ISSN-2815-5823
Thứ năm, 06h01 12/10/2023

Chuyển đổi số - Cơ hội đi tắt đón đầu thành công

(KDPT) - Việt Nam từng thành công trong việc đi tắt đón đầu về phát triển viễn thông. Nếu nắm bắt được thời cơ trong chuyển đổi số, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để vươn lên thành nước phát triển, thu nhập cao.

Quan điểm chỉ đạo và sự chuẩn bị về thể chế

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nêu rõ tầm nhìn và định hướng phát triển của đất nước, trong mục tiêu tổng quát đã xác định về kinh tế là “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, công nghiệp hoá, hiện đại hoá”. Mục tiêu cụ thể xác định đến năm 2025 là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây là mục tiêu rất cao, nhưng không phải là không thể đạt được, nhất là trong bối cảnh thế giới đang vận động mạnh mẽ trong cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ tư. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu trên, trong bối cảnh của cuộc Cách mạng 4.0, chuyển đổi số được cho là chìa khóa, là vấn đề then chốt, giải pháp để Việt Nam có thể vượt qua bẫy thu nhập trung bình, vươn lên thành nước phát triển, thu nhập cao.

Từ khi thực hiện công cuộc đổi mới đến nay, những nỗ lực trên tất cả các mặt đã góp phần đưa nước ta từ mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 200 USD những năm 1990 lên mức 3.590 USD vào năm 2021 (theo số liệu của Ngân hàng Thế giới), tiến sát ngưỡng khởi đầu của nhóm các nước thu nhập trung bình cao.

Tuy nhiên, đa số các quốc gia trên thế giới sau khi chạm ngưỡng thu nhập trung bình cao thì tốc độ tăng trưởng chậm dần do vấp phải nhiều vấn đề như già hóa dân số, an sinh xã hội, suy thoái môi trường, cạn kiệt tài nguyên và dừng lại, được gọi là “bẫy thu nhập trung bình”.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà hạt nhân của nó là công cuộc chuyển đổi số chính là cơ hội, chìa khóa để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. (Ảnh minh họa: Báo Chính phủ)

Việt Nam cũng được cảnh báo cần hết sức tránh “bẫy thu nhập trung bình”, và một trong những cơ hội, chìa khóa để chúng ta có thể vượt qua được chính là cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 mà hạt nhân của nó là công cuộc chuyển đổi số. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã nỗ lực cải cách thể chế kinh tế để đẩy mạnh phát triển, đặc biệt là có những chủ trương, chính sách kịp thời để đón đầu và thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, nắm bắt thời cơ tăng tốc vượt lên.

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trong đó thể hiện quan điểm chỉ đạo: “Chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng, vừa cấp bách vừa lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, gắn chặt với quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng; đồng thời nhận thức đầy đủ, đúng đắn về nội hàm, bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để quyết tâm đổi mới tư duy và hành động, coi đó là giải pháp đột phá với bước đi và lộ trình phù hợp là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Trong Báo cáo chính trị Đại hội XIII cũng khẳng định: “Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số để tạo bứt phá về nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 tiếp tục nhấn mạnh: “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.

Trong ba nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện các đột phá chiến lược, chuyển đổi số quốc gia được xác định ở nhiệm vụ thứ hai, cụ thể là: “Phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh”. Phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 cũng xác định: “Hoàn thiện thể chế để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số”.

“Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được cho là sự sẵn sàng chấp nhận loại bỏ cái cũ không còn phù hợp, hoặc tạo ra không gian thử nghiệm cho cái mới chưa có tiền lệ, chưa được quy định rõ ràng; do đó, thực chất nó là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ”.

Đại hội XIII của Đảng còn xác định cụ thể nội dung của chuyển đổi số quốc gia trong những năm tới là: “Công nghệ số sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số; làm thay đổi phương thức quản lý nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh, tiêu dùng và đời sống văn hóa, xã hội”. Như vậy có thể thấy, Đảng ta đã xác định chuyển đổi số quốc gia là vấn đề có tính chiến lược trong đường lối phát triển đất nước, là con đường, cách thức để hiện thực hóa khát vọng phát triển Việt Nam đến năm 2045”.

Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 được cho là sự sẵn sàng chấp nhận loại bỏ cái cũ không còn phù hợp, hoặc tạo ra không gian thử nghiệm cho cái mới chưa có tiền lệ, chưa được quy định rõ ràng; do đó, thực chất nó là cuộc cách mạng về thể chế nhiều hơn là cuộc cách mạng về công nghệ.

Để tạo môi trường pháp lý cho chuyển đổi số được thực hiện thuận lợi và an toàn, xây dựng không gian mạng và nền tảng số lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, Nhà nước đã chủ động xây dựng và thông qua các luật liên quan, cũng như sửa đổi bổ sung một số luật cho phù hợp với sự phát triển của công nghệ cũng như công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới. Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV ngày 12/6/2018 đã thông qua Luật an ninh mạng số 24/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2019. Quốc hội khóa XV đã sửa đổi bổ sung Luật Tần số vô tuyến điện số 42/2009/QH12 và hợp nhất ban hành Luật Tần số vô tuyến điện số 09/2022/QH15 ngày 9/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023; ngày 22/6/2023 ban hành Luật Giao dịch điện tử số 20/2023/QH15, có hiệu lực từ ngày 1/7/2024 để thay thế Luật giao dịch điện tử số 51/2005/QH11.


Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chính phủ cũng từng bước cụ thể hóa chủ trương của Đảng về chuyển đổi số. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030…

“Ai dám thí điểm cái mới, sớm ứng dụng cái mới, dám cho cái mới một tờ giấy khai sinh, thì người đó mới có cơ hội thành công, bứt phá vươn lên và thay đổi thứ hạng. Nhưng phải là đi trước người khác thì mới có cơ hội thay đổi thứ hạng”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông

Theo đánh giá của các chuyên gia, tăng trưởng của Việt Nam thời gian qua chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư, ít dựa vào gia tăng hiệu quả sử dụng lao động và ứng dụng kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất. Còn theo kinh nghiệm của thế giới, để trở thành quốc gia có thu nhập cao thì tăng trưởng kinh tế phải đạt tốc độ cao, khoảng 8-9%/năm, liên tục trong nhiều năm. Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, Việt Nam cần đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khi năng suất lao động tăng lên từ 8 - 10%/năm, sẽ giúp nâng cao tăng trưởng GDP và chính là cơ hội thoát ra khỏi “bẫy thu nhập trung bình”.

Như vậy có thể thấy, trên cơ sở nhận thức xu thế tất yếu của thời đại và thời cơ có một không hai của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, Đảng và Nhà nước ta đã sớm đề ra chủ trương, đường lối, vạch ra chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, đồng thời từng bước chuẩn bị môi trường pháp lý, sẵn sàng cho sự thay đổi từ nhận thức đến hành động để thực hiện chuyển đổi số thành công, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển mà Đại hội XIII đã đề ra.

Liên kết là sức mạnh

Quyết tâm chính trị đã có, nền tảng thể chế, môi trường chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện theo sự phát triển của cuộc Cách mạng 4.0. Vấn đề còn lại là nhận thức và sự sẵn sàng cũng như hành động cụ thể của người dân và doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp có vai trò vừa xây dựng, vừa mở đường, vừa thực hiện.

Theo đánh giá của Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang vẽ lại bản đồ kinh tế trên thế giới, với sự suy giảm quyền lực của các quốc gia dựa chủ yếu vào khai thác tài nguyên và sự gia tăng sức mạnh của các quốc gia dựa chủ yếu vào công nghệ và đổi mới sáng tạo. Do đó, bản đồ sức mạnh của các doanh nghiệp cũng đang được vẽ lại: Các tập đoàn lớn vang bóng một thời và thống lĩnh thị trường trong một giai đoạn dài đang bị các doanh nghiệp trẻ khởi nghiệp trong giai đoạn gần đây trong lĩnh vực công nghệ vượt mặt.

