Truyền thông đúng giúp thu hẹp khoảng cách giới
Mới đây, tại TP.HCM, Viện Nghiên cứu Truyền thông phát triển (RED) tổ chức Diễn đàn Kết nối ba bên Thanh niên – Marketer – Nhà báo. Đây là chuỗi hoạt động trong khuôn khổ dự án “Thanh niên tham gia giải quyết định kiến giới và thúc đẩy bình đẳng giới” do Liên minh Châu Âu (EU) tài trợ thông qua Oxfam Vietnam.
Các Chuyên gia thảo luận tại sự kiện. |
Diễn đàn là nơi chia sẻ những góc nhìn, kinh nghiệm của mạng lưới chủ chốt 3 bên (Thanh niên/Sinh viên – Marketer – Nhà báo). Từ đó, đề xuất những giải pháp để thúc đẩy bình đẳng giới.
Theo Ban tổ chức, phụ nữ ngày nay ngày càng thể hiện và được bản lĩnh của mình hơn trên nhiều các lĩnh vực khoa học, kinh tế, chính trị xã hội những việc mà trước đây chỉ mặc định dành cho đàn ông. Xã hội phát triển, đời sống con người đổi khác, phụ nữ trở nên có vị thế hơn.
Có được điều đó thì Truyền thông & Marketing có vai trò quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực hành động về giới và bình đẳng giới của cộng đồng. Sau 10 năm thực hiện Chiến lược bình đẳng giới, Việt Nam là một trong những quốc gia được các tổ chức quốc tế đánh giá cao trong việc xóa bỏ khoảng cách giới.
Tuy nhiên, định kiến giới vẫn tồn tại trong xã hội, việc nâng cao hiểu biết, quan sát và nhận diện những định kiến giới trong truyền thông, báo chí góp phần quan trọng trong việc xóa bỏ các khuôn mẫu giới, thúc đẩy sự phát triển công bằng và tiến bộ của xã hội.
Chia sẻ tại sự kiện, TS. Lê Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng cho biết, số liệu thống kê tại Việt Nam, hiện nay nữ đại biểu Quốc hội chiếm 25,5% xếp thứ 51 trên toàn cầu và thứ 4 ở Châu Á. 39% nữ giới nắm vị trí cấp cao trong doanh nghiệp (Toàn cầu là 31% và khu vực và 38%). Như vậy, với con số này ngày càng khẳng định khả năng quản lý của nữ giới hiện nay.
Tuy nhiên, thực trạng cho thấy khi nhắc đến vai trò lãnh đạo người ta thường hay dựa vào giới tính để chọn lựa như một thói quen. Khi mô tả phụ nữ hiện đại giỏi giang phải là “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, có công việc lương cao nhưng vẫn phải làm tròn nghĩa vụ bếp núc, việc nhà trong gia đình… Còn đối với các nữ lãnh đạo, vẫn còn nhiều định kiến như việc nam giới làm chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp tốt hơn phụ nữ. Phụ nữ lãnh đạo thì sẽ hay cảm tính, ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Đặc biệt hơn, nữ giới khi làm lãnh đạo sẽ bị soi xét, để ý hơn so với nam giới và đặt ra nhiều vấn đề khắt khe hơn… Chính những quan điểm thiên lệch không đúng đã vô tình gây ra gánh nặng cho phụ nữ”, TS. Lê Văn Sơn cho biết thêm.
Theo Chuyên gia về Marketing Ân Đặng “Quảng cáo, truyền thông không chỉ phản ánh sản phẩm để người tiêu dùng mua mà còn phản ánh những tình huống hàng ngày của người tiêu dùng.
Các sản phẩm quảng cáo, thông thường hình ảnh người phụ nữ thường gắn chặt với vai trò bếp núc, chăm con, giặt giũ… thể hiện phụ nữ chủ yếu trong vai người “giữ lửa” trong gia đình, những kịch bản vẫn chưa thoát khỏi định kiến giới.
Để giảm bớt định kiến giới trên các sản phẩm quảng cáo cần nỗ lực từ cả nhà sản xuất và người xem. Hiện nay, có những đơn vị đang có sự thay đổi tích cực, chú trọng lồng ghép vấn đề về bình đẳng giới, qua đó góp phần định hướng và xóa bỏ những định kiến về giới”, ông Ân Đặng nhấn mạnh.