Thủ tướng kiểm tra tuyến Metro số 1: Các đồng chí có nóng ruột không?
TIN LIÊN QUAN
>>> TP Hồ Chí Minh tạm ứng gần 2.1260 tỷ đồng cho tuyến metro số 1
>>> TP Hồ Chí Minh: Năm 2019 sẽ hoàn thành 80% khối lượng metro số 1
Chiều 12/4 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác của Chính phủ đã làm việc với TP.HCM về việc thí điểm rút gọn quy trình bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Tại đây vấn đề bức thiết là nguồn vốn cho metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đã được đưa ra phân tích.
“Cách làm việc của chúng ta rất kỳ lạ”
Giải thích việc chậm trễ giao vốn cho dự án, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng khẳng định “chỉ có hai vấn đề”. Thứ nhất là chưa hoàn chỉnh được thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư, thứ hai là các cơ quan chưa thống nhất được cơ chế cấp phát và vay lại.
“Hiện nay giữa Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT và TP.HCM vẫn chưa thống nhất được cơ chế này. Khi không đầy đủ được thủ tục thì theo Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công không thể giao được” –ông nói.
Nghe tới đây Thủ tướng ngắt lời và cho biết sở dĩ hôm nay ông ra tận công trường là để cam kết với Nhật Bản rằng “chúng ta sẽ tiếp tục dự án này”, trong khi đó “cách làm việc của chúng ta rất kỳ lạ, cứ quyền anh – quyền tôi”.
Bộ trưởng KH&ĐT nói rằng, về cơ chế cấp phát và vay lại, nếu các bên không thống nhất thì “không biết phải làm sao”, dù đã làm việc nhiều lần. Ông đề nghị nếu các cơ quan vẫn không bàn thảo được thì phải báo cáo để Thủ tướng quyết định.
Trong trường hợp chưa thực hiện được hai điều trên thì Bộ KH&ĐT đồng ý với kiến nghị của thành phố là ứng tiền để triển khai. Dù vậy ông cho biết phần vốn có thể giao trong năm 2019 chỉ là 800 tỷ đồng.
Với số còn thiếu Bộ trưởng KH&ĐT đề nghị TP.HCM cho tạm ứng, và nếu như vậy thì việc tạm ứng sẽ thuộc thẩm quyền của thành phố.
Không để tình trạng này kéo dài nữa
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đầu tư cũng cho rằng nguyên nhân các bên chưa hình thành được cơ chế cấp phát là do “chưa thống nhất được rạch ròi rằng cái gì thuộc hạ tầng, cái gì thuộc thiết bị” (hạ tầng thuộc ngân sách Trung ương – thiết bị thuộc ngân sách thành phố).
“Chúng ta đừng nên cò kè quá, ngân sách thành phố hay Trung ương cũng đều của nhà nước cả, là túi này bỏ túi kia thôi” – Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói, đồng thời đề nghị TP.HCM và Bộ Tài chính nhanh chóng thỏa thuận, bởi điều này “không đáng để cản trở một dự án như thế”.
Có mặt tại đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định Bộ sẽ là cơ quan chịu trách nhiệm xác định “cái nào là hạ tầng, cái nào là thiết bị”. Ông cam kết: “Chúng tôi đồng ý chuyện đó thì phải chịu trách nhiệm về phần này”.
Cũng theo Bộ trưởng Thể, việc tạm ứng ngân sách Trung ương hoặc để TP tạm ứng là hợp lý và cần thiết. Ông cho rằng việc chậm trễ sẽ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và quan hệ với Nhật Bản.
Kết luận, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngay trong tuần sau phải các bên phải thống nhất và trình phương án dứt điểm. Theo ông điều này sẽ tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực, có cơ chế để giải quyết.
Thậm chí trong cuộc họp đã có những lúc Thủ tướng tỏ vẻ không hài lòng khi cán bộ cứ nói qua lại trong khi metro là nhu cầu rất bức thiết của người dân. Ông cũng yêu cầu mọi người phải thấy được trách nhiệm của mình.
“Không để tình trạng này kéo dài nữa sẽ mất niềm tin của nhà đầu tư. Mình để như vậy thì nước ngoài cười, dân cũng cười, mưa nắng mấy năm trời các đồng chí có nóng ruột không. Chúng ta dùng lý thuyết quá cũ còn cuộc sống nhân dân thì sát sàn sạt với sự phát triển’ – Thủ tướng nói.
Theo Infonet