Chính vì vậy, có thể coi chuyển đổi số là cuộc đua sống còn của doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội có một không hai để doanh nghiệp lột xác, đi tắt đón đầu, là bước vượt vũ môn để hóa rồng. Chỉ cần đơn giản nhìn vào lĩnh vực thương mại điện tử hay taxi công nghệ là đủ thấy sức mạnh của chuyển đổi số là không thể cưỡng lại, nhưng cũng là cơ hội cho những người “tay không mà nổi cơ đồ” khi biết chớp thời cơ và có đủ bản lĩnh, quyết tâm, và nhất là dám thay đổi nhận thức khi thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên số hóa.

“Có thể coi chuyển đổi số là cuộc đua sống còn của doanh nghiệp, nhưng cũng là cơ hội có một không hai để doanh nghiệp lột xác, đi tắt đón đầu, là bước vượt vũ môn để hóa rồng. Chỉ cần đơn giản nhìn vào lĩnh vực thương mại điện tử hay taxi công nghệ là đủ thấy sức mạnh của chuyển đổi số là không thể cưỡng lại, nhưng cũng là cơ hội cho những người “tay không mà nổi cơ đồ” khi biết chớp thời cơ và có đủ bản lĩnh, quyết tâm, và nhất là dám thay đổi nhận thức khi thế giới đang bước vào một kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên số hóa”.

Kết quả khảo sát năm 2022 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, điều đáng mừng là các doanh nghiệp Việt Nam đã có sự chuyển biến tích cực, nhất là chuẩn bị tốt về tâm thế và sẵn sàng cho cuộc chuyển đổi số.

Theo đó, số lượng các doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số gia tăng, nhiều doanh nghiệp đã dành ngân sách cụ thể cho hoạt động chuyển đổi số chứ không phải chỉ là quyết tâm chung chung nữa. Các doanh nghiệp đã có bước tiến rõ rệt về áp dụng các công nghệ số trong nghiệp vụ tiếp thị, phân phối, bán hàng đa kênh giúp gia tăng trải nghiệm và chăm sóc khách hàng tốt hơn. Không những thế, công nghệ số còn được áp dụng phổ biến trong một số nghiệp vụ như quản lý hàng tồn kho, dây chuyền sản xuất, quản lý mua hàng. Nhiều doanh nghiệp đã số hóa dữ liệu và chuẩn hóa quy trình để tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng và đồng bộ.

Trong đó, ba khía cạnh có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số tốt nhất là: 1/ Định hướng và chiến lược, 2/ Con người và tổ chức, 3/ Trải nghiệm khách hàng và bán hàng đa kênh. Những tiến bộ này được cho là do sự trưởng thành trong nhận thức, kỹ năng và kinh nghiệm liên quan tới chuyển đổi số của lãnh đạo và đội ngũ nhân lực của doanh nghiệp. Điều này càng củng cố thêm quan điểm của Chính phủ trong chuyển đổi số khi khẳng định “nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”.

Trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ đã nhấn mạnh: “Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số”. Như vậy, không cần phải đợi đến khi có đầy đủ điều kiện về thể chế, môi trường, nền tảng hay nhân lực và kinh phí, mà ngay với hạ tầng và môi trường hiện có, doanh nghiệp đều đã có thể thực hiện chuyển đổi số theo từng bước với từng mức độ khác nhau và thấy được hiệu quả tức thì.

