ISSN-2815-5823
Thứ ba, 09h35 14/07/2020

Vùng chè “khát” điện

(KDPT) – “Chán lắm, muốn làm gì cũng không được vì không có điện”. Mọi câu chuyện của người dân thôn Sơn Thủy (xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang) đều kết thúc bằng cái thở dài đầy ngao ngán. Khao khát một ngày bóng đèn điện được thắp sáng, đã đeo bám người dân nơi đây đằng đẵng suốt nhiều năm.

Khao khát hơn 40 năm

Năm 1973, với hơn 10 hộ ban đầu đi theo chính sách khai hoang của Nhà nước, tới nay thôn Sơn Thủy đã có gần 100 hộ với hơn 300 nhân khẩu. Từ vùng đồng bằng Thái Bình, họ lên đây lập nghiệp dọc theo dòng chảy của sông Lô. Sơn Thủy giáp ranh với huyện Bắc Quang của tỉnh Hà Giang. Vùng này nhiều đồi núi, đất đai thích hợp với cây chè, nên sản lượng chè thường cho năng suất cao. Ông Vi Ngọc Tấn, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận cho biết, thôn Sơn Thủy thuộc vùng sâu, vùng xa, nhưng có tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%, kinh thế khá hơn so với các thôn khác trong xã.

Kinh tế tốt cũng nhờ cây chè đã bám rễ ở đây mấy thập kỷ, gắn bó với những người đầu tiên khai sơn, lập địa. Nhưng những người dân nơi đây chưa khi nào thôi đau đáu, mong mỏi có nguồn năng lượng thiết yếu cho cuộc sống, đó là điện lưới. Ông Thẩm Văn Nam, người dân thôn Sơn Thủy tâm sự: “Vì quá khao khát điện để sinh hoạt và sản xuất, năm 1996 thấy trạm biến áp ở bên kia (huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang), 80 hộ dân trong thôn đã tự góp hơn 100 triệu để kéo đoạn dây điện trần dài hơn 5km, bắc qua sông về thôn. Thế nhưng, vì là dây trần, nên vào những ngày mưa dông, sấm chớp, các thiết bị đồ điện rất dễ bị hỏng, thậm chí là cháy nổ”.

Người dân phản ánh nỗi bức xúc vì không có điện.

Hệ thống điện dây trần có độ dài lớn, điện bị hao tải, giá tiền điện vì thế cũng có cách tính khác. Theo anh Bùi Văn Hiền, người phụ trách thu tiền điện của thôn cho biết: “Phía tỉnh Hà Giang họ tính tiền điện theo đúng chỉ số tổng ở trạm biến áp Bắc Quang, còn chỉ số điện trên công tơ của từng nhà do điện bị hao tải nên có những tháng tiền điện lên đến hơn 5.000 đồng/kwh”.

Chấp nhận đóng tiền điện với giá cao là vậy, nhưng điện vẫn không thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cơ bản nhất của người dân thôn Sơn Thủy. Chị Phạm Thị Huệ, làm dâu ở Sơn Thủy đã hơn 20 năm kể: “Có tiếng mà không có miếng, có khi cắm được nồi cơm thì suýt cháy nhà do điện chập chờn lúc yếu, lúc khỏe”.

Chặng đường đưa nền kinh tế ở vùng đất này lên một bước phát triển mới cũng “chông gai” như cách ánh điện về với thôn. Sản lượng chè mỗi năm của nhà anh Hiền lên tới 30 tấn, chia thành 6 vụ, nhưng chỉ bán được sản phẩm thô với giá thấp (từ 2.500 – 3.000 đồng/kg) cho thương lái. Tính ra, sau khi trừ chi phí chăm bón, thuốc sâu… lời lãi chẳng còn là bao. Anh Hiền cho biết: “Nếu có điện, tôi sẵn sàng đầu tư máy móc để chế biến chè tươi thành chè khô, như vậy sản phẩm sẽ có giá cao hơn, kinh tế cũng phát triển gấp năm, gấp mười lần”.

Những đồi chè là nguồn thu nhập chính của người dân thôn Sơn Thủy.

Tivi, tủ lạnh chỉ để làm cảnh

Trong những ngày hè nắng nóng gay gắt như hiện nay, quạt điện, nước đá hay bất kỳ phương pháp làm mát hiện đại nào cũng trở nên “xa xỉ” đối với người dân nơi đây. Ông Nam chia sẻ: “Chúng tôi hầu như nhà nào cũng có tivi, tủ lạnh, nhưng chỉ để làm cảnh thôi, nào có dùng được. Tivi bật lên được 2-3 phút là tự tắt do điện quá yếu, tủ lạnh để đồ ăn vào bữa trước, đến bữa sau là hỏng, ôi thiu hết cả”.

