Thủ tướng: Tạo môi trường tốt hơn nữa trong hoạt động sản xuất kinh doanh
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, kết thúc năm 2020, Việt Nam đã xuất khẩu với giá trị 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019 và là một trong những nền kinh tế có tốc độ xuất khẩu cao nhất trên thế giới trong bối cảnh đại dịch COVID-19; xuất siêu ở mức cao kỷ lục 19,1 tỷ USD, qua đó ghi nhận 5 năm liên tiếp thặng dư cán cân thương mại. Việt Nam vẫn duy trì được đà tăng trưởng ổn định trong hoạt động xuất nhập khẩu với việc tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm thứ hai liên tiếp đạt mức trên 500 tỷ USD.
Các ngành công nghiệp tiếp tục vươn lên, vượt qua khó khăn trong bối cảnh đứt gãy các chuỗi cung ứng. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp năm 2020 tăng 3,36%, tăng cao hơn so tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức cao 5,82%, tiếp tục là động lực quan trọng cho tăng trưởng của nền kinh tế.
Hoạt động hội nhập quốc tế không những được duy trì trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu mà còn được thúc đẩy với nhiều phương thức mới với các sáng kiến mới của Việt Nam được quốc tế và khu vực đồng thuận, đánh giá cao. Công tác đàm phán, ký kết và triển khai thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) đạt được kết quả quan trọng, đặc biệt là các Hiệp định CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA…
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, năm 2020, nhờ có sự chỉ đạo đúng đắn của Đảng, quyết tâm cao và sự nỗ lực phấn đấu, đóng góp to lớn, bền bỉ của cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, chúng ta vẫn hoàn thành khá toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra với nhiều điểm mới vượt trội và dấu ấn nổi bật. Thành công đó có sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương, nhất là trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, hội nhập, thương mại và xuất khẩu.
Thủ tướng đánh giá cao kết quả công tác cải cải hành chính, xây dựng Chính phủ điện tử của Bộ Công Thương không ngừng đổi mới, đi vào chiều sâu hơn. Sau 2 lần thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Công Thương còn lại 553 điều kiện thuộc 25 ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư, giảm được 880 điều kiện đầu tư kinh doanh.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 nhưng sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng dương; duy trì được sản xuất, xuất khẩu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn ngành công nghiệp.
Hội nhập kinh tế quốc tế đạt được nhiều kết quả quan trọng và các kết quả năm 2020 đã đưa Việt Nam trở thành một trong những nền kinh tế có độ mở lớn và có quan hệ thương mại với trên 230 thị trường, trong đó có FTA với 60 nền kinh tế.
Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ ngành liên quan thực hiện có hiệu quả các vụ việc, đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam; đã kháng nghị thành công 65 vụ việc, giúp nhiều doanh nghiệp, mặt hàng xuất khẩu tiếp tục được hưởng mức thuế 0% hoặc rất thấp.
Về vấn đề thương mại với Hoa Kỳ, Thủ tướng nêu rõ thông điệp: “Chính phủ Việt Nam rất quyết liệt trong việc triển khai các hành động cụ thể để giảm thâm hụt thương mại, chống gian lận xuất xứ và chuyển tải bất hợp pháp. Quyết tâm cùng với Hoa Kỳ thực hiện kế hoạch hành động chung hướng tới cán cân thương mại hài hòa và bền vững. Chính sách tiền tệ của Việt Nam là nhằm đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, không nhằm tạo thế cạnh tranh trong thương mại”.
Theo Thủ tướng, năm 2020, trong khó khăn do dịch bệnh, thương mại điện tử vẫn chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ. Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam 2020 ghi nhận trên 113 triệu lượt xem và tương tác của người tiêu dùng trên các nền tảng trực tuyến; thị trường ghi nhận 3,7 triệu đơn hàng được giao dịch trong 60 giờ, tăng 267% so với cùng kỳ 2019.
