ISSN-2815-5823

Những sự kiện thế giới nổi bật năm 2021

(KDPT) – Năm 2021 tiếp tục chứng kiến sự gia tăng về số ca nhiễm và số ca tử vong do đại dịch Covid-19. 2021 cũng là năm có nhiều biến động chính trị, kinh tế.

Covid-19 tiếp tục lan rộng

Đại dịch Covid-19 đã bước sang năm thứ 2. Nhân loại phải trải qua khoảng thời gian khó khăn với hơn 283 triệu ca mắc; trong đó hơn 5,4 triệu ca tử vong và hơn 251 triệu ca hồi phục, tính đến ngày 29/12.

Một trong những điểm sáng trong năm Covid-19 ảm đạm là chiến dịch tiêm vắc-xin được đẩy mạnh trên toàn cầu. Theo thống kê mới nhất của trang Our World in Data, tính đến ngày 29.12 đã có 57,4% dân số thế giới được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin; hơn 9 tỉ liều vắc-xin đã được tiêm trên toàn cầu; trung bình 31,42 triệu liều được tiêm mỗi ngày. Tuy nhiên, tỉ lệ người dân ở các nước thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin mới đạt 8,3%.

Tắc nghẽn ở kênh đào Suez

Pha “dừng hình” chắn ngang kênh đào Suez của siêu tàu Ever Given. Ảnh: AFP

Ngày 23/3, siêu tàu container Ever Given mắc cạn ở phía Nam Kênh đào Suez đã làm đình trệ nghiêm trọng giao thương Á-Âu và gây thiệt hại khoảng 10 tỷ USD/ngày. Tuyến vận tải được đưa vào hoạt động từ năm 1869 này là nơi lưu chuyển khoảng 10% khối lượng thương mại hàng hóa, 10% khối lượng dầu và 8% khối lượng khí LNG toàn thế giới. Sự cố tàu Ever Given mắc cạn tại kênh đào nhộn nhịp bậc nhất thế giới này đã bộc lộ điểm yếu của ngành vận tải biển và sự phụ thuộc lớn của giao thương toàn cầu vào Kênh đào Suez. Vụ việc đã cho thấy sự cấp thiết phải đa dạng hóa các tuyến đường vận chuyển hàng hải quốc tế.

Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ

Tổng thống Joe Biden ngồi trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng ở Washington, sau khi nhậm chức.

Tổng thống Joe Biden đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Mỹ thứ 46 vào trưa 20/1 (theo giờ Mỹ) trong một cuộc bầu cử đầy kịch tính và vô tiền khoáng hậu. Nửa tháng trước khi ông Biden nhậm chức, vào ngày 6.1, vụ bạo loạn Đồi Capitol đã gây chấn động nước Mỹ. Đám đông ủng hộ ông Donald Trump xông vào Đồi Capitol trong lúc Quốc hội Mỹ họp để chứng nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Trong phiên họp lưỡng viện Quốc hội Mỹ ngày 6/1 sau nhiều giờ trì hoãn vì bạo loạn, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence, với cương vị Chủ tịch Thượng viện, chính thức xác nhận ông Joe Biden, ứng viên Tổng thống Mỹ đảng Dân chủ giành được 306 phiếu đại cử tri, chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống 2020. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump nhận được 232 phiếu.

Hai lần tranh cử thất bại, hơn 40 năm làm việc ở Thượng viện cộng với hai nhiệm kỳ làm Phó Tổng thống Mỹ dưới thời Barack Obama cho Biden kinh nghiệm để ông vượt qua nhiều khó khăn, tìm được sự ủng hộ của cử tri, dẫn đến cái kết là ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020 của nước Mỹ.

Sau một năm cầm quyền, ông Biden đã đạt được cả thành công và thất bại. Kinh tế Mỹ phục hồi nhịp độ tăng trưởng, tỉ lệ thất nghiệp giảm. Nhiều gói kích thích quy mô lớn nhằm ứng phó dịch bệnh, giải quyết các vấn đề kinh tế xã hội và nâng cao tăng trưởng kinh tế đã được đưa ra. Tuy nhiên, sự xuất hiện của biến thể Delta và Omicron làm cho ông Biden không thể thực hiện thành công cam kết về đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Hội nghị COP26 đạt nhiều cam kết về giảm phát thải

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo dự Hội nghị COP26.

Hội nghị lần thứ 26, các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) đã nhất trí thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow, tái khẳng định cam kết duy trì mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng dưới 1,5 độ C. Nhiều nước cũng công bố thời hạn cụ thể để đưa mức phát thải ròng về 0, chấm dứt nạn phá rừng và cắt giảm 30% lượng phát thải khí mêtan gây hiệu ứng nhà kính vào năm 2030, chấm dứt đầu tư cho ngành nhiên liệu hóa thạch, cam kết tăng mức hỗ trợ tài chính cho các nước nghèo và các nước đang phát triển để đối phó với biến đổi khí hậu…

Hội nghị thể hiện một bước tiến trong tiếp cận toàn cầu đối với vấn đề biến đổi khí hậu.

Thủ tướng Đức Angela Merkel rời chính trường sau 16 năm

Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Kỷ nguyên Angela Merkel kết thúc vào ngày 8/12 khi nữ thủ tướng được ví như “tượng đài” của nước Đức chính thức rời nhiệm sở sau 16 năm cầm quyền. Bà Angela Merkel đã được đảm bảo một vị trí trong sử sách ngay khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên của Đức vào ngày 22/11/2005.

Trong 16 năm tại vị, bà Angela Merkel đã ghi đậm dấu ấn là một nữ chính trị gia quyền lực, dẫn dắt nước Đức và Liên minh châu Âu (EU) vượt qua những thời điểm khó khăn của các cuộc khủng hoảng tài chính, nợ công và người di cư, để lại nhiều thành tựu cả về đối nội và đối ngoại. Được đánh giá là nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất châu Âu, 14 lần được tạp chí Forbes bình chọn là người phụ nữ quyền lực nhất thế giới, bà Merkel đã đưa Đức trở thành nền kinh tế lớn nhất châu Âu và nước Đức trở thành biểu tượng của hòa bình và hòa hợp.

DUY KHÁNH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine