ISSN-2815-5823

Bảo tồn đa dạng sinh học vườn quốc gia Chư Mom Ray và những vấn đề cần tháo gỡ

(KDPT) - Vườn quốc gia (VQG) Chư Mom Ray cách thành phố Kon Tum 30 km về hướng bắc, trải dài trên 2 huyện Sa Thầy và Ngọc Hồi với tổng diện tích hơn 56.000 ha.

VQG Chư Mom Ray hiện là một trong 3 vườn di sản có diện tích lớn nhất và có tính đa dạng sinh học cao nhất trong cả nước. Nằm ở độ cao từ 200 m đến 1.773 m so với mực nước biển, địa hình phức tạp, chia cắt bởi nhiều sông, suối lớn nhỏ, đã tạo cho Chư Mom Ray một khu hệ động, thực vật rất phong phú và đa dạng chính sự đa dạng, nguyên sơ đó đã tạo nên sức hấp dẫn cho VQG Chư Mom Ray nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung.

Mức lương của lực lượng Bảo vệ rừng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đơn vị này.

Bảo tồn đa dạng sinh học tiềm năng phát triển du lịch sinh thái

VQG Chư Mom Ray được hình thành từ Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mom Ray, đây cũng là Vườn quốc gia duy nhất của Việt Nam tiếp giáp với hai nước láng giềng Lào và Campuchia. Ngay cạnh VQG Chư Mom Ray là VQG Virachey của Campuchia và Khu bảo tồn Đông Nam Ghong của Lào. Diện tích rừng của toàn bộ khu vực này khoảng 700.000 ha tạo thành một khu bảo tồn rộng lớn xuyên quốc gia, có tầm quan trọng đặc biệt đối với bảo tồn đa dạng sinh học ở khu vực Đông Dương và Đông Nam Á.

Chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa (mùa khô và mùa mưa) ở đây tồn tại 12 kiểu rừng khác nhau, từ rừng kín nguyên sinh lá rộng thường xanh, rừng rêu thứ sinh, đồng cỏ... trong đó có các loài thực vật quý, hiếm như: Kim giao (Podocarpus wallichii), Thông tre (P. annamensis), Trắc (Dalbergia Tonkinensis), Cẩm lai (Dalbergia olivieri), Gụ mật (Sindora siamensis). Đặc biệt với đồng cỏ (thung lũng Ja Book) rộng vào loại lớn nhất Việt Nam (hơn 10.000 ha), nơi đây là sinh cảnh sống của nhiều loài thú móng guốc và thú ăn thịt như: Mang trường sơn (Canninmuntiacus truongsonenis), Bò tót (Bos gaurus), Sói đỏ ( Cuon alpimus), Mèo rừng (Prionailurus bengalensis), Beo lửa (Catopuma temmincki), Gấu ngựa (Selenarctos thibetanus).

Ngoài ra, hệ động, thực vật VQG Chư Mom Ray còn có nhiều loài bò sát, lưỡng cư. Trên các đỉnh núi cao như đỉnh Ngọc Vil (1.480m); đỉnh Chư đô ( 1.145m); đỉnh Ngọc Tơ Ba (1.030m) và đỉnh Chư Mom Ray (1.773m) là sinh cảnh sống của các loài linh trưởng và chim. Đặc biệt, ở Chư Mom Ray còn hiện hữu 3 loài Voọc chà vá (Chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), Chà vá chân xám (P.Pygathrix cinerea) và Chà vá chân đen (P.nigripes)), loài chim Hồng hoàng (Buceros bicornis), Niệc mỏ vằn (Rhyticeros undulatus), Công (Pavo muticus), Trĩ sao (Rheinardia ocellata), Gà tiền mặt đỏ (Polyplectron germaini),.... là những loài đặc hữu đẹp ở Chư Mom Ray.

