ISSN-2815-5823
Việt Anh
Thứ sáu, 06h00 22/03/2024

Bài 1: Cơ chế chính sách là bệ phóng cho sự phát triển đổi mới sáng tạo tại Việt Nam

(KDPT) - Đổi mới sáng tạo hiện nay đã, đang và sẽ là mục tiêu chính trong sự phát triển của đất nước. Nguồn lực quan trọng nhất hỗ trợ cho các tổ chức đổi mới sáng tạo (ĐMST), khởi nghiệp sáng tạo (KNST) chính là hành lang pháp lý thuận lợi, cơ chế, chính sách ưu đãi, nguồn lực tài chính phù hợp…

ĐMST là xu thế tất yếu

Thế giới đã và ngày càng phát triển bởi những tiến bộ khoa học công nghệ và ĐMST. ĐMST đang là một xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, đòi hỏi khách quan và ưu tiên hàng đầu của đất nước ta để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc.

ĐMST đề cập đến tiến trình phát triển các hoạt động nghiên cứu, phát triển các phát minh, sáng chế về công nghệ gắn liền với vai trò của các trung tâm nghiên cứu, các cơ sở đào tạo, những phát minh, sáng chế, nguồn nhân lực và quá trình sử dụng, tương tác, thực hiện các sáng tạo công nghệ trên thực tiễn gắn với vai trò của các doanh nghiệp và các thể chế xoay quanh sự vận hành của các doanh nghiệp, bao gồm hệ thống chính sách, thể chế tài chính, kết cấu hạ tầng giáo dục, truyền thông và các điều kiện của thị trường. Bên cạnh đó, ĐMST còn bao hàm chính sách và chiến lược công nghệ nhằm định hướng và phát huy vai trò của các yếu tố trên để đạt được mục đích nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa, dịch vụ, hoàn thiện kỹ năng của người lao động và tối đa hóa hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội.

Nhìn vào cục diện phát triển kinh tế thế giới hiện nay, các quốc gia phát triển, như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Mỹ, Anh, Singapore, Phần Lan, Đức, đều là những nền kinh tế đứng đầu về các chỉ số ĐMST. Cùng với đó là sự ảnh hưởng từ các doanh nghiệp công nghệ của các quốc gia phát triển đối với nền kinh tế thế giới.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính từng chia sẻ, việc tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả và vươn lên về khoa học và công nghệ, ĐMST, Việt Nam mới bắt kịp, đi cùng và tiến lên cùng thế giới trên con đường phát triển nhanh, bền vững, hấp thụ tốt nhất những tiến bộ khoa học của nhân loại. Theo đó, Đảng, Nhà nước ta đã sớm quan tâm, có nhiều chủ trương, đường lối lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt qua các thời kỳ về phát triển khoa học và công nghệ, ĐMST, với quan điểm coi khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, đòi hỏi khách quan và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Hà)
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Đổi mới sáng tạo là một xu thế tất yếu, lựa chọn chiến lược, đòi hỏi khách quan và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam. (Ảnh: Thanh Hà)

Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: Phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, ĐMST và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã và đang triển khai các chương trình hành động cụ thể để đẩy mạnh phát triển toàn diện hệ sinh thái ĐMST tạo môi trường thúc đẩy nghiên cứu phát triển, ứng dụng khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

Thủ tướng cũng khẳng định: "Khoa học và công nghệ giữ vai trò then chốt trong việc phát triển lực lượng sản xuất hiện đại, bảo vệ tài nguyên và môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tốc độ phát triển và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát triển khoa học và công nghệ nhằm mục tiêu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế tri thức, vươn lên trình độ tiên tiến của thế giới".

Tạo cơ chế chính sách hỗ trợ cho ĐMST

Tại buổi tọa đàm: “Cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển các tổ chức ĐMST, khởi nghiệp sáng tạo” do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Minh đánh giá, hệ thống ĐMST quốc gia có nhiều khởi sắc, như chỉ số ĐMST toàn cầu (GII) có sự cải thiện thứ hạng, cùng sự ra đời của các Trung tâm ĐMST ghi dấu ấn đã thúc đẩy hoạt động ĐMST và KNST phát triển mạnh mẽ, tạo ra một thế hệ doanh nghiệp mới kinh doanh dựa trên tài sản trí tuệ và đủ năng lực tiếp cận thị trường toàn cầu. 