Chỉ rõ những tồn tại cần khắc phục của ngành Công Thương, Thủ tướng lưu ý: Sản xuất công nghiệp, ngành công nghiệp mũi nhọn quốc gia còn thiếu và yếu, đặc biệt là ngành công nghiệp do chính doanh nghiệp Việt Nam làm chủ. Tăng trưởng một số ngành công nghiệp chưa ổn định, thiếu bền vững. Ngày càng nhiều doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng vẫn còn ở mắt xích có giá trị thấp.
Các liên kết ngành vẫn còn mới manh nha, manh mún, khiến cho sức cạnh tranh chưa cao, đóng góp còn hạn chế. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và truyền thống của một số địa phương đang bị suy yếu sức tăng trưởng trong khi nhiều địa phương vẫn chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn thực sự.
Xuất khẩu tăng mạnh nhưng nhập khẩu vẫn còn lớn, nhiều ngành công nghiệp vẫn chưa chủ động nguồn cung cấp trong nước. Thành phần kinh tế trong nước vẫn còn nhập siêu lớn. Tính đa dạng hóa về thị trường và sản phẩm chưa cao. Lợi thế cạnh tranh của hàng Việt Nam chủ yếu vẫn dựa trên giá cả chứ chưa phải dựa trên giá trị. Một số ngành công nghiệp tiềm ẩn ô nhiễm môi trường, nguy cơ xử lý môi trường sẽ rất tốn kém trong tương lai.
Đặc biệt nhiều dự án lớn chưa được khởi công. Chưa có nhiều thương hiệu quốc gia tầm cỡ. Nhiều quốc sản của Việt Nam vẫn chưa hiện diện trên bản đồ thế giới. Hiện chưa có một chiến lược quốc gia đưa hàng từ nông thôn lên thành thị. Công nghiệp ít có sự lan tỏa đến thu nhập, sức cầu của nền kinh tế. Hàng Việt Nam trong các siêu thị vẫn còn lép vế so với hàng có nguồn gốc nhập khẩu.
Giao nhiệm vụ cho ngành Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách với tầm nhìn dài hạn, nhất quán, tạo ra môi trường thuận lợi, đồng bộ hướng vào tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành. Tạo lập hệ thống đòn bẩy kinh tế hợp lý, ổn định và dài hạn để thúc đẩy phân bổ, sử dụng nguồn lực xã hội chủ yếu theo nguyên tắc cơ chế thị trường.
Thủ tướng lưu ý cần nâng cao năng suất nội ngành của các ngành công nghiệp; phát triển ngành công nghiệp phải giảm phụ thuộc vào lợi thế không bền vững của nguồn tài nguyên như dầu thô, dầu mỏ, thay vào đó phải chuyển ngành công nghiệp dựa trên khai thác tự nhiên sang nền công nghiệp dựa trên nền tảng sáng tạo lấy khoa học công nghệ làm động lực và nền tảng cạnh tranh.
Cơ cấu lại mạnh mẽ ngành công nghiệp, phải bám vào tăng năng suất, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, đặc biệt là ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đồng thời, chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp sản xuất linh kiện, cụm linh kiện nhằm tham gia sâu và có hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ngành cần thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu, theo dõi sát diễn biến tình hình để có đối sách phù hợp. Chú trọng phát triển thị trường trong nước theo chiều sâu, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa; phát huy vai trò của các hiệp hội ngành hàng, người tiêu dùng. Làm tốt hơn nữa công tác thị trường, bao gồm cả dự báo, cân đối cung cầu, cả phát triển thị trường mới và đặc biệt là xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam…
Năm 2021, Quốc hội giao chỉ tiêu tăng trưởng GDP là 6%. Chính phủ phấn đấu đạt tăng trưởng 6,5% với các động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư. Để “cỗ xe tam mã” này tiếp tục phát huy trong năm 2021 với quy mô lớn hơn, Thủ tướng đề nghị ngành Công Thương tiếp tục phấn đấu đạt kết quả mọi mặt tốt hơn năm 2020, tổ chức thực hiện tốt phương châm “đoàn kết, kỷ cương, đổi mới, sáng tạo, khát vọng phát triển” để phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng vào phát triển đất nước.