Không chỉ vậy, thiếu thốn điện cũng khiến việc tiếp cận thông tin hay chuyện học hành của các em nhỏ gặp nhiều khó khăn. Là người đã gắn bó với vùng Sơn Thủy hơn 30 năm, ông Nguyễn Thao cũng không giấu nổi nỗi bức xúc: “Trên này không có điện nên bao năm rồi có biết chương trình thời sự là gì đâu. Còn điện cho trẻ con học hành thì hầu như nhà nào cũng phải sắm đèn tích điện 12V, có khi đang học, điện lưới tắt, lũ nhỏ lại nhốn nháo, ngưng bỏ. Điện yếu còn ảnh hưởng đến thị lực của chúng nữa”.

Người dân sử dụng hệ thống năng lượng mặt trời để thắp sáng vào ban đêm.

Do đó, số người học đến Đại học ở thôn Sơn Thủy không nhiều và học xong cũng không ai muốn quay lại đây để phát triển sự nghiệp, chỉ vì thiếu điện. Những gia đình có con cháu, đi làm ăn, sinh sống ở nơi khác cũng còn không “mặn mà” với quê hương, vì mỗi dịp nghỉ hè muốn về thăm ông bà lại phải chuẩn bị quạt, đèn tích điện, nhất là với các em nhỏ ở thành phố đã quen với quạt mát, điều hòa, tivi, điện thoại thông minh… Cùng với trẻ nhỏ, người cao tuổi cũng là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng do thiếu điện, đặc biệt những ngày nắng nóng, cơ thể dễ bị suy nhược, mệt mỏi.

Trong cái khó, người dân thôn Sơn Thủy vẫn cố gắng khắc phục tình trạng điện “có như không” bằng cách sử dụng các thiết bị năng lượng mặt trời, dùng máy nổ để bơm nước, sạc pin cho quạt, điện thoại… Tuy nhiên, đó chỉ là biện pháp tạm thời, không thể bền vững do hiệu quả thấp mà chi phí thì cao.

Được biết, trong thôn Sơn Thủy đã có nhà sắm được ô tô tải để chuyên chở hàng hóa, những ngôi nhà hai tầng khang trang cũng mọc lên ngày càng nhiều hơn, nhưng cuộc sống vẫn mang vẻ “khó khăn” do điện mãi chưa về. Điện lưới luôn là nỗi khao khát suốt hơn 40 năm qua, là niềm mong mỏi của hàng trăm con người nơi này…

Khó khăn do thiếu kinh phí

Trước những tâm tư, nguyện vọng chính đáng đó của người dân, chúng tôi đã tìm gặp chính quyền địa phương, cũng như ngành điện lực tỉnh Tuyên Quang để có được cái nhìn thấu đáo.

Tại trụ sở Ủy ban Nhân dân xã Yên Thuận, Chủ tịch xã Vi Ngọc Tấn cho biết, Yên Thuận là xã thuộc vùng 135 (đặc biệt khó khăn). Ngân sách hàng năm dành cho xã chỉ trên dưới 1 tỷ đồng. Số tiền này xã ưu tiên đầu tư cho các công trình thủy lợi, trường học, giao thông. Điện, do đó chỉ xếp sau các dự án kể trên. Mặc dù chỉ cách trung tâm xã 7 kilomet, cách trạm biến áp thôn Bơi (là nơi đã được đầu tư xây dựng trạm biến áp từ trước đó) chỉ khoảng 3 kilomet, nhưng thôn Sơn Thủy đến nay vẫn chưa có điện. Và lãnh đạo xã giải thích do thiếu kinh phí, phải chờ cấp trên.

Ông Vi Ngọc Tấn, Chủ tịch UBND xã Yên Thuận.

