Tính từ tháng 12/2021 đến tháng 1/2022, giá tổng thể (lạm phát) tăng 0,6% so với tháng 12 – cao hơn so với mức 0,4% mà các nhà kinh tế mong đợi và mức tăng của tháng trước là 0,5%.

Giá hàng hóa tăng cao tại Mỹ tạo áp lực đáng kể cho người tiêu dùng.

Chính phủ cho biết, sự gia tăng tổng thể là kết quả của mức tăng chung giữa giá thực phẩm, điện và giá nhà ở, đồng thời chỉ ra rằng giá năng lượng là động lực chính do tăng 0,9% hàng tháng.

Mức tăng vọt này không chỉ gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng Mỹ, làm “xóa sổ” các khoản tăng lương mà còn củng cố quyết định của Cục Dự trữ Liên bang (Fed) về việc bắt đầu tăng lãi suất đi vay trên toàn nền kinh tế.

Dữ liệu lạm phát mới nhất cũng gợi ý cho một số nhà kinh tế rằng Fed có thể tăng lãi suất cơ bản trong tháng 3 thêm 1,5 điểm phần trăm, thay vì mức tăng theo quý thông thường.

James Bullard, chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St. Louis, nói với Bloomberg News rằng ông ủng hộ việc tăng mạnh toàn bộ điểm phần trăm trong lãi suất ngắn hạn chuẩn vào tháng 7.

Theo thời gian, lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cho một loạt các khoản vay, từ thế chấp và thẻ tín dụng cho đến các khoản vay mua ô tô và kinh doanh. Điều đó có thể làm giảm chi tiêu và lạm phát, nhưng đối với Fed, quyết định thắt chặt tín dụng đều đặn cũng có thể gây ra một cuộc suy thoái khác.

Tháng trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ từ 5,2% xuống 4%, với lý do Cục Dự trữ Liên bang loại bỏ các biện pháp kích thích thời đại đại dịch.

Ông Nathan Sheets, chuyên gia kinh tế toàn cầu của Citigroup, cho biết: “Một phần của những gì chúng ta đang thấy ở Mỹ rất giống với phần còn lại của thế giới. Sức mạnh tổng cầu của Mỹ đang bị đe dọa nghiêm trọng”.

Các quan chức Nhà Trắng đã mô tả lạm phát là một tác dụng phụ từ sự phục hồi mạnh mẽ, và tình trạng này sẽ giảm dần trong nửa cuối năm nay. Tại Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden đã có phát biểu về lạm phát trong đại dịch Covid-19 như sau: “Trong trận đại dịch này, túi tiền của bạn cảm nhận rõ nhất hậu quả, đó là lạm phát, giá cả leo thang…Bất cứ nhà máy nào trên thế giới phải đóng cửa, việc sản xuất và vận chuyển hàng hóa đến các cửa hàng, gia đình và doanh nghiệp trên toàn thế giới sẽ bị gián đoạn”.

Nhưng một số nhà kinh tế cho biết người Mỹ cũng đang chứng kiến lạm phát tăng nhanh hơn những nơi khác do cấu trúc của nền kinh tế Mỹ và bản chất của cuộc giải cứu tài chính “xa hoa” được chính phủ triển khai để chống lại đại dịch. Bắt đầu từ tháng 3/2020, khi các đợt đóng cửa đầu tiên đưa nền kinh tế hàng đầu thế giới vào trạng thái rơi tự do, Quốc hội đã phê duyệt tổng cộng gần 6.000 tỷ USD để giữ cho người Mỹ có thể đảm bảo chi tiêu tài chính.

HÀ ANH