ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ năm, 06h00 28/03/2024

Bài 2: Việt Nam nỗ lực bắt nhịp cùng thế giới trong hành trình đổi mới sáng tạo

(KDPT) - Việc đổi mới sáng tạo thời đại kỹ thuật số, hay còn gọi là chuyển đổi số đang là trọng tâm phát triển của nhiều nước trên thế giới. Có thể thấy rằng, xu hướng đổi mới sáng tạo đã tạo nên những làn sóng mà ở đó các doanh nghiệp, tổ chức hay cá nhân đều cần phải nắm bắt cơ hội, đón nhận và áp dụng triệt để.

Thế giới không ngừng đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp – CIEM cho biết, tại Trung Quốc, khái niệm công nghiệp sáng tạo lần đầu được áp dụng tại Thượng Hải 2004, thể hiện tầm nhìn của quốc gia trong việc chuyển đổi từ một nền kinh tế công nghiệp dựa trên xuất khẩu sang nền kinh tế sáng tạo có tính bền vững, có quyền sở hữu trí tuệ gốc và phát triển thương hiệu hàng đầu, nhằm thúc đẩy quyền lực mềm thông qua xuất khẩu văn hoá.

Trung Quốc cũng ban hành Chiến lược “Made in China 2025” tập trung vào việc phát triển các lĩnh vực công nghiệp có giá trị gia tăng và công nghệ cao để tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao. Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc (2016-2020) đã xem kinh tế sáng tạo như một ngành công nghiệp mới nổi chiến lược.

Làn sóng đổi mới sáng tạo đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. (Ảnh minh họa)
Làn sóng đổi mới sáng tạo đang diễn ra tại nhiều nước trên thế giới. (Ảnh minh họa)

Tại Hàn Quốc, kinh tế sáng tạo được quốc gia này đặt làm chương trình nghị sự, chính sách lớn trong năm 2013. Theo định nghĩa của Chính phủ Hàn Quốc, nền kinh tế sáng tạo là một chiến lược kinh tế mới, tạo ra các ngành công nghiệp và thị trường mới bằng cách tích hợp, điều chỉnh trí tưởng tượng và tính sáng tạo vào khoa học, công nghệ thông tin và truyền thông, tạo việc làm bền vững thông qua việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp truyền thống.

Một số ngành công nghiệp sáng tạo tại Hàn Quốc có mức xuất khẩu cao có thể kể đến như: Trò chơi (2,9 tỷ USD năm 2014); làn sóng Hàn Quốc Hallyu (Hàn Lưu) thông qua điện ảnh và âm nhạc (Kpop)...

Ở Hoa Kỳ, 4,01% tổng số doanh nghiệp và 2,04% lao động đang tham gia vào các lĩnh vực công nghiệp sáng tạo khác nhau. Hoạt động kinh tế văn hóa và nghệ thuật chiếm 4,4% GDP, tương đương 1,02 nghìn tỷ USD vào năm 2021. Để hỗ trợ những người lao động và doanh nghiệp trong ngành công nghiệp sáng tạo, năm 2022, Thượng viện và Hạ viện của Hoa Kỳ đã đưa ra Đạo luật Thúc đẩy lực lượng lao động kinh tế sáng tạo và nghệ thuật địa phương (PLACE).

Theo đó, tăng nguồn lực liên bang và mở rộng lợi ích liên bang cho những người sử dụng tính sáng tạo và kỹ năng trong công việc; trao quyền cho những người lao động sáng tạo, giúp thúc đẩy tăng trưởng ở các doanh nghiệp mới và hiện có, đồng thời thúc đẩy xuất khẩu văn hóa Hoa Kỳ ra nước ngoài; thành lập hội đồng liên ngành để khuyến khích phát triển nền kinh tế sáng tạo.

Singapore đã ban hành các chiến lược thúc đẩy kinh tế sáng tạo theo hướng top-down với định hướng của Chính phủ và sự phối hợp của các cơ quan quản lý. Quốc gia này phát triển hệ thống đo lường kinh tế sáng tạo thông qua đẩy mạnh công tác thống kê, phục vụ hiệu quả cho công tác chỉ đạo của Chính phủ. Đồng thời, xây dựng kế hoạch tổng thể để phối hợp và triển khai các nhóm chính sách và chiến lược khác nhau, bao gồm: (i) Kế hoạch Thành phố Phục hưng; (ii) Kế hoạch Quốc gia Truyền thông 21; (iii) Kế hoạch Quốc gia Thiết kế.