Còn theo Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân huyện Hàm Yên, ông Nguyễn Duy Phượng cho biết, về phía huyện đã nắm được tình hình của người dân thôn Sơn Thủy, nhưng “lực bất tòng tâm”. Hiện tại huyện Hàm Yên còn 9 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, cùng với nhiều khu dân cư khác chưa được cung cấp điện lưới quốc gia. Ông Phượng cũng thừa nhận, với nguồn ngân sách của huyện, hiện tại không thể thực hiện được các dự án về điện cho người dân. “Mỗi năm huyện đều có tiền đầu tư xây dựng cơ bản, tuy nhiên chỉ có mấy tỷ, riêng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, quy hoạch để tạo quỹ đất sạch nhằm bán đấu giá tạo nguồn thu đã gần hết rồi”. Chánh văn phòng huyện thông tin thêm, việc này cần phải có lộ trình. Về ngân sách đầu tư công, huyện Hàm Yên đã đưa vấn đề đầu tư xây dựng trạm biến áp cho hai thôn Sơn Thủy và Lục Khang (Kang) của xã Yên Thuận vào kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020. Tuy nhiên, chưa được phê duyệt, do vậy đến nay điện cho người dân khu vực này vẫn phải chờ.

Trung tâm huyện Hàm Yên.

30/4/2021 sẽ có điện

Đó là khẳng định của ông Phạm Văn Quang, Phó Giám đốc, Phó Bí thư Đảng ủy Công ty điện lực Tuyên Quang. Theo ông Quang, công ty đã nắm bắt được tình hình thiếu điện của người dân thôn Sơn Thủy nói riêng và các thôn khác của xã Yên Thuận. Tuy vậy, do địa hình khu vực phức tạp, đồng thời việc bố trí nguồn vốn gặp nhiều khó khăn nên lâu nay người dân vẫn chưa thể có điện lưới quốc gia.

Trụ sở Công ty điện lực tỉnh Tuyên Quang.

Tháng 3/2020, phía công ty điện lực Tuyên Quang đã tiến hành khảo sát, qua đó nhận thấy, để có thể đưa điện lưới về khu vực thôn Sơn Thủy cần hơn 5km đường dây trung áp và 2,7km đường dây hạ áp. Tổng mức đầu tư cho hai trạm biến áp của thôn Sơn Thủy và Lục Khang (Kang) của xã Yên Thuận khoảng 7 tỷ đồng.

Công ty điện lực Tuyên Quang cũng cho biết, trước đây khu vực này đã nằm trong chương trình cấp điện theo “Dự án cấp điện nông thôn tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2013-2020” theo Quyết định 2081/QĐ-TTg ngày 08/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Tại dự án trên, có tên của 02 thôn là Sơn Thủy và Lục Khang (Kang) được đầu tư lưới điện trong giai đoạn 2 của dự án (2016-2020). Tuy nhiên, do khó khăn về nguồn vốn nên khu vực này chưa được đầu tư xây dựng lưới điện.

Đến ngày 05/05/2020, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có văn bản số 1297/UBND-CN về việc đề nghị được phân bổ vốn chương trình chuyển đổi năng lượng bền vững Việt Nam – EU, gửi Bộ Công thương. Tại văn bản này, thôn Sơn Thủy và Lục Khang (Kang) đã được đưa vừa danh sách đầu tư lưới điện giai đoạn 2021-2023.

Ông Quang cũng cho biết, phía công ty rất chia sẻ khó khăn với bà con. Do đó, trong thời gian qua công ty đã phối hợp cùng UBND huyện tiến hành khảo sát, lên phương án và triển khai các bước cần thiết, nhằm đưa điện lưới về cho người dân trong thời gian sớm nhất. “Dù có chậm nhất thì cũng không được đóng điện sau 30/4/2021” – ông Quang chia sẻ.

Như vậy, sau nhiều năm sống trong cảnh “khát điện” người dân thôn Sơn Thủy đã có thể yên tâm bởi trong thời gian tới các cơ quan chức năng sẽ triển khai, đẩy nhanh tiến độ xây dựng lưới điện tại khu vực này, đưa điện về thôn ổn định, an toàn với chi phí thấp.

Thiết nghĩ, trong thời đại cả thế giới đang tiến như vũ bão dưới động lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc có điện tưởng chừng là điều hiển nhiên. Nhưng đâu đó trên đất nước ta vẫn còn những địa bàn khó khăn, thiếu thốn như Sơn Thủy. Hành trình lên với Sơn Thủy, chúng tôi đã được chứng kiến những khó khăn vất vả của người dân nơi đây, đặc biệt là khi thiếu đi nguồn năng lượng điện. Những ước muốn về một cuộc sống no đủ, “sáng” hơn vẫn còn đeo đuổi họ. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, dòng điện lưới được đưa đến nơi đây sẽ góp phần đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, đưa vùng quê nghèo bên bờ sông Lô này bừng sáng mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà và đất nước.

Bài và ảnh: DUY KHÁNH – BÍCH NGA



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 07/01/2025