Tài nguyên rừng ở VQG Chư Mom Ray là nguồn tài nguyên khoa học quan trọng, nuôi dưỡng các hệ sinh thái rừng và các quần thể động, thực vật vô cùng phong phú và đặc sắc. Là những hóa thạch sống của các loài thực vật hạt trần (Gymnospermae) và Tuế lá sẻ (Cycadopsida)…

Theo kết quả điều tra đến nay đã ghi nhận VQG Chư Mom Ray có 1.001 loài động vật (trong đó có 112 loài quý, hiếm) và 1.895 loài thực vật thuộc 541 chi, 184 họ. Trong đó ngành Dương xỉ 178 loài, ngành thực vật Hạt trần 11 loài, ngành thực vật Hạt kín 1.302 loài, trong đó có 192 loài quý hiếm cấp CR, EN, VU và LR, được ghi trong sách đỏ Việt Nam và thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt.

Với diện tích 56.249 ha còn tồn tại diện tích tương đối lớn rừng nguyên sinh, độ che phủ rừng đạt 96,51% (năm 2021), VQG Chư Mom Ray có vai trò quan trọng trong việc điều tiết nguồn nước cho khu vực, chống xói mòn, rửa trôi và bảo vệ công trình thủy điện Ya Ly, Pleikrong, Sê San 3. Với các kiểu rừng đa dạng, hệ thực vật phong phú, phân nhiều tầng tán, với những dải rừng xanh bạt ngàn, những thác nước, đồng cỏ rộng, những ngày hè nóng bức được đi dưới những cánh rừng ở Chư Mom Ray, được hít thở không khí thật trong lành, quan sát cảnh đẹp thiên nhiên, thưởng thức tiếng chim hót, ta có cảm giác tuyệt vời như được hòa quyện với thiên nhiên. Có thể nói VQG Chư Mom Ray thực sự là lá phổi trong việc điều hòa không khí cho khu vực. Với tầm quan trọng và giá trị về đa dạng sinh học, năm 2004 Vườn quốc gia Chư Mom Ray được hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á công nhận là Vườn Di sản ASEAN.

VQG Chư Mom Ray là nguồn tài nguyên khoa học quan trọng, nuôi dưỡng các hệ sinh thái rừng và các quần thể động, thực vật vô cùng phong phú và đặc sắc.

Nằm gần cửa khẩu quốc tế Bờ Y (ngã ba đông dương) có đường Hồ Chí Minh đi qua, xung quanh là đồng bào dân tộc Rmâm, Hơ Lăng, Brâu là những tộc người còn số dân ít nhất trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với những nét truyền thống văn hóa đặc sắc sẽ là tiềm năng lớn trong phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng.

Nhờ các đặc điểm sinh thái và giao thông thuận lợi sẽ khai thác các tuyến du lịch khám phá các khu rừng nguyên sinh với các đỉnh cao trên 1000 m , quan sát thú lớn trên đồng cỏ; du lịch dã ngoại với thắng cảnh thiên nhiên đẹp và yên tĩnh như các thác nước, các khu rừng Sấu, rừng Bằng lăng thuần loài; kết hợp với các điểm du lịch văn hóa, lịch sử đang phát triển mạnh ở Kon Tum, tạo thành điểm dừng chân trong các tour du lịch quốc tế đi qua Đà Nẵng, Huế, các nước Đông dương; bên cạnh đó công tác nghiên cứu khoa học cũng sẽ hấp dẫn các nhà khoa học quan tâm tại Chư Mom Ray.

Ngày 4/4/2023 tại TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tỉnh uỷ Đắk Lắk và Viện Đào tạo Tư vấn và Phát triển kinh tế (IDE) tổ chức Hội thảo “Phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp xanh, bền vững vùng Tây Nguyên gắn với quản lý, bảo vệ và phát triển rừng”.

Tại hội thảo, ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo sơ kết Chỉ thị 13-CT/TW, nhấn mạnh: “Phát triển vùng Tây Nguyên phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, bảo đảm thống nhất với hệ thống quy hoạch quốc gia, phù hợp với chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cơ cấu lại kinh tế vùng theo hướng phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm; chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, dựa trên ứng dụng công nghệ cao và chuyển đổi số”.

