường thì khi đó, tín dụng mới có sự tăng trưởng bứt phá hơn.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine