ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ năm, 16h01 25/01/2024

Triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may vẫn chưa rõ ràng

(KDPT) - Tại báo cáo mới công bố gần đây, SSI Research đánh giá triển vọng phục hồi của xuất khẩu dệt may Việt Nam trong năm 2024 vẫn chưa rõ ràng.
Dự báo tình hình xuất khẩu dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2024.
Dự báo tình hình xuất khẩu dệt may sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2024.

Theo số liệu từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), năm 2023 kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt khoảng 40,3 tỷ USD, giảm 10% so với năm 2022 và thấp hơn khá nhiều mục tiêu ban đầu ngành đặt ra là đạt 47-48 tỷ USD. Ngoài việc đơn hàng sụt giảm, đơn giá sản xuất cũng giảm bình quân 30%, thậm chí có một số chủng loại giảm đến 50%.

Trong bối cảnh khó khăn chung của ngành, kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2023 của các doanh nghiệp dệt may cũng trở nên kém khả quan dù đơn hàng đã có phần nào cải thiện hơn trong những tháng cuối năm.

Theo lý giải của các doanh nghiệp, kết quả kinh doanh năm 2023 chưa đạt kế hoạch và sụt giảm so với năm 2022 là do nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may thời trang giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế toàn cầu gặp nhiều khó khăn, tình trạng lạm phát kéo dài tại các thị trường xuất khẩu trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là thị trường Mỹ và EU. Ngoài ra, chi phí đầu vào nguyên vật liệu, logistics cũng tăng cao làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn theo SSI Research, triển vọng kinh tế toàn cầu kém lạc quan sẽ dẫn đến việc người tiêu dùng giảm chi tiêu và việc bổ sung lại các khoản tiết kiệm trở nên khó khăn hơn. Qua đó, ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu mua sắm các sản phẩm dệt may.

Mặt khác, căng thẳng tại khu vực Biển Đỏ có thể “gây hiệu ứng gợn sóng” đến hoạt động kinh doanh quý I/2024 của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, bao gồm xuất khẩu dệt may, trong bối cảnh chi phí vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ và Châu Âu tăng hơn gấp đôi trong tháng 1/2024 so với tháng 12/2023.

Hơn nữa, khi căng thẳng leo thang, thời gian giao hàng và chi phí bảo hiểm tăng lên. Mặc dù hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng điều kiện FOB, theo đó, người mua phải chịu chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, do nhu cầu thấp và mức tồn kho cao nên người mua có thể đàm phán lại với nhà cung cấp để chia sẻ gánh nặng.

Vì vậy, SSI Research cũng cho rằng các doanh nghiệp xuất khẩu dệt may trong quý 1/2024 có thể phải chịu chi phí bán hàng cao hơn hoặc giá bán thấp hơn cho đến khi tình hình Biển Đỏ hạ nhiệt.

Mặt khác, Việt Nam hội nhập rất sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại tự do đang được thực thi đã mở ra cơ hội thị trường lớn cho doanh nghiệp nhưng cũng đồng thời tạo nên áp lực cạnh tranh không hề nhỏ. Nhất là khi Việt Nam đang yếu thế trong cuộc cạnh tranh về giá bởi chi phí tiền lương, chi phí logistics tăng, cộng hưởng lãi suất cao.

Để doanh nghiệp dệt may ứng phó với những biến động trên thị trường, lãnh đạo Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giầy Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cần sớm đi vào cuộc sống. Chính phủ và Bộ Công Thương sớm làm việc với các địa phương để hoạch định các quy hoạch phát triển khu công nghiệp và cho phép kêu gọi đầu tư vào ngành công nghiệp dệt và nhuộm, nhất là vào dệt nhuộm vải cao cấp, vải dệt thoi, dệt kim.

Về thuế, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, đây là rào cản khá nhạy cảm. Doanh nghiệp đang chịu nhiều áp lực chi: Lãi vay ngân hàng, chi phí trả lương cho người lao động… Nếu không tạo ra chính sách thuế phù hợp, rất khó để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua thách thức thời điểm hiện tại. “Ngành tài chính cần xem xét lại cơ chế xuất khẩu tại chỗ, thuế VAT đầu vào…”, ông Giang nhấn định.

Về chuyển đổi xanh trong sản xuất, sản xuất xanh không chỉ là yếu tố môi trường, mà còn là nguyên liệu tái chế, công nghệ thiết bị, trong đó có chuyển đổi từ công nghệ đốt nồi hơi bằng than, củi sang sử dụng điện. Chi phí là vấn đề quan trọng cần tính đến. Vì vậy, cần có cơ chế về tài chính khuyến khích để tạo ra dòng tài chính cho đầu tư xanh./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 08/09/2024