Xin chữ đầu năm, nét văn hóa đặc biệt của dân tộc
Nét đẹp văn hóa
Người cho chữ là ông đồ và người xin chữ thường là những chủ nhà cầu mong những tin mừng và vận hội mới trong cuộc đời và đặc biệt là mong cho may mắn trong học hành thi cử… Điều đó trở thành nét đẹp trong văn hóa của người Việt từ nhiều thế kỷ nay và ngày càng được nối tiếp, thừa kế.
Câu thành ngữ “Mùng một Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” đã tổng kết và nói lên nét truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đã có từ ngàn đời nay. Vậy nên cứ mỗi dịp xuân về, người Việt vẫn chọn ngày mùng 3 Tết để bày tỏ lòng kính trọng những người thầy, và hướng về việc học tập.
Vì vậy mà Văn Miếu – Quốc Tử Giám những ngày này thường rất đông người đến dâng hương và xin chữ đầu năm. Tục xin chữ đầu năm là một hình thức lấy may và cũng là những điều mà gia chủ mong muốn trong năm mới. Ngày trước, xin chữ là việc rất khó khăn, chỉ những ai thật sự am hiểu Nho học mới có thể sở hữu một tấm tranh chữ để treo trong nhà. Tấm tranh này được treo ở nơi trang trọng nhất, được xem như bảo vật và trở thành phong tục ngày Tết sang trọng.
Có một thời kì, tục xin chữ chỉ dành cho giới quý tộc, giàu có. Nhưng thực chất, đây là một thú vui tao nhã dành cho mọi người, mọi tầng lớp. Những người có hiểu biết rộng sẽ biết được ý nghĩa sâu xa của chữ và mang hết những mong muốn của mình, gửi gắm vào tấm tranh chữ. Còn những người bình dân hoặc có hiểu biết ít hơn sẽ đến nhờ những người hay chữ dịch hộ. Ai cũng muốn có được niềm vui nhỏ về mặt tinh thần như một phong tục ngày Tết.
Lúc bấy giờ, vị trí của các thầy đồ rất được xã hội xem trọng. Vì họ không những là người dạy học mà còn được trọng vọng vì có thể cho chữ. Dựa vào danh tiếng của các thầy đồ mà họ có đông hay ít người đến xin chữ. Và thường thì những người đến xin sẽ biếu lại thầy nhiều thứ như bánh trái, vải vóc và có khi là tiền.
Bức tranh chữ treo ngày Tết trong nhà sẽ mang đến may mắn, là điều mà người ta mong muốn có trong năm mới. Ví dụ như phong tục ngày Tết của chúng ta là xin chữ đầu năm nhưng có người xin chữ Tài, có người xin chữ Lộc, lại có người xin chữ Trí… nói chung là muôn hình vạn trạng, tùy theo người đi xin chữ. Ngày trước, giấy để viết chữ phải là loại giấy tốt, có vân và ăn mực, ít nhòe. Ngày nay, giấy còn có thêm mùi thơm, nhiều màu sắc và nhiều loại khác nhau. Ngay cả mực viết chữ cũng nhiều màu hơn. Không chỉ có chữ mà còn có cả tranh, cả hình vẽ vui nhộn.
Nhưng tựu trung, mọi người vẫn rất ưa thích tục xin chữ và thích cái cảm giác được ngồi nhìn ông đồ nắn nót từng nét trên vuông giấy trắng tinh. Và người ta cũng rất tin tưởng vào những chữ viết đó. Treo chữ cũng phải biết cách và biết vị trí chứ không phải muốn treo thế nào cũng được. Một trong những cách treo tốt nhất là ngay trong phòng khách, vị trí mà nhiều người nhìn thấy nhất.