Từ kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới, nhiều chuyên gia nhận định để phát triển nền kinh tế sáng tạo, Việt Nam cần hoàn thiện các thể chế chính sách, pháp luật nhằm tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp cho sự phát triển nền kinh tế sáng tạo. Cần có tư duy lồng ghép kinh tế sáng tạo trong hoạch định chính sách phát triển kinh tế, chính sách xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ. Tạo cơ chế hỗ trợ (thuế, tài chính, mặt bằng, kết nối, liên kết ngành...) cho phát triển kinh tế sáng tạo. Thúc đẩy chuyển đổi số để hỗ trợ hiệu quả hơn cho kinh tế sáng tạo…

Việt Nam cần nỗ lực để không bị bỏ lại phía sau

Vừa qua, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) đã công bố Báo cáo Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2023 (GII 2023); trong đó, Việt Nam xếp hạng 46/132 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2022.

Báo cáo GII 2023 cho thấy Việt Nam tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo, tăng 2 bậc so với năm 2022, từ vị trí 59 lên 57 (đầu vào đổi mới sáng tạo gồm 5 trụ cột gồm: Thể chế; nguồn nhân lực và nghiên cứu; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp). Đầu ra đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2022, từ vị trí 41 lên 40 (đầu ra đổi mới sáng tạo gồm 2 trụ cột: Sản phẩm tri thức và công nghệ; sản phẩm sáng tạo).

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).
Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC).

Ông Vũ Quốc Huy - Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia (NIC) cho rằng, để theo kịp với xu thế chung của thế giới, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, các chính sách nhằm tạo "chất xúc tác" cho đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ hơn.

Theo ông Huy, để đẩy mạnh đổi mới sáng tạo và phát triển trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung triển khai một số giải pháp sau:

Về hoàn thiện và phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, cần tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mạnh mẽ, bao gồm sự kết hợp giữa doanh nghiệp; trường đại học, tổ chức nghiên cứu; Chính phủ; chuyên gia đổi mới sáng tạo; các tổ chức hỗ trợ, ươm tạo và cộng đồng. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc chia sẻ kiến thức, tài nguyên và kỹ thuật tiên tiến.

Về hoàn thiện cơ chế chính sách khuyến khích đổi mới sáng tạo, cần tạo ra môi trường thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính, đào tạo và tư vấn cho các startup và doanh nghiệp công nghệ mới, thành lập quỹ đổi mới sáng tạo. Cần tạo ra các chính sách khuyến khích và giảm rào cản để khởi nghiệp và phát triển công nghệ.

Về nâng cao năng lực R&D, cần tăng cường đầu tư vào R&D, đặc biệt là trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển cao. Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp để hợp tác và thúc đẩy sự chuyển giao công nghệ.

Về tận dụng công nghệ số và AI, cần tận dụng tiềm năng của công nghệ số và trí tuệ nhân tạo để thúc đẩy đổi mới và nâng cao năng suất. Cần tạo ra chính sách và môi trường thuận lợi để khuyến khích sử dụng và phát triển các công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo, máy học, blockchain và Internet of Things (IoT).

Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có hệ sinh thái đổi mới sáng tạo năng động nhờ tốc độ phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số và sự tăng trưởng mạnh mẽ của lĩnh vực công nghệ. Trong đó, một số thuận lợi có thể kể đến như cơ sở hạ tầng số của Việt Nam phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây, với tốc độ tăng trưởng ấn tượng của lượng người dùng Internet và điện thoại thông minh.

Đặc biệt, cơ sở hạ tầng thanh toán trực tuyến của Việt Nam ngày một hoàn thiện và đang mở rộng nhanh chóng, mang lại nhiều lựa chọn thanh toán không tiền mặt dành cho người tiêu dùng, bao gồm thẻ tín dụng, chuyển khoản ngân hàng và ví điện tử.

Việt Nam có dân số trẻ với tỷ lệ người dùng am hiểu công nghệ cao, sẵn sàng tiếp nhận các sản phẩm công nghệ mới. Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp ở Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là sự nổi lên của các công ty lớn trong lĩnh vực thương mại điện tử và fintech. Nền kinh tế số Việt Nam dự báo sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực Đông Nam Á, ở mức 31% trong giai đoạn 2022-2025.

Với những nguồn lực đang có cũng như một thái độ cầu thị, học hỏi không ngừng nghỉ, Việt Nam hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự phát triển toàn diện của nguồn nhân lực, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, lòng tự hào dân tộc, ý chí tự cường và phát huy giá trị văn hóa, con người Việt Nam trong bối cảnh mới./.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 22/11/2024