Chuyển đổi số - Cơ hội đi tắt đón đầu thành công
Công nghệ được xác định là một trong những động lực của chuyển đổi số. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Tuy nhiên, điểm yếu trong chuyển đổi số của doanh nghiệp Việt đến nay được cho là việc áp dụng công nghệ số tại nhiều doanh nghiệp, nhất là là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn mang tính cục bộ và rời rạc do thiếu mục tiêu, kế hoạch cũng như chiến lược thực hiện chuyển đổi số một cách rõ ràng ngay từ đầu. Vì vậy, việc đầu tư chuyển đổi số chưa mang lại thành công như mong đợi. Điều này cần phải khắc phục ngay, bởi một khi không thấy được kết quả sẽ dẫn đến nhận thức sai lệch về chuyển đổi số, thiếu niềm tin nên dẫn đến chán nản, thoái chí và thậm chí bỏ dở.

Mặt khác, từng lĩnh vực có mức độ sẵn sàng chuyển đổi số khác nhau nên đòi hỏi việc xây dựng lộ trình cũng phải phù hợp với đặc trưng của từng doanh nghiệp và từng ngành nghề. Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, quản trị rủi ro vẫn là điểm hạn chế của hầu hết các doanh nghiệp. Điều này cho thấy, các doanh nghiệp dù có đủ nhận thức, kiến thức về chuyển đổi số nhưng lại khó có thể tự mình thực hiện quá trình thay đổi về chất và mang tính toàn diện này. Do đó, việc hỗ trợ, tư vấn về lộ trình chuyển đổi số, hỗ trợ ứng dụng giải pháp chuyển đổi số phù hợp là hết sức cần thiết.

"Chuyển đổi số bao gồm xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và thành phố thông minh, là lựa chọn duy nhất, là nhiệm vụ bao trùm trong giai đoạn 2021-2025 cho bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện cuộc sống của nhân dân, tạo môi trường phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp, của từng địa phương và của cả quốc gia.”

Ông Trương Gia Bình
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

Điều này cũng đặt ra vấn đề phải phát triển đồng bộ về nền tảng, hạ tầng, môi trường số cùng với chuyển biến về nhận thức và kiến thức, phát triển đồng bộ, nhịp nhàng giữa các doanh nghiệp công nghệ số với việc số hóa các doanh nghiệp. Đặc biệt, sự phối hợp, liên kết, hỗ trợ giữa các doanh nghiệp công nghệ với các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số là hết sức cần thiết, bởi các doanh nghiệp chuyển đổi số cần các doanh nghiệp công nghệ để thực hiện chuyển đổi số thành công, và các doanh nghiệp công nghệ càng cần doanh nghiệp chuyển đổi số để triển khai các ứng dụng, giải pháp và cũng là mục tiêu, môi trường để doanh nghiệp công nghệ phát triển.

Cũng như các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, nhưng đặc biệt hơn các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây, chuyển đổi số của doanh nghiệp thành công đòi hỏi các doanh nghiệp càng phải liên kết với nhau và chỉ có liên kết chặt chẽ mới có thể thành công. Không có doanh nghiệp nào có thể phát triển độc lập trong môi trường số. Càng liên kết chặt chẽ, rộng rãi thì hiệu quả càng cao và mỗi doanh nghiệp càng có điều kiện phát triển, không phải với cấp số nhân mà là với cấp số lũy thừa, hàm số mũ.

Việt Nam đã dám đi tắt đón đầu và thành công trong cuộc cách mạng về viễn thông. Nếu nắm bắt được thời cơ trong chuyển đổi số, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thành công, nhất là khi chúng ta đã có kinh nghiệm và bài học từ câu chuyện về viễn thông, và việc tiên phong trong viễn thông làm nền tảng cho chuyển đổi số.

Chính phủ đã đi trước một bước trong việc xây dựng thể chế và vai trò nhạc trưởng trong việc xây dựng nền tảng, môi trường số… Vấn đề còn lại nằm ở doanh nghiệp. Công nghệ được xác định là một trong những động lực của chuyển đổi số. Vì vậy, doanh nghiệp vừa là mục tiêu vừa là đối tượng, đồng thời cũng là một trong những động lực của chuyển đổi số!

THÙY ANH



Kinhdoanhvaphattrien.vn | 05/11/2023

eMagazine
 
kinhdoanhvaphattrien.vn | 25/11/2024