Hoạt động quản lý thuế trong chu trình chuyển đổi số

Trong hơn 20 năm qua, cơ quan thuế có sự thay đổi mạnh mẽ, đã thực hiện số hóa các hồ sơ, dữ liệu quản lý thuế và dữ liệu kê khai của người nộp thuế. Những dữ liệu quản lý thuế được lưu trữ trên hệ thống máy tính điện tử của cơ quan thuế. Các tài liệu văn bản pháp luật thuế và các văn bản trả lời vướng mắc được số hóa thành bản mềm và được công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế. Theo đó, số lượng các văn bản pháp luật và các thủ tục hành chính thuế được công khai đầy đủ hơn. Đặc biệt, các dữ liệu đã được số hóa phục vụ tra cứu thông tin cho người nộp thuế đã được công khai trên cổng thông tin điện tử của cơ quan thuế như: Thông tin về trạng thái hoạt động của người nộp thuế; danh sách người nộp thuế nợ thuế; thông tin phát hành hóa đơn của người nộp thuế; danh sách người nộp thuế rủi ro cao về thuế; danh sách người nộp thuế bị cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn; danh sách hộ, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán…

Bên cạnh đó, cơ quan thuế bắt đầu đẩy mạnh phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục thuế và hỗ trợ xử lý dữ liệu quản lý thuế và thực hiện các nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế.

Trong lĩnh vực hỗ trợ người nộp thuế thực hiện thủ tục thuế, từ năm 2010, cơ quan thuế đã triển khai hệ thống khai thuế qua mạng internet thay thế cho hệ thống kê khai thuế mã vạch hai chiều. Năm 2014, cơ quan thuế bắt đầu nâng cấp hệ thống kê khai thuế qua mạng thành hệ thống kê khai thuế điện tử và triển khai mở rộng thủ tục nộp thuế điện tử qua ngân hàng. Giai đoạn từ 2015 đến 2018, đã từng bước mở rộng các sắc thuế áp dụng khai thuế điện tử và tăng tỷ lệ người nộp thuế kê khai thuế, nộp thuế điện tử, đặc biệt đối với người nộp thuế là doanh nghiệp. Thủ tục hoàn thuế điện tử bắt đầu được triển khai thí điểm từ năm 2015 và dần triển khai mở rộng những năm sau đó. Đến hết năm 2022, dịch vụ khai thuế, nộp thuế và hoàn thuế điện tử đã được áp dụng gần như bao phủ toàn bộ người nộp thuế và các sắc thuế chính. Theo Tổng cục Thuế, năm 2022 đã có 99,5% doanh nghiệp thực hiện dịch vụ khai thuế điện tử; 98,93% doanh nghiệp đã đăng ký nộp thuế điện tử; 99% số doanh nghiệp có hồ sơ đề nghị hoàn thuế đã thực hiện đề nghị hoàn thuế điện tử.

Bên cạnh đó, các dịch vụ thuế điện tử cũng được triển khai nhanh chóng như: ứng dụng eTax Mobile trên điện thoại di động thông minh dành cho người nộp thuế cá nhân; cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài; mở rộng việc cấp tài khoản thuế điện tử cho người nộp thuế cá nhân. Bên cạnh đó, ngành Thuế còn mở rộng dịch vụ kê khai, nộp thuế điện tử đối với lệ phí trước bạ ô tô, xe máy. Với ứng dụng eTax Mobile, người nộp thuế có thể đăng ký, kê khai, nộp thuế thông qua các thiết bị di động thông minh có cài đặt ứng dụng. Đến cuối năm 2022, đã có 234.004 lượt tải và cài đặt, sử dụng ứng dụng eTax Mobile, số giao dịch qua ngân hàng thương mại là 113.697 với tổng số tiền trên 489 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có email và hotline hỗ trợ trực tuyến nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện. Tính đến cuối tháng 3/2023, đã có 49 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký, khai thuế và nộp thuế qua cổng thanh toán điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài, với tổng số số thu lũy kế từ khi vận hành cổng (21/03/2022) đến cuối tháng 3/2023 đạt trên 3.700 tỷ đồng, chỉ trong 3 tháng đầu năm 2023 là 1.852 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế đang triển khai việc chuyển đổi hệ thống mã định danh cá nhân xác định theo số căn cước công dân làm mã số thuế; phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội xây dựng quy trình trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu quản lý thuế lần đầu để phục vụ rà soát dữ liệu đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ chuyển đổi mã định danh làm mã số thuế.

Hóa đơn điện tử được cơ quan thuế triển khai từ năm 2011. Những năm sau, cơ quan thuế cung cấp dịch vụ chứng thư số và các điều kiện kỹ thuật cho việc phát triển hóa đơn điện tử. Đặc biệt, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 đã qui định rất rõ về hóa đơn, chứng từ điện tử và được cụ thể hóa tại Nghị định 123/2020/NĐ-CP. Từ ngày 1/7/2022, tất cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai có sử dụng hóa đơn bắt buộc phải chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử. Những doanh nghiệp không sử dụng hóa đơn điện tử thì sử dụng hóa đơn đặt in do cơ quan thuế phát hành, chấm dứt việc sử dụng hóa đơn do cơ sở kinh doanh tự in và hóa đơn cơ sở kinh doanh đặt in.

