ISSN-2815-5823
DUY KHÁNH
Thứ ba, 09h23 01/08/2023

TP Hồ Chí Minh áp dụng cơ chế đặc thù để thu hút nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt

(KDPT) - TP Hồ Chí Minh sẽ áp dụng Nghị quyết 98 để xây dựng chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc về làm việc.

Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh cho phép miễn thuế thu nhập cá nhân trong 5 năm với lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo làm việc tại doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, tổ chức khoa học và công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Hỗ trợ không hoàn lại từ nguồn chi thường xuyên của ngân sách Thành phố chi phí ươm tạo dự án đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo bao gồm: chi phí tổ chức hoạt động tuyển chọn dự án; chi phí thuê chuyên gia; tiền công lao động trực tiếp; dịch vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; chi phí sử dụng cơ sở kỹ thuật, cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung.

Hội đồng nhân dân Thành phố quy định tiền lương, tiền công, chế độ phúc lợi và chính sách ưu đãi khác đối với các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập được xác định trên cơ sở trình độ, năng lực và yêu cầu công việc; Thù lao thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt thăm Các đại biểu tham quan Trung tâm Ðào tạo điện tử quốc tế, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.
Bộ trưởng Bộ KHCN Huỳnh Thành Đạt thăm Trung tâm Ðào tạo điện tử quốc tế, Khu Công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh.

Để tận dụng cơ chế này, hiện UBND TP Hồ Chí Minh đã giao Sở Nội vụ phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu điều chỉnh quy định về thu nhập, mức đãi ngộ cho chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt đảm bảo hiệu quả, chất lượng và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Việc thiết kế các chính sách phát hiện, thu hút và đãi ngộ chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt cần xác định những lĩnh vực, ngành nghề trọng tâm cần phát triển làm cơ sở đánh giá nhu cầu thuê chuyên gia nhằm tạo đột phá về số lượng và chất lượng công trình, sản phẩm khoa học.

Trong đó, tập trung cho các chương trình, dự án, đề án trọng điểm mà TP Hồ Chí Minh đang tập trung triển khai thực hiện như: Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh; Đề án Chương trình chuyển đổi số; Đề án xây dựng TP Hồ Chí Minhtrở thành Trung tâm tài chính quốc tế,...

Từ năm 2019, TP Hồ Chí Minh đã "trải thảm đỏ mời nhân tài". Theo đó, chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt nhận được nhiều đãi ngộ như: trợ cấp ban đầu 100 triệu đồng; thu nhập theo hệ số lương Nhà nước; hưởng 1% đề tài nghiên cứu khoa học dùng ngân sách Nhà nước, tối đa một tỉ đồng; hỗ trợ nhà ở, phương tiện...

Thông qua các chương trình nghiên cứu khoa học, giai đoạn 2016-2022, thành phố đã đặt hàng nghiên cứu 529 nhiệm vụ khoa học-công nghệ, thu hút hơn 5.290 trí thức tham gia thực hiện. Thành phố cũng triển khai chương trình Vườn ươm sáng tạo khoa học-công nghệ trẻ nhằm tạo điều kiện cho nhà khoa học trẻ, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Từ năm 2019 đến nay, thành phố đã hỗ trợ thực hiện hơn 130 đề tài khoa học với hơn 1.260 trí thức trẻ, sinh viên tham gia, với kết quả rất đáng khích lệ khi có 133 bài báo khoa học (trong đó có 101 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế thuộc danh mục ISI/Scopus), bốn bằng sáng chế và bảy kết quả thương mại hóa. Những chính sách trên đã góp phần xây dựng và phát triển đội ngũ trí thức thành phố ngày càng trưởng thành về số lượng và chất lượng, đóng góp tích cực cho sự phát triển thành phố. Theo TS Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, việc thu hút chuyên gia, nhà khoa học còn bộc lộ một số hạn chế trong chính sách, cơ chế, mô hình, giải pháp do cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, dẫn đến việc chưa phát huy hết tiềm lực của đội ngũ trí thức. Cụ thể, đầu tư cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, trang thiết bị, cơ sở dữ liệu... chưa đáp ứng môi trường làm việc của trí thức. Chính sách đầu tư cho con người (như thu nhập, đào tạo bồi dưỡng) chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Cơ chế tài chính, quản lý nhà nước về hoạt động nghiên cứu khoa học-công nghệ theo quy định của pháp luật còn nhiều bất cập... dẫn đến những hạn chế cho sự phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 20/09/2024