ISSN-2815-5823
AN NHIÊN
Chủ nhật, 07h10 10/09/2023

Chủ động ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại

(KDPT) - Nhiều năm qua, Việt Nam trở thành điểm sáng về xuất khẩu, tuy nhiên đi kèm với đó, hàng hóa của chúng ta gặp không ít rào cản thương mại tại một số thị trường; và đã có một số trường hợp vướng phải tranh chấp thương mại quốc tế.
Sản xuất các đơn hàng dệt may phục vụ xuất khẩu.
Sản xuất các đơn hàng dệt may phục vụ xuất khẩu.

Việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đã mang lại nhiều cơ hội, lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp, mở ra nhiều triển vọng cho xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, cùng với sự gia tăng hàng hóa xuất nhập khẩu, sự cạnh tranh và va chạm về lợi ích giữa các ngành sản xuất trong nước và các mặt hàng nhập khẩu ngày càng phức tạp, các mặt hàng của Việt Nam cũng chịu sức ép nhiều hơn ở thị trường các nước sở tại.

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ Thương mại cho biết, trong bối cảnh kinh tế hội nhập sâu rộng, nhiều FTA được thi hành đi kèm các ưu đãi thuế quan, giảm thuế nhập khẩu, mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp thì cũng tồn tại song song các biện pháp phòng vệ thương mại. “Nếu cắt giảm thuế quan, tăng cường các cơ hội tiếp cận thị trường là mang đến cho các doanh nghiệp các cơ hội thì các biện pháp phòng vệ thương mại ở một chừng mực nào đó là những nguy cơ, rủi ro, thách thức mà doanh nghiệp xuất khẩu gặp phải trong quá trình tham gia sân chơi toàn cầu”, ông Trung nói và thông tin thêm, từ năm 1995 đến nay có hơn khoảng 7.000 các biện pháp phòng vệ thương mại được các quốc gia tiến hành điều tra và áp dụng. Mỗi năm, Cục phòng vệ thương mại phải tham gia 13 – 15 thậm chí có thể lên đến 20 vụ điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam (nước ngoài điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng Việt Nam). Tại Việt Nam, đã có 27 cuộc điều tra về phòng vệ thương mại. Trong đó, kể từ năm 2018 đến nay có tới 20 cuộc (Việt Nam điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng nhập khẩu nước ngoài).

Thực tế cho thấy, một số hạn chế của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam về năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại, cụ thể:

Một là, doanh nghiệp chưa chủ động tiếp cận thông tin chuyên môn từ các cơ quan chức năng như Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương); theo dõi, nghiên cứu, đề xuất lên các cơ quan có thẩm quyền về những ưu và nhược điểm về lĩnh vực xuất khẩu của đơn vị mình để nhận được định hướng tư vấn từ cơ quan chức năng, giảm thiểu khả năng gặp phải phòng vệ thương mại.

Hai là, doanh nghiệp chưa tăng cường đổi mới, đa dạng hoá, tiến bộ hoá chất lượng mẫu mã ngành hàng xuất khẩu, chưa thay đổi tư duy kinh doanh (không chỉ cạnh tranh bằng giá mà phải cạnh tranh bằng chất lượng và thương hiệu) để biến chuyển sức ép cạnh tranh thành động lực phát triển. Điều này khiến cho chất lượng hàng xuất khẩu có thể yếu kém hơn so với mặt bằng chung của thế giới, dễ bị các rào cản thương mại làm tổn hại.

Ba là, nguồn nhân lực của doanh nghiệp về hiểu biết liên quan tới phòng vệ thương mại còn yếu kém, chưa có bộ phận pháp chế, chưa có hệ thống quản trị liên quan. Do đó, chưa đa dạng hoá được công cụ chiến lược kinh doanh, bao gồm cả công cụ phòng tránh các biện pháp phòng vệ thương mại ở các quốc gia mà doanh nghiệp đó xuất khẩu hàng hoá.

Bốn là, hạn chế về khả năng huy động nguồn lực khi bị điều tra phòng vệ thương mại.

Năm là, hạn chế về khả năng tập hợp bằng chứng chứng minh cho các vụ điều tra phòng vệ thương mại.

Theo Bộ Công Thương, việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia bởi mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa. Trong bối cảnh đó, bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải chủ động nâng cao nhận thức, và năng lực trong việc ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại. Doanh nghiệp cần đa dạng hoá thị trường, thường xuyên tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, tránh tăng trưởng xuất khẩu quá nóng vào một thị trường, đặc biệt là các thị trường thường xuyên sử dụng công cụ phòng vệ thương mại và đã từng kiện hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, doanh nghiệp cần đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm, cần chuyển dần từ chiến lược cạnh tranh bằng giá sang cạnh tranh bằng chất lượng, thương hiệu.

Thứ hai, chủ động phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng tâm lý, nguồn lực, chiến lược ứng phó trước các vụ việc liên quan đến phòng vệ thương mại trong tương lai.

Thứ ba, xây dựng đội ngũ nhân lực (luật sư, chuyên gia tư vấn pháp lý…) tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, ngành hàng có trình độ, năng lực, hiệu quả tư vấn, để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại.

Dự báo xu hướng lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sẽ ngày càng phức tạp, cũng như xu hướng điện tử hóa trong xuất, nhập khẩu ngày càng tăng. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động ứng phó các biện pháp phòng vệ thương mại của nước ngoài, đồng thời, không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, bất hợp pháp. Đây cũng là biện pháp an toàn, hiệu quả nhất mà doanh nghiệp có thể tham gia để bảo vệ quyền lợi của chính mình.

Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
kinhdoanhvaphattrien.vn | 19/05/2024