TP.HCM thu gần 5.900 tỷ đồng từ nhà và đất 5 tháng đầu năm
Cụ thể, theo báo cáo, 5 tháng đầu năm nay, các khoản thu về nhà, đất tại TP.HCM đạt 5.889 tỷ đồng, bằng 144,8% so với con số 4.068 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, nguồn thu từ nhà, đất tại TP.HCM tăng mạnh diễn ra trong bối cảnh như chúng tôi đã đưa tin trước đó, 5 tháng đầu năm nay doanh thu từ lĩnh vực kinh doanh bất động sản của thành phố ước đạt 101.814 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 59% trong doanh thu dịch vụ khác, tăng 7,4% so với cùng kỳ.
Trước đó, 4 tháng đầu năm nay, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản của thành phố ước đạt 80.845 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ.
Như vậy, so với tháng 4, tốc độ tăng trưởng của ngành bất động sản TP.HCM trong tháng 5 đã chậm lại. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể có thể thấy, 5 tháng đầu năm nay, ngành kinh doanh bất động sản tại TP.HCM đã và đang đi lên từ đáy.
Trước đó, thị trường bất động sản TP.HCM đã phải trải qua 4 quý tăng trưởng âm liên tiếp trong năm 2023.
Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), hết quý I/2023, thị trường bất động sản TP.HCM rơi xuống mức tăng trưởng âm sâu nhất -16,2%, nhưng kể từ quý II/2023, mức độ khó khăn giảm dần và từng bước phục hồi thể hiện đến hết 6 tháng, thị trường bất động sản còn tăng trưởng âm -11,5%.
Tiếp đó, đến hết 9 tháng còn tăng trưởng âm -8,7% và kết thúc năm 2023 thì chỉ còn tăng trưởng âm -6,38%.
Theo HoREA, thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và dự báo sẽ phục hồi rõ nét vào cuối năm 2024 và trở lại bình thường vào khoảng giữa năm 2025 trở đi do “độ trễ” của chính sách và quy trình thủ tục đầu tư xây dựng, triển khai thực hiện có tính đặc thù của các dự án bất động sản.
Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm 2024, thị trường bất động sản thành phố sẽ còn tiếp tục đối mặt với tình trạng mất cân đối cung - cầu nhà ở, thiếu hụt nguồn cung nhà ở, dẫn tới hệ quả giá nhà có thể bị đẩy lên cao, nhất là vẫn “lệch pha” về phân khúc nhà ở cao cấp và rất thiếu nguồn cung nhà ở thương mại giá bình dân, nhà ở xã hội./.