Ấn Độ chìm sâu trong khủng hoảng Covid-19
Bệnh viện quá tải, thiếu ô xy và lò hỏa thiêu hoạt động hết công suất
Ấn Độ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất thế giới, chiếm gần một nửa các trường hợp toàn cầu. Những con số người nhiễm và tử vong liên tục bị xô đổ trong những ngày qua. Thậm chí, một số nhà phân tích còn tỏ ý nghi ngờ số liệu thực sự của các báo cáo. Họ cho rằng con số người mắc và tử vong do virut còn cao hơn rất nhiều.
Nhiều bệnh viện ở thủ đô New Delhi và trên khắp cả nước đã phải từ chối tiếp nhận bệnh nhân do thiếu giường bệnh và oxy.
Tỷ lệ tử vong của Ấn Độ, về mặt thống kê chính thức, vẫn tương đối thấp nếu so với các ổ dịch khác như Mỹ hay Brazil. Nhưng đến nay, Ấn Độ đã ghi nhận 16 triệu ca mắc Covid-19 cùng 187.000 ca tử vong, theo dữ liệu từ Đại học Johns Hopkins.
Làn sóng dịch bệnh thứ hai đang phá hủy cuộc sống của các cộng đồng cư dân, đánh gục nhiều bệnh viện trên khắp cả nước.
Mọi loại nhu yếu phẩm y tế đều đang khan hiếm. Các giường bệnh, cả giường bệnh thường lẫn giường chăm sóc tích cực, đều hết chỗ. Tại nhiều cơ sở y tế, mỗi giường bệnh có tới hàng chục bệnh nhân xếp hàng để chờ được sử dụng.
Còn nhớ, tháng 12/2020, khi tình trạng dịch bệnh Covid-19 có phần lắng xuống, các chính trị gia, người dân và nhiều chuyên gia y tế bắt đầu mang tâm lý chủ quan trước những nguy cơ mới.
Từ bỏ khẩu trang và giãn cách xã hội, hàng loạt các cuộc biểu tình chính trị, lễ hội tôn giáo kéo dài hàng tháng… liên tục được tổ chức khiến virus Covid-19 lan ra khắp đất nước với tốc độ chóng mặt.
Thủ đô New Delhi, một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đã ghi nhận 24.331 ca nhiễm mới và 348 ca tử vong hôm 23/4. Các bệnh viện luôn quá tải bệnh nhân và hỗn loạn, tình trạng tranh cướp giường bệnh, thuốc men, vật tư y tế…diễn ra phổ biến.
Tiến sĩ S. Chatterjee, bác sĩ nội khoa tại Bệnh viện Indraprastha Apollo (New Delhi) cho biết, giống như nhiều bác sĩ khác, ông đang kiệt quệ cả về thể chất và tinh thần khi phải làm việc liên tục với cường độ trung bình 18 giờ/ngày. Ông hầu như không có thời gian ăn và ngủ khi 10 ngày qua, mỗi ngày ông chỉ có 4 tiếng để ngủ.
“Thủ đô New Delhi là nơi có cơ sở hạ tầng tốt nhất hiện nay nhưng để thành phố có thể vượt qua được cơn bão dịch bùng phát này vẫn khó có thể tin được”, Tiến sĩ S. Chatterjee nói.
Nhiều bệnh viện tại thủ đô New Delhi đã lên các trang mạng xã hội để cầu xin chính phủ bổ sung nguồn cung cấp oxy y tế và đe dọa ngừng tiếp nhận bệnh nhân mới. Bộ trưởng Bộ Đường sắt Piyush Goyal cho biết chính phủ đã bắt đầu cho chạy các chuyến tàu tốc hành chở oxy y tế đến New Delhi để đáp ứng tình trạng thiếu hụt tại các bệnh viện. Không quân cũng được điều động để đưa nhân lực và vật lực y tế như bình dưỡng khí đến những khu vực cần thiết, chính phủ cho biết.
Trong khi đó, các cơ sở hỏa táng trên khắp đất nước Ấn Độ vẫn luôn đỏ lửa 24/24. Tại thành phố Surat ở Gujarat, lò hỏa thiêu phải hoạt động liên tục đến nỗi chảy cả thanh sắt. Tại nhiều nơi ở Delhi, xe cứu thương đã phải xếp hàng dài chờ đợi trước các cơ sở hỏa táng. Rajiv Agrawal, công nhân tại một cơ sở hỏa thiêu, nói với Independent rằng nhiều thi thể phải chờ ít nhất nửa ngày để được hỏa táng. Số lượng thi thể được đưa đến cơ sở gia tăng chóng mặt mỗi ngày.
Đợt bùng phát dịch lần này tại Ấn Độ bắt đầu từ giữa tháng 3, và đến nay không ai biết chắc quốc gia 1,3 tỷ dân này đã đi đến đỉnh dịch hay chưa.
Hôm 22/4, số ca mắc Covid-19 mới ở Ấn Độ là 312.732, phá kỷ lục thế giới trước đó thuộc về Mỹ. Nhưng thảm kịch chưa dừng lại. Chỉ một ngày sau, kỷ lục số ca nhiễm mới tiếp tục bị phá, với 332.730 trường hợp ghi nhận hôm 23/4. Ngày 25/4, số ca nhiễm mới trong một ngày tại Ấn Độ đã lên mức cao nhất thế giới, với 354.531 ca, cũng là cao nhất của Ấn Độ từ khi dịch bùng phát.
Hi vọng nào cho Ấn Độ?
