Năm 2022, ngành hồ tiêu của Việt Nam đối mặt với nhiều khó khăn do lạm phát tăng cao, nhu cầu tiêu thụ giảm. Do đó, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường chủ lực như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc giảm. Nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu toàn cầu giảm do lạm phát tăng cao và chính sách ‘Zezo Covid’ của Trung Quốc. Mặc dù vậy, giá hồ tiêu năm 2022 cao hơn so với năm 2021 dẫn đến trị giá nhập khẩu từ nhiều thị trường tăng’, Cục Xuất nhập khẩu nhận định.

Đồng quan điểm về vấn đề này, bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) - cho biết, năm 2022, bối cảnh thế giới có nhiều biến động về các yếu tố địa chính trị, chính sách tài chính tiền tệ của các nước thay đổi liên tục, tình hình lạm phát gia tăng… đã ảnh hưởng lớn đến nhu cầu tiêu dùng của thế giới. Việc này đã tác động đến xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu vẫn đạt được kết quả tích cực.

‘Ước tính cả năm, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam sẽ đạt gần 230.000 tấn (giảm 13-14% về sản lượng). Dù vậy, nhờ có sự hồi phục về giá nên kim ngạch xuất khẩu hạt tiêu cả năm dự kiến vẫn tăng nhẹ 2%, đạt gần 970 triệu USD, cao hơn con số 950 triệu USD năm 2021’, bà Hoàng Thị Liên chia sẻ.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, ước tính xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 đạt 226 nghìn tấn, trị giá 963 triệu USD, giảm 13,3% về lượng, nhưng tăng 2,7% về trị giá so với năm 2021. Giá xuất khẩu bình quân hồ tiêu của Việt Nam năm 2022 ước đạt 4.257 USD/tấn, tăng 18,5% so với năm 2021.

Hiện vụ thu hoạch hồ tiêu vụ mùa năm 2023 tại Việt Nam đã bắt đầu tại một số địa phương. Qua Tết Nguyên đán sẽ bắt đầu mùa vụ thu hoạch chính và kéo dài đến hết tháng 4. Dự kiến sản lượng hồ tiêu vụ mùa năm 2023 sẽ tăng khoảng 5% so với năm 2022, đạt 180.000 - 185.000 tấn.

Thời điểm này trùng với hàng vụ mới của Việt Nam được đưa ra thị trường. Do đó, Cục Xuất nhập khẩu khuyến nghị, ngành hồ tiêu Việt Nam cần tăng khả năng hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là về các khía cạnh như dư lượng hóa chất, các tiêu chí sản xuất bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh chế biến sâu, tạo ra những sản phẩm mới giúp tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Mặt khác, các Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA); Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) sẽ giúp ngành hồ tiêu Việt Nam tạo lợi thế cạnh tranh hơn so với các nước chưa có hiệp định. Để khai thác tốt thị trường tiềm năng lớn này, ngành hồ tiêu Việt Nam cần xây dựng và phát triển các vùng sản xuất, tuân thủ các quy trình thực hành nông nghiệp tốt, tiêu chuẩn quốc tế; tăng cường kiểm soát, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất hồ tiêu, nhằm tạo ra sản phẩm hồ tiêu đáp ứng yêu cầu của thị trường châu Âu.

‘Ngành gia vị Việt Nam nói chung và ngành hồ tiêu nói riêng đã ổn định và đang đi vào chuỗi giá trị của thế giới. Ngoài ra, ngành hồ tiêu Việt Nam cũng được đánh giá cao về năng lực chế biến với tỷ lệ hàng qua chế biến hiện chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu’, bà Hoàng Thị Liên chia sẻ và nhận định, với những thành tích đạt được trong năm 2022, ngành gia vị Việt Nam sẽ vẫn duy trì được nhịp độ chế biến sản xuất và xuất khẩu.

Bên cạnh đó, thuế nhập khẩu hồ tiêu xay hoặc nghiền xuất khẩu sang EU giảm từ 4% xuống còn 0%... So sánh với các nước có cùng lợi thế xuất khẩu như Việt Nam thì Indonesia, Malaysia, Ấn Độ đều chưa có ký kết hiệp định tự do thương mại với châu Âu.

Do đó, bà Hoàng Thị Liên khuyến nghị, Hiệp định EVFTA chính là một lợi thế mà các doanh nghiệp cần quan tâm dành thời gian đầu tư, tìm hiểu hiểu để có thể vận dụng tối đa các cam kết trong hiệp định. ‘Đây chính là khuôn khổ pháp lý để Việt Nam có thể đi sâu hơn vào thị trường EU và mở rộng thêm các thị trường khác như Đông Âu, Ba Lan, Nga…’, bà Hoàng Thị Liên cho biết.