ISSN-2815-5823
VIỆT ANH
Thứ sáu, 13h44 05/01/2024

Ứng dụng công nghệ sơn phản xạ nhiệt nano chống nóng cho các công trình ngoài trời

(KDPT) - Một nhóm nhà khoa học thuộc Viện Kỹ thuật Nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) vừa nghiên cứu và phát triển thành công sản phẩm sơn phản xạ nhiệt nano giúp chống nóng cho các công trình xây dựng ngoài trời, các bồn, bể chứa xăng dầu.
Khoa học công nghệ song hành cùng phát triển kinh tế – xã hội

Việt Nam có lượng bức xạ cao hàng năm

PGS. Lê Trọng Lư, đại điện nhóm nghiên cứu cho biết: "Việt Nam có lãnh thổ hoàn toàn nằm trong vùng nhiệt đới. Tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm cao (khoảng 120 kcal/cm2/năm). Thời tiết nắng nóng vào mùa hè, do đó, cường độ bức xạ trực tiếp có thể đạt cực đại 0,6 kcal/cm2/ngày vào các tháng 6 và 8 ở miền Bắc và các tháng 4-5, 8-9 ở miền Nam".

Ứng dụng công nghệ sơn phản xạ nhiệt nano chống nóng cho các công trình ngoài trời
Việt Nam có lượng bức xạ trung bình hàng năm cao gây hiệu ứng đảo nhiệt nóng bức. (Ảnh minh họa)

Điều kiện thời tiết này có nhiều tác động tiêu cực, gây ra hiệu ứng đảo nhiệt nóng bức ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM... dẫn đến tiêu tốn nhiều năng lượng tiêu thụ, làm cho tình trạng thiếu điện càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Ngành xăng dầu thường chịu thiệt hại lớn do sự thất thoát do bay hơi. Nhóm các nhà khoa học đã tập trung nghiên cứu và phát triển thành công sản phẩm sơn phản xạ nhiệt Mặt Trời nhằm áp dụng chống nóng cho các bồn, bể chứa xăng dầu.

PGS. Lê Trọng Lư cho biết hiện sản phẩm sơn phản xạ nhiệt nano đã được ứng dụng cho bồn bể xăng dầu (loại 5.000 m3) có diện tích 1.400 m2 tại Công ty Cổ phần Dầu khí Cái Lân, Quảng Ninh; Kho xăng dầu 101-Bộ đội Biên phòng tại Tây Tựu, Nam Từ Liêm, Hà Nội; Xí nghiệp Xăng dầu Petec Hòa Hiệp, Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.

Giải pháp sơn phản xạ nhiệt

Nhận thức được tính cấp thiết và nghiêm trọng của vấn đề, Viện Kỹ thuật nhiệt đới (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã nghiên cứu, phát triển sơn phản xạ nhiệt mặt trời ứng dụng chống nóng cho các bồn bể chứa xăng dầu. Lớp phủ phản xạ nhiệt mặt trời hoạt động theo nguyên lý phản xạ khuếch tán.

Ứng dụng công nghệ sơn phản xạ nhiệt nano chống nóng cho các công trình ngoài trời

Ứng dụng thử nghiệm sơn phản xạ nhiệt Mặt Trời trên cơ sở nhựa acrylic nhũ tương chống nóng một phần mái của trường Pháp Alexandre Yersin tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. (Nguồn: CESTI)

Đồng thời, sản phẩm được ứng dụng thử nghiệm hệ sơn phản xạ nhiệt Mặt Trời trên cơ sở nhựa acrylic nhũ tương chống nóng một phần mái của Trường Quốc tế Pháp Alexandre Yersin tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội.

Đặc biệt, các sản phẩm sơn phản xạ nhiệt nano của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới đã được phía Công ty SuzukaFine (một trong 5 công ty lớn nhất về sơn của Nhật Bản) thử nghiệm và đánh giá chất lượng theo tiêu chuẩn Nhật Bản JIS K 5675.

Kết quả phân tích cho thấy các mẫu sơn của Viện Kỹ thuật Nhiệt đới có độ phản xạ nhiệt cao hơn nhiều so với các sản phẩm sơn chống nóng hiện có trên thị trường trong nước và quốc tế.

Giới thiệu về sản phẩm, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Nhiệt đới, GS.TS Trần Đại Lâm cho hay ứng dụng sơn phản xạ nhiệt nano thích hợp cho bề mặt ngoài các công trình xây dựng, các bồn bể chứa nhiên liệu, hóa chất lỏng dễ bay hơi, là một giải pháp hiệu quả với chi phí thấp để chống lại hiệu ứng đảo nhiệt đô thị; giúp tiết kiệm tới 40% năng lượng tiêu thụ bởi thiết bị làm mát, chống thất thoát nhiên liệu, hóa chất dễ bay hơi, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng, ngăn chặn biến đổi khí hậu.

Sơn phản xạ nhiệt hiện đã được áp dụng tại các công trình dân dụng và quốc phòng (mái nhà xây dựng, bồn bể chứa xăng dầu, tàu cá...).

Khi sử dụng sơn phản xạ nhiệt nano, nhiệt độ bề mặt bồn thép có thể giảm tới 10-19 độ C và nhiệt độ trong bể thấp hơn khoảng 8-15 độ C so với khi sử dụng sơn thông thường. Ngoài ra, độ bền thời tiết của sơn nano cũng cao hơn khoảng 1.500 giờ theo thử nghiệm./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 15/01/2025