Nhà chức trách cho biết đại dịch đang được kiểm soát. Song những hình ảnh đáng lo ngại, từ các trung tâm xét nghiệm quá tải đến việc bệnh viện từ chối người mắc Covid-19 ở các thành phố lớn, tràn lan trên mặt báo của quốc gia. Uttar Pradesh là bang đông dân nhất của Ấn Độ, cũng là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Tình hình tại Lucknow thảm khốc không kém. Sushil Kumar Srivastava, một bệnh nhân Covid-19, ngồi trong xe hơi, được thở oxy khi người nhà tuyệt vọng chở ông từ bệnh viện này đến bệnh viện khác. Khi họ tìm được giường thì đã quá muộn.
Ngược lại với tình thế hiểm nghèo của người dân, hiện chương trình tiêm chủng của Ấn Độ diễn ra rất chậm. Thậm chí sau khi nhiều tâm dịch như Maharashtra phải đóng cửa trạm tiêm chủng vì thiếu vắc xin, chính quyền trung ương vẫn chậm chạp không can thiệp. Mãi đến tuần thứ hai của tháng 4 ông Modi mới chịu thông qua khẩn cấp vắc xin Sputnik V của Nga theo lời khuyên của chuyên gia. Quốc gia Nam Á này cần khoảng 120 triệu liều vắc xin mỗi tháng để duy trì mục tiêu tiêm 4 triệu liều hàng ngày. Song các nhà sản xuất trong nước chỉ cung cấp đủ 65 triệu liều, dù đã hạn chế xuất khẩu. Người dân đến trung tâm y tế bắt gặp một cánh cửa im lìm và tấm biển “Không có vaccine”.
Sau bài phát biểu trước toàn dân ngày 20-4, ông Modi vẫn chưa có động thái gì giúp giải quyết cuộc khủng hoảng trước mắt ngoài vài lời kêu gọi. Trên Twitter, dân mạng chia sẻ hashtag #WeCannotBreathe (Chúng tôi không thở được) và chỉ trích sự lãnh đạo yếu kém của người đứng đầu.
Đến ngày 25-4, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi thừa nhận làn sóng Covid-19 thứ hai làm rung chuyển đất nước. “Covid-19 đang kiểm tra sự kiên nhẫn và khả năng chịu đựng của chúng ta. Rất nhiều người chúng ta yêu thương đã ra đi mãi mãi”.
Ông Modi khẳng định đánh bại Covid-19 là ưu tiên duy nhất của đất nước trong thời điểm hiện tại và tất cả mọi người dân cần cảnh giác với dịch bệnh, không nên tin vào những lời đồn, thông tin sai lệch trên Internet và sẵn sàng tiêm vắc xin ngay khi có thể.
Ông cũng xác định lời khuyên của các chuyên gia và nhà khoa học là vũ khí giúp chiến thắng cuộc chiến trước dịch bệnh Covid-19. Hiện lệnh phong tỏa New Delhi vừa được gia hạn thêm 6 ngày, đến 5h sáng ngày 3-5 nhằm kiểm soát tình hình.
Nhưng với tình hình thiếu hụt ô xy nghiêm trọng, hệ thống y tế đã quá tải, thậm chí bị phá vỡ ở nhiều nơi, ý thức của người dân còn hạn chế và cách thức chống dịch “nửa vời” của Ấn Độ, khả năng đất nước này vẫn còn lún sâu vào đại dịch trong thời gian tới.
Hiện tại, một loạt các quốc gia đã tuyên bố hỗ trợ Ấn Độ trong cuộc chiến chống dịch. Singapore đã tăng cường 4 bồn chứa oxy hóa lỏng cho Ấn Độ vào hôm 24/4.
Ngoài Singapore, Chính phủ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) cũng đang làm việc với phía Ấn Độ để chuyển giao các bồn chứa oxy. Liên minh châu Âu và Nga cũng sẽ gửi các chuyến hàng cung ứng về dược phẩm và oxy tới Ấn Độ. Tổ chức từ thiện Abdul Sattar Edhi của Pakistan đã gửi thư cho Thủ tướng Ấn Độ đề nghị giúp đỡ Ấn Độ 50 xe cứu thương và nhân viên cấp cứu. Thủ tướng Pakistan Imran Khan cũng đã bày tỏ ‘sự đoàn kết với người dân Ấn Độ trong cuộc chiến chống làn sóng Covid-19 khó khăn này’.
Ngày 25/4, Nhà Trắng cho biết, Mỹ sẽ “ngay lập tức” cung cấp các nguyên liệu thô để sản xuất vaccine ngừa Covid-19, cũng như các phương pháp trị liệu, bộ xét nghiệm, máy thở và thiết bị bảo vệ có sẵn cho Ấn Độ.
Cùng ngày, Văn phòng Tổng thống Pháp ra thông báo cho hay, nước này sẽ đề nghị hỗ trợ Ấn Độ tăng cường khả năng bổ sung hệ thống máy thở “quan trọng” trong những ngày tới, để giúp quốc gia Nam Á này chống chọi lại với đại dịch Covid-19.
Trước đó, chính phủ Anh cũng thông báo sẽ gửi hơn 600 thiết bị y tế, trong đó có máy tạo oxy và máy thở để hỗ trợ Ấn Độ đối phó với tình trạng gia tăng đột biến số ca Coivd-19.
Trong khi đó, trong nước các diễn viên, người có ảnh hưởng và cả các tỷ phú đã lên tiếng, kêu gọi hỗ trợ lương thực, thuốc men và giường bệnh cho những bệnh nhân và người bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Hiện đã có gần 17 triệu người mắc và gần 200.000 người tử vong do Covid-19, và con số này được dự báo sẽ không ngừng tăng lên trong những ngày tới nếu chính quyền Delhi không có những biện pháp quyết liệt hơn.
QUANG ĐỨC