Đồng thời, với mục tiêu khuyến khích người tiêu dùng lấy hóa đơn, tạo lập thói quen tiêu dùng văn minh, mua bán hàng hóa/dịch vụ phải có hóa đơn, chứng từ nhằm bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, ngành Thuế đã thực hiện chương trình “Hóa đơn may mắn” trên cả nước và thực hiện trao hàng nghìn giải thưởng cho người nộp thuế. Từ 15/12/2022 đến nay Tổng cục Thuế đang tích cực triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền đối với các cơ sở kinh doanh có sử dụng máy tính tiền khi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ. Đến cuối tháng 3/2023, các địa phương đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu triển khai hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền giai đoạn 1. Đặc biệt, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hơn 5.300 doanh nghiệp, hộ, cá nhân kinh doanh đã đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền thành công, đạt 136,2% so với kế hoạch giai đoạn 1 với 920.077 hóa đơn điện tử được khởi tạo.

Về ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ xử lý các nghiệp vụ quản lý của cơ quan thuế: Từ năm 2007, cơ quan thuế đã bắt đầu triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ các chức năng quản lý thuế như: ứng dụng quản lý thuế hồ sơ, quản lý nợ thuế, thanh tra, kiểm tra thuế … với 16 ứng dụng. Đến năm 2014, cơ quan thuế bắt đầu triển khai thí điểm Hệ thống quản lý thuế tập trung (TMS) đã thay thế cho toàn bộ 16 ứng dụng riêng biệt trước đây. Hệ thống TMS đã được triển khai ở tất cả các cơ quan thuế trong cả nước và dần dần khắc phục những nhược điểm kỹ thuật trước đấy.

Những hạn chế, bất cập trong chuyển đổi số quản lý thuế

Mặc dù đã đạt được những kết quả, nhưng xét trên phương diện yêu cầu cần đạt của chuyển đổi số trong quản lý thuế ở Việt Nam thì vẫn còn một số hạn chế, bất cập :

Khá nhiều thủ tục thuế và dữ liệu thuế vẫn sử dụng chứng từ và hồ sơ giấy. Một số sắc thuế vẫn chưa thực hiện kê khai điện tử; Hệ thống thủ tục thuế điện tử và nộp thuế điện tử chưa thực sự thông suốt giữa cơ quan thuế với cơ quan Kho bạc nhà nước và các ngân hàng thương mại; Chưa liên thông và sử dụng chung cơ sở dữ liệu giữa cơ quan thuế với các cơ quan nhà nước có liên quan; Các chức năng và tiện tích của ứng dụng eTax Mobile chưa thuận tiện, chưa đa dạng và còn khó sử dụng; Hệ thống TMS chưa tự động phân tích dữ liệu phục vụ quản lý thuế; Vẫn cần nhiều thao tác phức tạp để khai thác dữ liệu từ hệ thống TMS phục vụ các nghiệp vụ quản lý thuế.

Làm gì để đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động quản lý thuế?

Chuyển đổi số cần thời gian tương đối dài vì nó là một cuộc cách mạng về mô hình và cách thức quản lý thuế gắn với ứng dụng kỹ thuật số và các công nghệ hiện đại. Trong khi đó, hệ thống quản lý thuế hiện hành của Việt Nam mới ở khoảng giữa của quản lý thuế thế hệ 2.0. Vì vậy, tôi cho rằng, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam thời gian tới cần thực hiện lộ trình 3 bước như sau:

Bước 1 (Từ nay đến 2025): Đây là giai đoạn chuẩn bị điều kiện cần thiết và từng bước chuyển đổi số. Trong giai đoạn này, cần làm tốt các công việc sau đây:

Số hóa toàn bộ hồ sơ, dữ liệu về quản lý thuế, kể cả các thủ tục trình và ra các quyết định quản lý thuế cũng chuyển dần sang phương thức giao dịch điện tử với hồ sơ điện tử, duyệt và ký điện tử. Chuyển dần tất cả các thủ tục thuế với tất cả các sắc thuế từ thủ tục giấy sang thủ tục điện tử. Phấn đấu đến năm 2025, toàn bộ các thủ tục thuế thực hiện bằng phương thức điện tử và toàn bộ các quyết định quản lý thuế là văn bản điện tử. Theo đó, các thủ tục nội bộ cơ quan thuế như: thủ tục trình, phê duyệt và ra quyết định quản lý thuế cần chuyển bằng phương thức điện tử để đẩy nhanh tiến độ giải quyết công việc và không phát sinh thêm công việc cho công chức thuế.