Tiếp nối và phát huy truyền thống
Sáng mồng 3 Tết Kỷ Hợi, tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, náo nức người đến du xuân. Trong không khí lễ hội đầu năm mới, rất nhiều người đã dành thời gian tới thắp hương tưởng nhớ các vị tiền nhân và chen chân xin chữ đầu xuân. Tại nơi linh thiêng thờ các vị thầy vĩ đại như Khổng Tử, Chu Văn An… nâng trên tay tờ giấy hồng điều đỏ thắm với những nét chữ đẹp như rồng múa, phượng bay viết bằng bút lông với sắc mực nho đen nhánh, ai ai cũng hy vọng sẽ có được nhiều may mắn, an lành, thi cử đỗ đạt trong năm mới. Và cũng như mọi năm, đông vui và náo nức nhất ở Văn Miếu ngày đầu xuân vẫn là hình ảnh những người trẻ đi xin chữ với ước nguyện an lành, thành công trong học hành và sự nghiệp.
Trong khi các bạn trẻ có xu hướng xin các chữ Nhẫn, Thuận, Học, Phúc, Đạt, Tâm… thì những người lớn tuổi lại muốn xin chữ Thọ, Lộc… Có không ít gia đình mang các con nhỏ đến xin chữ để học hỏi văn hóa truyền thống của người Việt, đồng thời cùng bố mẹ ghi lại những khoảnh khắc đẹp ngày xuân. Anh Hải, ở quận Đống Đa cho hay: “Đã thành nếp, chúng tôi thường đi chúc tết họ hàng vào ngày mùng 1 tết, sau đó, ngày mùng 2 cả nhà thường đi chùa và đến xin chữ ở phố ông đồ. Năm nay tôi xin chữ “Nhẫn”, chữ này sẽ mang về treo trong phòng khách để mọi thành viên trong gia đình có thể luôn kiên trì, nhẫn nại trong năm mới”.
Giống như anh Hải, chị Hạnh ở Láng Hạ, quân Đống Đa năm nay cũng có mặt từ sớm ngày mùng 3 Tết để đưa cô con gái đang du học ở Đức tới xin chữ. Chị Hạnh cho biết: “Năm nay con gái tôi tranh thủ về ăn Tết với gia đình, tôi quyết định đưa cháu đi xin chữ, thứ nhất là để cháu hiểu thêm về truyền thống văn hóa của dân tộc, một điều nữa là cháu không chỉ xin chữ cho riêng mình mà còn xin cho một số bạn bè người nước ngoài. Đây sẽ trở thành món quà của cháu dành cho các bạn khi trở về Đức để tiếp tục học tập”.
Năm nay, phố ông đồ được khai mạc tại Hồ Văn, các ông đồ tham gia thực hiện những tác phẩm thư pháp bằng chữ Hán – Nôm và chữ quốc ngữ. Cùng với đó phố ông đồ cũng được trang trí theo phong cách xưa, tạo không gian hoài cổ với tết xưa của người Việt. Có thể nói những năm trở lại đây, phố ông đồ bên cạnh Văn Miếu có thể coi là một “đặc sản” của Tết Hà Nội. Bên vẻ trầm mặc, u hoài của trường Giám ngày xưa đang lắng đọng rêu phong, thì “hồn dân tộc lại đang sáng bừng trên giấy điệp” trong những nét thư pháp tài hoa của những ông đồ trẻ tuổi, 7X và 8X.
Ngoài các ông đồ già áo the khăn xếp là các ông đồ trẻ bụi bặm với quần jeans áo thun hay lịch lãm trong các bộ vest… Và không chỉ có ở Quốc Tử Giám Hà Nội, những phố ông đồ còn lan tỏa ở nhiều tỉnh, TP trong cả nước, ở các tụ điểm lễ hội vui xuân hay các đình, đền, chùa, miếu…
Một mùa xuân nữa lại về, người người lại rủ nhau đi xin chữ cầu may đầu năm. Cùng với thời gian và sự chuyển biến của xã hội, mọi người vẫn nhớ tới nét đẹp văn hóa này là một điều đáng mừng. Tuy nhiên, việc xin chữ và cho chữ cần được trân trọng, bảo tồn và phát huy theo đúng với ý nghĩa nhân văn của phong tục này. Để đây không chỉ là phong tục mà còn trở thành một nét văn hóa xứng đáng được trân trọng và trở thành triết lý sống của mỗi người dân Việt.
Theo Pháp luật và xã hội