“Tây nguyên cần chú trọng bảo vệ, khôi phục, phát triển rừng, nâng cao đời sống, sinh kế của người dân gắn với rừng. Tây Nguyên là vùng có diện tích rừng lớn thứ hai cả nước, có tiềm năng lớn về phát triển tài nguyên rừng và nhiều lợi thế về phát triển kinh tế, phát triển lâm nghiệp. Rừng Tây Nguyên có ảnh hưởng lớn tới đời sống kinh tế - xã hội của các dân tộc thiểu số, có vị trí quan trọng về an ninh chính trị, môi trường sinh thái, đa dạng sinh học và bảo vệ nguồn nước, điều tiết khí hậu cho Vùng. Từ đó, mục tiêu phát triển Tây Nguyên nhanh, bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là nhiệm vụ xuyên suốt, trọng tâm, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển vùng Tây nguyên nói chung và của cả nước nói chung”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Những vấn đề cần tháo gỡ

Ông Đào Xuân Thủy - Giám đốc VQG Chư Mom Ray, cho biết: Trong những năm qua với sự nỗ lực của Ban quản lý VQG Chư Mom Ray với đội ngũ cán bộ trẻ, yêu nghề, mạng lưới quản lý, bảo vệ được bố trí tại 14 trạm QLBVR khép kín, đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng thông qua các hoạt động nghiệp vụ như: truyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng; tuần tra kiểm soát, phòng cháy chữa cháy rừng; xây dựng các công trình lâm nghiệp hỗ trợ... Do vậy, trong thời gian tài nguyên rừng được bảo vệ tốt, không xảy ra vi phạm, không xảy ra cháy rừng.

Những kết quả nêu trên đã góp phần quan trọng trong thành tựu bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học nói chung trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Tuy nhiên, hiện nay trong thực hiện nhiệm vụ VQG Chư Mom Ray còn nhiều khó khăn cần được các cấp, ngành quan tâm giải quyết.

Ông Đào Xuân Thủy đề nghị Bộ NN&PTNT tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách về đầu tư cho con người (chế độ, chính sách tiền lương, chế độ ưu đãi nghề, chính sách thu hút, ...), hiện nay lương của lực lượng chuyên trách BVR rất thấp, lại không có bất cứ khoản phụ cấp nào do đó không đảm bảo cuộc sống tối thiểu, do đó ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện nhiệm vụ.

Có thông tư hướng dẫn cụ thể về cơ cấu tổ chức (các phòng chuyên môn, nghiệp vụ) và hướng dẫn xây dựng vị trí việc làm cho các Ban quản lý rừng đặc dụng để các đơn vị có cơ sở tổ chức thực hiện. Hiện nay, thực hiện theo Nghị định 01/2019/NĐ-CP ngày 01/01/2019 của Chính phủ về Kiểm lâm và Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, không hướng dẫn cụ thể về tổ chức của lực lượng chuyên trách BVR dẫn đến khi áp dụng thực hiện không đồng nhất, gây khó khăn cho các đơn vị khi xây dựng mô hình tổ chức Đội chuyên trách BVR.

Trong những năm qua với sự nỗ lực của Ban quản lý VQG Chư Mom Ray với đội ngũ cán bộ trẻ, yêu nghề, mạng lưới quản lý, bảo vệ được bố trí tại 14 trạm QLBVR khép kín, đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính là bảo vệ rừng

Ngoài ra, ông Đào Xuân Thủy đề xuất Bộ NN&PTNT và các Bộ, ngành liên quan xem xét đưa nghề bảo vệ rừng là nghề độc hại, nguy hiểm để có chính sách đặc thù cho lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, (lực lượng bảo vệ rừng đi kiểm tra rừng mùa mưa đi qua sông, suối nước lũ rất nguy hiểm; chữa cháy rừng mùa khô nguy cơ đến tính mạng…).

Đồng thời, có hướng dẫn cụ thể về xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật để làm cơ sở ban hành Danh mục dịch vụ công áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công (các Ban quản lý rừng đặc dựng, phòng hộ), để làm cơ sở cho ngành tài chính giao quyền tự chủ tài chính theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Bên cạnh đó, ông Thủy cũng mong muốn Nhà nước tạo điều kiện cho các đơn vị đang thực hiện nhiệm vụ bảo tồn thiên nhiên có cơ chế chủ động trong các hoạt động của mình, nhất là các hoạt động nghiên cứu, phát triển khu du lịch sinh thái, tạo công ăn việc làm cho bà con để bớt đi sự phụ thuộc vào rừng.



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 16/12/2024