ISSN-2815-5823
Thứ ba, 12h22 21/09/2021

Thống nhất mã QR cá nhân trên toàn quốc: Khi công nghệ thực sự là vũ khí chống dịch

(KDPT) – Việt Nam luôn được đánh giá là một trong các quốc gia ứng phó với đại dịch Covid-19 một cách chủ động, quyết liệt. Bên cạnh lực lượng tuyến đầu trực tiếp tham gia vào “cuộc chiến”, thì khoa học và công nghệ (KH&CN) cũng đã thực sự khẳng định được vai trò là một trong những mũi nhọn góp phần đảm bảo bài toán an sinh, chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, từng bước tái thiết và phát triển kinh tế – xã hội.

Bất cập từ “ma trận” ứng dụng

Vừa qua, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin vào phục vụ phòng, chống dịch đóng vai trò rất quan trọng trong thực hiện khai báo y tế điện tử; truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm Covid-19; quản lý người cách ly, giám sát các khu cách ly; đánh giá nguy cơ dịch bệnh ở các địa phương; quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm…

Nhiều ứng dụng được ra đời nhằm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19 tại Việt Nam. (Ảnh: Internet).

Các bộ, ngành, doanh nghiệp đã phát triển nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch nhưng thiếu sự kết nối, chia sẻ. Tuy nhiên, thực tế trong quá trình áp dụng, nhiều công cụ chưa tạo thuận lợi cho người dân sử dụng, gây lúng túng, rối rắm, bất cập, khiến hiệu quả trong ứng dụng công nghệ vào phòng chống dịch chưa thực sự như mong muốn.

Hiện có hơn 20 ứng dụng từ Trung ương đến địa phương, ban ngành có liên quan tới công tác phòng chống dịch Covid-19 đã được triển khai. Tuy nhiên, mỗi địa phương có cách hiểu và thực hiện khác nhau, cơ sở hạ tầng (thiết bị, phần mềm) bất cập, cách thực hiện (cả khâu cấp phép lẫn khâu kiểm tra) chưa chuyên nghiệp… gây khó cho người dùng, cơ quan chức năng khó khăn trong việc xác định ngành nghề và đối tượng được cấp giấy đi đường.

Vì vậy, yêu cầu đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng duy nhất phục vụ phòng, chống dịch, thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Thống nhất ứng dụng chung

Để giải quyết bất cập này, sáng 11/9, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo, đã yêu cầu thống nhất 1 app (ứng dụng) trong phòng chống dịch. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng yêu cầu phải có một ứng dụng chính thức duy nhất tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng chống dịch (tạm gọi là PcCovid). Đồng thời, khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu.

Ông Đỗ Lập Hiển, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ phòng chống Covid-19 quốc gia cho biết Bộ TT&TT vừa ban hành hướng dẫn các yêu cầu kỹ thuật đối với phân hệ hiển thị mã QR cá nhân thuộc các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 tại Quyết định số 1405/QĐ-BTTTT. Theo đó, mỗi cá nhân sử dụng các nền tảng, ứng dụng phòng, chống dịch Covid-19 được cấp 1 mã QR cá nhân. Mã QR cá nhân có thể được sử dụng để cá nhân, tổ chức có thẩm quyền đọc và truy vấn các dữ liệu liên quan phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân sử dụng mã QR quét bằng camera tại chốt kiểm soát dịch Covid-19. (Ảnh: Internet)

Việc hiển thị và sử dụng một mã QR cá nhân thống nhất trong tất cả các nền tảng, ứng dụng nhằm tạo thuận lợi tối đa cho mỗi người dân và các cơ quan, tổ chức khi thực hiện các nghiệp vụ phòng, chống dịch Covid-19. Người dân có thể lựa chọn cài đặt, sử dụng nền tảng, ứng dụng có cung cấp mã QR cá nhân phù hợp với nhu cầu và không cần cài đặt nhiều ứng dụng khác nhau.

Như vậy, bên cạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin, toàn ngành KH&CN đã chủ động, tích cực triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, ứng dụng công nghệ góp phần nâng cao năng lực phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, có những đóng góp về nghiên cứu đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất vắc-xin phòng Covid-19, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát; thúc đẩy hợp tác công – tư trong hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ.

Bên cạnh đó, đề xuất các công nghệ xét nghiệm các chủng vi-rút SARS-CoV-2 mới cũng như tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, sản xuất và thử nghiệm lâm sàng vắc xin phục vụ hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Có thể khẳng định, những kết quả đáng mừng mà ngành KH&CN đã đạt được trong thời gian qua chính là sự tiếp nối quan trọng các thành tựu, là nền tảng quan trọng tạo đà phát triển trong giai đoạn mới. Để từ đó quyết tâm, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, tạo nên những đột phá mới trong việc giải quyết các vấn đề thực tiễn; đặc biệt trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp hiện nay.

TÚ MINH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 23/11/2024