Tiềm năng của ngành công nghiệp thực tế ảo
Công nghệ thực tế ảo (VR - Virtual reality) đầy tiềm năng phát triển. |
Công nghệ thực tế ảo là gì
Thực tế ảo hay còn gọi là thực tại ảo (tiếng Anh là virtual reality, viết tắt là VR) là thuật ngữ miêu tả một môi trường được giả lập (ảo hóa) được tạo ra bởi con người nhờ vào các phần mềm chuyên dụng, và được điều khiển bởi một thiết bị thông minh.
Ngoài việc tạo ra không gian ảo, công nghệ thực tế ảo VR còn có thể tương tác thực tế với người dùng qua cử chỉ và nhiều giác quan khác nhau như: Thính giác, khứu giác và xúc giác.
Để hòa mình vào không gian ảo hóa bằng công nghệ VR, người dùng cần một thiết bị đeo đầu chuyên dụng, và phổ biến nhất hiện nay chính là kính VR. Loại kính này sẽ bao trùm tầm nhìn của đôi mắt bạn, sau đó phủ lên một lớp hình ảnh ảo hóa. Tùy vào chủng loại và tính năng đi kèm, kính VR có khả năng tương tác với người dùng, tức là bạn có thể điều khiển không gian ảo hóa thông qua ngôn ngữ cơ thể (chạy, cầm nắm, nhìn, gật đầu...).
Tiềm năng của VR tới các lĩnh vực đời sống
Mark Zuckerberg – ông chủ Facebook từng nhận định rằng: “VR sẽ trở thành một phần của cuộc sống hằng ngày đối với hàng tỉ người”. Trước đây, VR thường xuyên xuất hiện trong các mảng game, quảng cáo, marketing thì ngày nay, nó có mặt ở hầu khắp các lĩnh vực như du lịch, kinh doanh, giáo dục, kiến trúc, thời trang, công nghiệp ô tô, chăm sóc sức khỏe, giải trí, khoa học và nhiều hơn thế.
Có thể nói, đây là công nghệ sẽ thay đổi cách chúng ta tiếp cận với thế giới trong tương lai, khi con người có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc đặt chân đến bất kì địa điểm nào với một cảm giác hoàn toàn chân thực và sống động. Ứng dụng VR đến một số lĩnh vực như giải trí, bất động sản, giáo dục,… đang ngày càng có tầm ảnh hưởng sâu rộng.
Với lĩnh vực giải trí, đây được xem là mục đích lớn nhất mà công nghệ thực tế ảo ra đời, người dùng có thể sử dụng VR để chìm đắm vào không gian ảo hóa của một trò chơi hay thậm chí những video giải trí, khám phá khoa học viễn tưởng, phim ảnh,…
Gần gũi hơn, VR đang mở ra kỷ nguyên đi du lịch hoàn toàn mới cho những tâm hồn ưa xê dịch. Tập đoàn Khách sạn Marriott đã áp dụng công nghệ tân tiến này để mang đến cho người dùng những trải nghiệm không thể thú vị hơn ở những điểm du lịch nổi tiếng trước khi quyết định mua tour. Người trải nghiệm sẽ được cảm nhận đủ cung bậc cảm xúc như đang trực tiếp tận hưởng một chuyến du lịch thật sự.
Công nghệ VR tạo cảm giác chân thật cho người sử dụng. Ảnh minh họa |
Một ứng dụng khá thực tế nữa mà công nghệ thực tế ảo có thể đem đến là tham quan kiến trúc từ các dịch vụ bất động sản. Tức là người dùng có thể xem chi tiết, rõ ràng các bối cảnh của một căn hộ, tòa nhà thông qua hệ thống thực tế ảo VR.
Tuy nhiên, thời điểm hiện tại do chi phí còn khá “đắt đỏ” ứng dụng VR vẫn còn vướng nhiều trở ngại. Nhưng theo các chuyên gia, với khả năng di động đến bất kỳ đâu thì dự kiến trong tương lai công nghệ này sẽ phát triển nhanh chóng.
Như một xu thế tất yếu trong bối cảnh công nghệ phát triển mạnh mẽ, các nhà đào tạo và giáo dục đang bắt đầu dựa vào công nghệ mô phỏng VR để phát triển trải nghiệm học tập lên một phương diện mới với các ứng dụng tương tác thực tế đa chiều. Ứng dụng VR trong giảng dạy nói chung, dạy kỹ thuật nói riêng cung cấp cho người học một nền tảng học tập mới và hiệu quả hơn so với các phương pháp dạy học truyền thống. Người học sẽ được tương tác và tiếp cận với môi trường ảo để khám phá sâu rộng, hiểu rõ hơn về chúng, điều này giúp người học vừa cảm thấy thú vị, vừa dễ hiểu bài và ghi nhớ sâu hơn.
Trên đây chỉ là số ít trong vô vàn ứng dụng thực tế để minh chứng cho ứng dụng của VR trong cuộc sống và các ngành nghề, cho thấy công nghệ này thực sự là một bước đột phá lớn. Mọi lĩnh vực có thật trong đời sống đều có thể ứng dụng công nghệ VR để nghiên cứu, phát triển, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội.