ISSN-2815-5823
MINH THÀNH
Thứ năm, 11h03 28/09/2023

Xây dựng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu để áp dụng từ năm 2024

(KDPT) - Ngày 28/9, tại Phiên họp thứ 26 của UBTVQH cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đều nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành Nghị quyết để đảm bảo quyền lợi và lợi ích hợp pháp của Việt Nam và giúp các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Ban hành Nghị quyết mang lại cho Việt Nam những cơ hội mới

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ và chủ động áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024, tạo cơ chế thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp nộp bổ sung thuế tại Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Để chống xói mòn cơ sở thuế, OECD đã khởi xướng và được G20 thông qua sáng kiến chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển dịch lợi nhuận. Theo đó, có hai trụ cột được thực hiện, trong đó Trụ cột 2 đặt ra mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh né.

Đây là vấn đề “nóng” được thảo luận trong suốt thời gian qua. Việt Nam có áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu hay không? Cần phải có những phản ứng chính sách thế nào cho phù hợp?

“Thuế tối thiểu toàn cầu không phải điều ước quốc tế, không phải là cam kết quốc tế, không bắt buộc các quốc gia phải áp dụng. Tuy nhiên, nếu Việt Nam không áp dụng thì vẫn phải chấp nhận việc các quốc gia khác áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, có quyền thu thuế bổ sung đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam (nếu thuộc đối tượng áp dụng) mà được hưởng thuế suất thực tế ở Việt Nam thấp hơn mức tối thiểu toàn cầu 15%, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói.

Trước bối cảnh trên, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam cần khẳng định áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu.

“Việc ban hành chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Việt Nam là phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng”, Bộ trưởng Phớc nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Phớc, việc áp dụng quy định thuế tối thiểu toàn cầu mang lại cho Việt Nam các cơ hội mới, như tăng nguồn thu ngân sách từ nguồn thuế bổ sung; tăng cường hội nhập quốc tế; giảm thiểu hiện tượng trốn thuế, tránh thuế, chuyển giá, chuyển lợi nhuận.

Hiện nay, theo thông tin từ Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%), trong đó có các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam, như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hông Kông, Singapore…

Trong khi đó, các nước nhận đầu tư như Việt Nam cũng đang nghiên cứu để đưa ra chính sách ứng phó thuế tối thiểu toàn cầu. Trong đó, có việc áp dụng thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) để tránh việc nộp thuế bổ sung đối với phần thu nhập của công ty thành viên có thuế suất thực tế thấp hơn mức tối thiểu về các nước có công ty mẹ đóng trụ sở chính. Đồng thời, cũng nghiên cứu một số giải pháp hỗ trợ về tài chính để giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài thuộc đối tượng chịu thuế tối thiểu toàn cầu và thu hút các nhà đầu tư mới.

“Để tập trung giành quyền đánh thuế, hạn chế việc chuyển số thuế sang các quốc gia khác, đồng thời để đảm bảo tình hình triển khai áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu của các nước trên thế giới, Việt Nam cần áp dụng quy định tổng hợp thu nhập chịu thuế tối thiểu (IIR) và quy định thuế bổ sung tối thiểu nội địa đạt chuẩn (QDMTT) từ năm 2024”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Điều này, theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam; tạo mức độ tin tưởng giữa doanh nghiệp và Chính phủ để doanh nghiệp tiếp tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam; đồng thời thể hiện sự tiến bộ và minh bạch trong hệ thống quản lý thuế và môi trường đầu tư kinh doanh tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế.

“Áp dụng quy định mới nhưng cần giữ nguyên các chính sách ưu đãi hiện hành áp dụng cho các doanh nghiệp không thuộc đối tượng áp dụng của thuế tối thiểu toàn cầu”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam

Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, trên cơ sở Tờ trình số 415/TTr-CP ngày 30/8/2023 của Chính phủ về dự án Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, ngày 14/9/2023, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) đã tổ chức phiên họp để thẩm tra sơ bộ nội dung này.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh

Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, các quy định về việc áp dụng Thuế Tối thiểu toàn cầu (TTTC) gọi tắt là quy định GloBE được OECD đề xuất và bắt đầu áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024. Hiện nhiều nước đã nội luật hoá các quy định này để áp dụng từ kỳ tính thuế TNDN năm 2024. Nếu Việt Nam không nội luật hoá các quy định về thuế TTTC, thì các nước xuất khẩu vốn đầu tư sẽ được thu khoản thuế TNDN bổ sung (cho đủ mức 15%) đối với các công ty đa quốc gia có dự án đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tại Việt Nam đang được hưởng mức thuế suất thực tế dưới 15%. Vì vậy, để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam, Thường trực Uỷ ban TCNS nhất trí cần ban hành văn bản pháp lý để tạo cơ sở cho các doanh nghiệp ĐTNN thuộc diện điều chỉnh của GloBE có thể kê khai nộp thuế TNDN bổ sung và yên tâm về môi trường pháp lý tại Việt Nam.

Trong bối cảnh Chính phủ chưa triển khai kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN để quy định vào Luật các nội dung liên quan đến thuế TTTC, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban TCNS nhất trí cần tạm thời ban hành Nghị quyết (thí điểm) của Quốc hội về việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu của OECD trước khi tiến hành sửa Luật; đồng thời, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ kế hoạch, thời gian sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN và dự kiến về thời gian hiệu lực thi hành để bảo đảm các nội dung về thuế phải được quy định một cách thống nhất trong Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS cho biết, về hình thức văn bản, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) quy định Quốc hội ban hành Luật để “sửa đổi, bãi bỏ các thứ thuế” và ban hành Nghị quyết (thí điểm) để “thực hiện một số chính sách mới thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội nhưng chưa có luật điều chỉnh hoặc khác với quy định của Luật hiện hành”. Việc áp dụng thuế TNDN bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu là một nội dung hoàn toàn mới, khác với các quy định (về các mức thuế suất) trong Luật Thuế TNDN hiện hành. Vì vậy, việc áp dụng thuế TNDN bổ sung này cần được quy định trong Luật Thuế TNDN. Trong trường hợp ban hành Nghị quyết thì tên gọi của Nghị quyết phải là Nghị quyết thí điểm.

Chính phủ đề nghị tên gọi của Nghị quyết không có chữ “thí điểm” để bảo đảm sự chắc chắn cho văn bản đạt chuẩn khi OECD thực hiện rà soát. Đây chỉ là vấn đề về hình thức văn bản, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban TCNS nhất trí với việc không có chữ “thí điểm” trong tên gọi của Nghị quyết song về bản chất, Nghị quyết này vẫn phải được coi là một Nghị quyết thí điểm, với quy định cụ thể về thời hạn áp dụng và kết thúc theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL.

Về trình tự thủ tục, với yêu cầu đặt ra của việc áp dụng thuế TTTC cho kỳ tính thuế TNDN năm 2024, dự thảo Nghị quyết hướng dẫn thời gian nộp tờ khai thuế TNDN bổ sung là 9 tháng sau khi kết thúc kỳ tính thuế (30/9/2025), quy định của GloBE là 12 tháng (31/12/2025). Theo đó, về cơ bản sẽ đủ thời gian để Cơ quan soạn thảo triển khai sửa đổi, bổ sung Luật Thuế TNDN trong năm 2024 hoặc trình Quốc hội ban hành Nghị quyết theo quy trình thủ tục thông thường. Tuy nhiên, các nội dung dự thảo là tương đối rõ, bảo đảm các quy định cụ thể và chi tiết. Vì vậy, để thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thực hiện thuế TTTC, tạo niềm tin cho các doanh nghiệp ĐTNN, đa số ý kiến trong Thường trực Uỷ ban TCNS nhất trí trình Quốc hội bổ sung vào CTXDLPL năm 2023 và trình tại Kỳ họp tháng 10/2023 theo quy trình thủ tục rút gọn trong một kỳ họp.

Về các giải pháp để thực hiện Nghị quyết, Tờ trình đã đề xuất một số giải pháp để thực hiện dự thảo Nghị quyết, tuy nhiên, còn thiếu các nội dung cần thiết về công tác thu thập, tổng hợp các thông tin, số liệu hàng năm liên quan đến doanh thu, lợi nhuận,… của tổ chức thành viên của Tập đoàn đa quốc gia có Công ty mẹ tối cao đặt tại nước ngoài, tổ chức thành viên tại nước ngoài của các Tập đoàn đa quốc gia nội địa, làm cơ sở xác định đối tượng thuộc phạm vi áp dụng thuế TTTC hàng năm. Ủy ban TCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo báo cáo rõ thêm về việc chuẩn bị và triển khai các nội dung này để bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện Nghị quyết. Ngoài ra, đề nghị Cơ quan soạn thảo khẩn trương tham gia các Thoả thuận đa phương về trao đổi thông tin tự động của OECD để có thể tiếp cận và khai thác thông tin về các tập đoàn thuộc đối tượng của thuế TTTC.

Ủy ban TCNS cũng thẩm tra một số nội dung cụ thể của dự thảo Nghị quyết, theo đó, về phạm vi thu thuế, Ủy ban TCNS đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung quy định về các Khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu để có cơ sở áp dụng ngay khi OECD cho phép thực hiện hoặc có phương án bổ sung nội dung quy định về các Khoản thanh toán chịu thuế dưới mức tối thiểu khi sửa Luật Thuế TNDN để bảo đảm giữ quyền đánh thuế của Việt Nam theo quy định của OECD.

Đối với quy định về người nộp thuế (Điều 2), Thường trực Ủy ban TCNS cho rằng, các quy định được thể hiện trong dự thảo Nghị quyết cần tuân thủ quy định của OECD song phải bảo đảm tính rõ ràng, cụ thể để thuận tiện trong triển khai thực hiện. Việc dự thảo Nghị quyết không quy định cụ thể các nội dung liên quan, chỉ dẫn chiếu đến quy định theo Quy định GloBE sẽ dẫn đến chưa bảo đảm tính rõ ràng, minh bạch, cụ thể của Nghị quyết. Do đó, đề nghị Chính phủ cân nhắc để nội luật hóa quy định liên quan. Trong trường hợp không thể thể hiện được nội dung này trong dự thảo Nghị quyết, Tờ trình của Chính phủ cần báo cáo, giải trình rõ lý do đồng thời, có phương án để giao Chính phủ quy định chi tiết tại các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị quyết.

Về công thức tính thuế, trong Điều 4, đề nghị cơ quan soạn thảo trên cơ sở các Quy định GloBe, cân nhắc bổ sung quy định làm rõ hơn về khoản bổ sung này. Ngoài ra, trên thực tế sẽ có những khoản thuế bị điều chỉnh thu thêm theo nội luật thông qua công tác thanh tra, kiểm tra sẽ phải được xử lý đối với nghĩa vụ thuế đã kê khai của các năm trước trong công thức tính thuế suất thực tế. Nội dung này có thể giao Chính phủ quy định chi tiết trong các văn bản hướng dẫn luật (nếu cần thiết).

Về thời hạn kê khai và nộp thuế (Điều 6), đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung điều khoản cho phép người nộp thuế có thể tham vấn với cơ quan thuế để có thể xử lý, điều chỉnh những khác biệt mang tính kỹ thuật về hệ thống kế toán,... một cách phù hợp.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 17/09/2024