Đồng thời,cần hoàn thiện và nâng cấp các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế khai thuế, nộp thuế trên website của ngành Thuế có kết nối với các ngân hàng thương mại; Hoàn thiện và nâng cấp ứng dụng eTax Mobile cho người nộp thuế là cá nhân; Tiếp tục triển khai ứng dụng điện thoại di động thông minh cho người nộp thuế là tổ chức kinh tế để người nộp thuế là tổ chức có thể sử dụng cả website lẫn ứng dụng điện thoại hỗ trợ kê khai, nộp thuế điện tử và sử dụng hóa đơn điện tử. Mở rộng đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử và chứng từ điện tử trong hoạt động kinh doanh của người nộp thuế. Phát triển phương thức nộp thuế điện tử ở mức độ thuận tiện cao nhất, đảm bảo ngay sau khi người nộp thuế hoàn thành việc nộp thuế thì hệ thống của Kho bạc nhà nước, cơ quan thuế và các cơ quan nhà nước có liên quan … phải đồng thời ghi nhận theo khoảng thời gian thực của hoạt động nộp thuế. Điều này đảm bảo mọi thủ tục hành chính thuế và các thủ tục khác được nhanh chóng, thuận tiện nhất cho người nộp thuế. Thực tiễn thực hiện chuyển đổi thủ tục khai lệ phí trước bạ từ thủ tục giấy sang thủ tục điện tử thời gian qua cho thấy, người dân không hào hứng với thủ tục điện tử vì nhiều trường hợp nộp xong thuế điện tử rồi mà mấy ngày sau cơ quan công an mới được thông báo người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Bên cạnh đó,công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, máy tính, phần mềm và các giải pháp kỹ thuật công nghệ thông tin để đáp ứng các yêu cầu về thủ tục thuế điện tử, hóa đơn điện tử, nộp thuế điện tử cũng cần thực hiện đồng bộ. Đào tạo nâng cao trình độ đội ngũ công chức thuế đáp ứng tốt yêu cầu chuyển đổi số và chuẩn bị cơ cấu lại nguồn nhân lực giữa các bộ phận trong cơ quan thuế phù hợp với mô hình quản lý thuế 3.0.

Bước 2 (Từ 2026 đến 2030): Đây là giai đoạn bắt đầu đẩy mạnh chuyển đổi số.Trên phương diện phương pháp quản lý và công nghệ quản lý, cần dần dần chuyển đổi từ hệ thống người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế gắn với xử lý dữ liệu tập trung tại cơ quan thuế, sang hệ thống tự tính thuế của hệ thống công nghệ thông tin gắn với các hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế theo theo thời gian thực. Trong giai đoạn này, phương thức mới có thể áp dụng đối với các sắc thuế tiêu dùng. Tuy nhiên, để áp dụng thành công, cần sửa đổi quy định pháp luật liên quan đến các căn cứ tính thuế và thủ tục kê khai, tính thuế nộp thuế …theo mô hình người nộp thuế tự kê khai, tự nộp thuế; cơ quan thuế tập trung xử lý dữ liệu, cung cấp dịch vụ và giám sát tuân thủ thuế của người nộp thuế. Đồng thời, xác định lộ trình đổi mới phù hợp với quá trình phát triển nền kinh tế số ở Việt Nam, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của cơ quan thuế cũng như năng lực đáp ứng chuyển đổi số của cả hệ thống cơ quan nhà nước có liên quan, gắn với việc phát triển chính phủ điện tử.

Bước 3 (Từ năm 2031 trở đi): Đây là giai đoạn hoàn thiện và nâng cấp chuyển đổi số trong quản lý thuế ở Việt Nam. Giai đoạn này cơ quan thuế cần tiếp tục áp dụng dụng mô hình và phương thức quản lý thuế mới theo hướng hoàn thiện và nâng cấp mô hình hệ thống tự tính thuế, tự khấu trừ thuế gắn với hoạt động thường nhật của người nộp thuế và thời gian thực phát sinh nghĩa vụ thuế. Nên áp dụng mở rộng cho các sắc thuế, đảm bảo khả năng tự kiểm tra, giám sát của người nộp thuế và khả năng kiểm soát của cơ quan thuế với cách thức kiểm soát mới. Mô hình này sẽ không còn khái niệm thành lập đoàn thanh tra hay đoàn kiểm tra thuế của cơ quan thuế mà là hệ thống tự động cảnh báo gắn với giao dịch thường nhật và thời gian thực của các hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế./.

PGS.TS Lê Xuân Trường

Học viện Tài chính

Tài liệu tham khảo:
OECD (2016), Technologies for Better Tax Administration: a Practical Guide for Revenue Bodies.
OECD (2020), Tax Administration 3.0: The Digital Transformation of Tax Administration.
Tổng cục Thuế: Báo cáo tổng kết công tác thuế các năm từ 2010 đến 2022