Thứ trưởng Hoàng Minh nhấn mạnh: “Việc xác định loại hình tổ chức, định danh, vấn đề thuận lợi, khó khăn sẽ là cơ sở xây dựng cơ chế chính sách kịp thời thúc đẩy ĐMST, hệ sinh thái KNST”.

Ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN cho biết: Hệ sinh thái KNST Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, tính đến tháng 3/2023, tổng số vốn đầu tư mạo hiểm đạt 427 triệu USD. Theo Báo cáo GII do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố mới đây, Việt Nam có sự cải thiện thứ hạng, từ vị trí 48 lên 46 trên 132 quốc gia, vùng lãnh thổ. Hiện nay đã có 20 địa phương đã và đang xây dựng Đề án hình thành Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST; 60 tỉnh, thành phố ban hành kế hoạch triển khai Đề án 844; 39 tỉnh, thành phố ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân quy định cơ chế tài chính cho hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp; Hà Nội và TP.HCM lọt top 200 hệ sinh thái khởi nghiệp toàn cầu.

Những con số trên cho thấy, hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST Việt Nam đang trên đà phát triển, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, còn thiếu những chính sách để phát triển hệ sinh thái KNST như quỹ tài trợ vốn, chính sách khuyến khích cá nhân đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp KNST, khuyến khích các chương trình đào tạo ĐMST trong trường học. Điều này đặt ra thách thức cho các công ty khởi nghiệp trong việc đảm bảo nguồn vốn, thu hút và giữ chân nhân tài, cũng như tuân thủ các quy định phức tạp.

Cơ chế chính sách phù hợp sẽ kiến tạo thành công cho sự phát triển đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa)
Cơ chế chính sách phù hợp sẽ kiến tạo thành công cho sự phát triển đổi mới sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Mai Dương - Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ nhìn nhận, doanh nghiệp Việt ĐMST ít hơn so với kỳ vọng tương ứng mức độ phát triển của quốc gia, đặc biệt trong ĐMST sản phẩm, quy trình, cũng như so với doanh nghiệp của một số quốc gia khác như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Phillippines. Nhiều chính sách ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp thường khó tiếp cận vì thủ tục hành chính; cơ chế quản lý không theo kịp phát triển của ĐMST và trở thành rào cản. Kiến nghị chính sách thúc đẩy ĐMST thông qua phổ biến công nghệ.

Theo đó, cần củng cố khung pháp lý, tạo sân chơi bình đẳng cho doanh nghiệp. Việc tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo công cụ thúc đẩy đổi mới và ứng dụng công nghệ cũng là một vấn đề cần quan tâm. "Việt Nam cần xây dựng chiến lược phát triển kỹ năng quốc gia toàn diện, liên kết hợp tác trong hoạt động R&D giữa viện trường với doanh nghiệp". Một số chính sách khác được khuyến nghị bao gồm thúc đẩy hiệu ứng lan tỏa và liên kết giữa các doanh nghiệp; tăng cường tiếp cận tài chính cho ĐMST; tăng cường cơ sở hạ tầng, năng lực kết nối và khả năng tiếp cận công nghệ.

"Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần thiết phải sớm có cơ chế, chính sách chung, có trọng điểm về ĐMST và KNST theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là các chính sách chấp nhận mức rủi ro cao, hình thành các Hub về ĐMST, cơ chế chia sẻ và dùng chung hạ tầng nghiên cứu và phát triển", ông Dương nhấn mạnh.

Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về đầu tư, doanh nghiệp để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư; triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào hệ thống ĐMST, từ đó thuận lợi hơn trong quá trình tìm kiếm và thúc đẩy các giải pháp công nghệ để hỗ trợ, phát triển nền kinh tế, xã hội của đất nước./.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 09/05/2024