ISSN-2815-5823

Xuất khẩu tôm năm 2023 giảm 21%

(KDPT) - Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu tôm Việt Nam năm 2023 dự kiến đạt khoảng 3,4 tỷ USD, thấp hơn 21% so với năm 2022.
rong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường Mỹ và EU ghi nhận tăng trưởng thì tại Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh về giá.
Trong khi xuất khẩu tôm Việt Nam sang các thị trường Mỹ và EU ghi nhận tăng trưởng thì tại Trung Quốc vẫn gặp nhiều khó khăn do cạnh tranh về giá. (Ảnh minh họa)

Về thị trường nhập khẩu, Hoa Kỳ là thị trường đơn lẻ lớn nhất, tiếp tục tăng nhập khẩu tôm của Việt Nam trong tháng 11. Tháng 11/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng 24% đạt 51 triệu USD, ghi nhận tháng thứ năm liên tiếp tăng trưởng dương. Lũy kế 11 tháng, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 640 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đối với thị trường EU, mức sụt giảm trong xuất khẩu sang thị trường này đã nhẹ hơn do nhu cầu cuối năm tăng, lạm phát tại đây cũng đã có phần hạ nhiệt. Tháng 11, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm 3% đạt 36 triệu USD.

Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tiếp tục giảm trong tháng 11. Nhu cầu của thị trường này không ổn định, tăng trưởng dương trong 3 tháng từ tháng 6 đến tháng 8, sau đó quay lại đà giảm trong tháng 9, 10 và 11. Tuy vậy, mức độ sụt giảm không mạnh như những tháng đầu năm. Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính.

Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho tại nước này mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung giá rẻ từ Ecuador.

Nhu cầu nhập khẩu tôm của Trung Quốc vẫn tăng mạnh nhưng do có quá nhiều nguồn cung “đổ xô” vào thị trường này với giá chào thấp. Nên tôm Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá. Tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt sang thị trường này vẫn giảm so với cùng kỳ. Các tháng đầu năm 2024, có thể phục hồi nhẹ.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá Trung Quốc sẽ ngày càng phụ thuộc vào thủy sản nhập khẩu, giống như mô hình các nước phương Tây. Lượng tiêu thụ tôm của Trung Quốc lớn, thậm chí hơn cả Hoa Kỳ và Châu Âu. Trong năm 2023, ước tính nước này nhập khẩu lượng tôm khổng lồ lên tới 1 triệu tấn, chủ yếu là để chế biến, tiêu thụ trong nước, xuất khẩu gần như không đáng kể.

Trung Quốc là thị trường mục tiêu của nhiều nước xuất khẩu tôm như Ecuador, Ấn Độ với nguồn cung tôm nguyên liệu giá rẻ nên tôm Việt Nam phải chịu áp lực cạnh tranh về giá. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng phải đối mặt với sự cạnh tranh từ chính các nhà chế biến tôm tại thị trường nội địa Trung Quốc.

Để tận dụng những cơ hội từ Trung Quốc, VASEP khuyến nghị, hoạt động giao thương B2B cần được tăng cường hơn nữa, trong đó giao thương cấp địa phương cần được quan tâm hơn. Ngoài ra, cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin về nhu cầu và quy định thị trường, đặc biệt khi có những thay đổi về chính sách xuất nhập khẩu.

Trong báo cáo ngành thủy sản mới công bố, Công ty Cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) kỳ vọng năm 2024, xuất khẩu tôm sang Mỹ và Nhật Bản có thể hồi phục sớm hơn EU về giá trị khi giá bán tăng trở lại. Điều này sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu tôm có thị trường chính là hai nước này gồm Thực phẩm Sao Ta và Minh Phú. Trong những tháng gần đây, xuất khẩu tôm sang Mỹ cải thiện nhờ nhu cầu tiêu dùng hồi phục, tuy nhiên, sản phẩm tôm nguyên liệu vẫn có sự cạnh tranh mạnh mẽ về giá từ các nước Ecuador và Ấn Độ. Giá bán của tôm Ecuador và Ấn Độ liên tục giảm do nguồn cung lớn đến từ tỷ lệ nuôi tôm thành công cao.

Theo báo cáo ngành tôm của Chứng khoán Vietcombank (VCBC), lạm phát tại Mỹ đang dần hạ nhiệt có thể kích thích người tiêu dùng nước này. Bên cạnh đó, các dịp lễ Giáng sinh và Năm mới vào thời điểm cuối năm sẽ tăng nhu cầu nhập khẩu của các nước phương Tây. Tuy nhiên, lượng hàng tồn kho của các nhà nhập khẩu còn dư thừa nhiều nên ngành thủy sản nhìn chung sẽ có những hồi phục rõ ràng hơn ở nửa cuối năm 2024.

Chuyên gia Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam Kim Thu nhận định, xu hướng nhập khẩu tôm tại thị trường Mỹ gần đây đang ít nhiều chịu tác động khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) và Ủy ban Thương mại Quốc tế (ITC) điều tra bốn nguồn cung tôm của Mỹ là Ấn Độ, Ecuador, Indonesia, Việt Nam vì những cáo buộc liên quan đến thuế chống bán phá giá và/hoặc trợ cấp trái phép.

Ngoài ra, khối lượng tôm nhập khẩu gia tăng tại Mỹ cũng có thể do ngành tôm toàn cầu đang chuẩn bị kịch bản cho một năm 2024 với tình hình dư cung vô cùng lớn. Thế giới sẽ phải đối mặt với tình huống mà chỉ có thể giải quyết bằng một trong hai cách: Giảm sản xuất hoặc tăng tiêu dùng. Các chuyên gia dự đoán một trong những nỗ lực của toàn cầu để tái cân bằng thị trường tôm là giảm tỷ lệ tăng trưởng của ngành xuống 3%./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024