TP HCM sắp xếp lại một loạt ban quản lý
Theo đó, TP sẽ thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông trực thuộc UBND TP trên cơ sở tách chức năng quản lý dự án về giao thông của các khu giao thông đô thị, khu quản lý đường thủy nội địa trực thuộc Sở Giao thông vận tải.
Ngoài ra, sáp nhập Ban Quản lý dự án nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), Ban Vệ sinh môi trường trực thuộc Sở GTVT vào Ban Quản lý Đầu tư – Xây dựng công trình Giao thông – Đô thị. Sở Giao thông vận tải được ủy quyền quản lý 2 ban này.
Ban Quản lý Khu Công viên Lịch sử – Văn hóa Dân tộc sẽ được tổ chức thành Ban Quản lý Công viên Lịch sử Văn hóa – Dân tộc trực thuộc UBND TP theo mô hình đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ.
Đáng chú ý, UBND TP cũng sẽ giao Sở Giao thông vận tải thực hiện chức năng, nhiệm vụ thuộc chức năng quản lý nhà nước của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP (Trung tâm chống ngập); tổ chức lại trung tâm này thành Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, đồng thời ủy quyền, giao Sở Giao thông vận tải quản lý.
Thành phố đang bàn phương án chỉ giữ lại 2 chức năng cho Trung tâm chống ngập là quản lý dự án và vận hành các công trình đã được nghiệm thu.
TPHCM sẽ thành lập Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp trực thuộc UBND TP trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình thuộc Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Lao động – Thương binh & Xã hội.
Ban Quản lý Đường sắt đô thị được giữ nguyên; Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, Ban Quản lý các dự án đầu tư – xây dựng Khu Công nghệ cao trực thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao; Trung tâm Khai thác hạ tầng thuộc Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao như hiện nay.
UBND TPHCM cũng thống nhất giao Chủ tịch UBND quận/huyện thành lập Ban Quản lý dự án khu vực quận/huyện trên cơ sở kiện toàn Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc quận, huyện như hiện nay.
Theo đánh giá của UBND TP HCM, dù đã đạt được một số kết quả tích cực, mô hình tổ chức nói trên làm nguồn vốn đầu tư phân tán, dàn trải. Nhiều dự án lâm vào tình trạng thiếu vốn phải hoãn, giãn tiến độ dẫn tới tăng tổng mức đầu tư, công tác thanh quyết toán kéo dài, công trình triển khai dở dang chậm được đưa vào sử dụng, hiệu quả đầu tư thấp.
Minh Quang