Văn Miếu vẫn tấp nập khách đến “xin chữ” đầu năm
“Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ” từ xưa tới nay đã trở thành những thứ không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Cũng bởi thế xin chữ đầu năm cũng trở thành tục lệ của người dân Việt Nam với mong muốn cầu may mắn, bình an qua những con chữ thư pháp.
Khác với những năm trước việc “cho chữ” của các ông đồ được thực hiện tại khuôn viên di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám, năm 2018, “Hội chữ Xuân Mậu Tuất” đã được tổ chức tại hồ Văn (đối diện – thuộc khu di tích Văn Miếu) nhằm “san” lượng khách “xin chữ” để tránh gây tình trạng ùn tắc, quá tải hàng năm.
Về “Hội chữ Xuân” 2018, anh Cao Dũng (thành viên trong BTC) cho biết: “Đây là lần đầu tiên “Hội chữ Xuân” với chủ đề “Hiền tài” được tổ chức với quy mô, bài bản và hoành tráng như năm nay. Lượng khách bình quân đổ về tham quan những ngày cao điểm từ mùng 1 – mùng 5 Tết bình quân 50.000 lượt người/ ngày, tăng gấp đôi so với năm ngoái”. Anh Dũng cũng chia sẻ những ông đồ tham gia tại đây đều đã trải qua kỳ thi sát hạch.
Vốn là trường Đại học đầu tiên của Việt Nam, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa liên quan đến học hành, thi cử nên nhiều người tin rằng việc “xin chữ” tại đây sẽ mang lại nhiều may mắn về con đường học hành, công danh.
Đối tượng tới xin chữ phần đông là các bạn học sinh, sinh viên với mong muốn được may mắn trong việc học hành, thi cử trong năm mới. Nhiều gia đình cũng đưa trẻ nhỏ tới để tham quan và xin những chữ phúc lộc, bình an.
Ông đồ Thành Đan, người có kinh nghiệm 30 năm với chữ thư pháp, chia sẻ đã ôn và học miệt mài 4-5 tháng về “Hiền tài – Nguyên khí quốc gia” để có mặt tại Hội chữ năm nay.
“Xin chữ vốn là nét văn hóa truyền thống của Việt Nam, cùng với khí thiêng ở hồ Văn của nhiều bậc hiền tài đã đỗ đạt từ xưa nên chữ có phần linh ứng. Năm nay, nhiều bạn học sinh xin chữ “Trí”, “Minh”, “Đăng khoa” để cầu mong thi cử đỗ đạt” – ông đồ Thành Đan chia sẻ.
Theo Báo điện tử Lao động